TỌA ĐÀM VƯƠNG TRIỀU NGUYỄN VỚI DI SẢN PHẬT GIÁO

Mấy ngày qua tôi bị cuốn vào công việc sau chuyến đi giới thiệu Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản văn hóa Huế (gọi tắt là Hội Di sản Huế) với thân hữu và người yêu Huế ở TP HCM nên không theo dõi thời sự trên FB. Sáng 15-1, thức dậy mở Computer thấy có Thư mời Tọa đàm Vương Triều Nguyễn với Di sản Phật giáo. Rất bất ngờ, nhưng đây là đề tài hấp dẫn đối với Hội Di sản Huế nên tôi tạm nghỉ thiền hành như thường lệ, để chuẩn bị đi dự tọa đàm ở Trung Tâm Văn hóa Liễu Quán (15 Lê Lợi, Huế).


Tôi đến vừa đúng lúc HT Thích Hải Ẩn khai mở tọa đàm. Thực chất đây là một hội thảo khoa học. Kỷ yếu tọa đàm có 16 tham luận khoa học của các tăng sĩ, các nhà nghiên cứu, các trí thức Hoàng tộc tên tuổi.
Cuộc tọa đàm đông đảo nhưng thân mật, ấm cúng. Tôi cảm thấy thú vị với những ý nghĩ thô thiển trong đầu: 1. Người tham dự xem Thư mời trên internet mà đến dự tọa đàm chứ không phải nhận được Thư mời đích danh như thường lệ. Do đó có nhiều người đến dự Ban tổ chức tọa đàm không biết. Người đến dự khá đông chứng tỏ đề tại tọa đàm hấp đẫn. 2. Lần đầu tiên tôi được dự một cuộc hội thảo do ba cơ quan là TT Văn hóa Phật giáo Liễu Quán, Hội đồng Nguyễn Phúc Tộc VN và Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia VN tại Huế cùng phối hợp tổ chức. Một biểu hiện phá vỡ tình hình cục bộ của các tổ chức nghiên cứu tồn tại lâu nay ở Huế. Hy vọng hội Di sản Huế có cơ hội hợp tác. 3. Các tăng sĩ khoa bảng, các trí thức Hoàng tộc đã thủ đắc được nhiều thông tin lịch sử quý giá mà các bộ sử chính thức lâu nay chưa có.


Tôi biết cuộc tọa đàm vào giờ chót nên không hề có chuẩn bị ý kiến gì cả. Tôi đi dự vừa để học hỏi vừa làm nhiệm vụ của Hội Di sản Huế. Vì thế khi được mời phát biểu tôi chỉ dám tham gia vài ý kiến nhỏ:
Trong tọa đàm thầy Không Nhiên có nhắc đến Giác Vương Nội viện liên quan đến công trình nghiên cứu Cung điện Đan Dương / sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung của tôi. Tôi xin nói thêm cho rõ: Phủ Dương Xuân của các chúa Nguyễn có chùa Thiền Lâm. Thời Nguyễn Phúc Chu, theo yêu cầu của HT Thích Đại Sán, chùa Thiền Lâm được mở rộng thành một ngôi đại tự dành cho tứ chúng, chúa Nguyễn Phúc Chu phải lập riêng trong phủ ngôi Giác Vương Nội viện để cho Hoàng gia tu tập hằng ngày. Về sau Nguyễn Huệ/Quang Trung chiếm Phủ Dương Xuân làm Cung điện rồi lăng Đan Dương. Năm 1801, chúa Nguyễn về lại Phú Xuân, cung điện/lăng Đan Dương bị phá bỏ, dấu tích Giác Vương Nội viện bị xóa sach. Suốt thế kỷ XIX, dân chúng không được đến đó. Riêng Công chúa An/Yên Mỹ (con gái vua Gia Long và bà Lê Thị Ngọc Bình) được đến đó xây dựng một ngôi chùa (bên cạnh chùa Vạn Phước ngày nay) có tên là Tuệ/Huệ Lâm. Nhưng sử nhà Nguyễn viết là “trùng tu” chứ không phải xây dựng mới. Huệ Lâm là hậu thân của Giác Vương Nội viện. Vì Giác Vương Nội viện liên quan đến Tây Sơn đã bị xóa nên không được nhắc lại. Nếu nhắc lại Giác Vương Nội sẽ đụng đến Phủ Dương Xuân mà nhà Nguyễn đã bảo mất tích rồi là phạm vào một điều cấm. Chùa Tuệ Lâm tồn tại cho đến nửa đầu Thế kỷ XX. Khi chùa Tuệ Lâm bị hạ giải, chiếc đại hồng chung đúc năm Thiệu Trị thứ hai (1842) của chùa Tuệ Lâm chuyển về chùa Báo Quốc (hiện nay vẫn còn). Tuệ Lâm Vạn Phước kề bên nhau, vì sao chuông chùa Tuệ Lâm không gửi vào Vạn Phước mà chuyển về Báo Quốc? Vì sau khi chùa Báo Quốc được Hiếu Khương hoàng hậu xây dựng lại, nhà sư chăm sóc Giác Vương Nội viện ẩn trốn nhà Tây Sơn trước đó được tìm mời về trú trì chùa Báo Quốc. Quả chuông chùa Tuệ Lâm hậu thân của Giác Vương Nội viện về ngôi chùa có vị trú trì từng đứng đầu Giác Vương Nội viện. Quả chuông chùa Tuệ Lâm là một di sản đặc biệt của Phật giáo Cố đô Huế.


Trong tham luận Chùa Đông Thuyền – một ngôi chùa xưa ở Huế gắn bó các nhân vật Hoàng gia Triều vua Gia Long của ông Vĩnh Dũng có nhắc đến khám thờ bà Bùi Mộng Điệp “thứ phi” của Cựu hoàng Bảo Đại do tôi dâng cúng ở chùa Đông Thuyền. Tôi xin nói rõ hơn: Tôi may mắn được phỏng vấn bà Mộng Điệp nhiều lần, được bà cho phép in thành sách “Hỏi chuyện đời bà “thứ phi” Bùi Mộng Điệp với Cựu hoàng Bảo Đại” cung cấp nhiều thông tin mới về Cựu hoàng Bảo Đại mà sử sách VN chưa biết. Bà có nguyện vọng được chết và táng ở gần một ngôi chùa ở Huế. Năm 2011 bà qua đời ở Pháp. Trong lúc chờ đợi các con bà đưa tro cốt bà về táng ở Huế, tôi đã xin chùa Đông Thuyền thờ bà ở chùa. Lý do: Bà Mộng Điệp người quê Bắc Ninh thứ phi của ông vua Nguyễn cuối cùng (vua Bảo Đại). Chùa Đông Thuyền của Công chúa Ngọc Cơ con gái bà Mỹ nhân Nguyễn Thị Vĩnh – bà phi quê Bắc Ninh của ông vua đầu Triều Nguyễn (vua Gia Long). Hai bà phi đầu và cuối Triều Nguyễn quê Bắc Ninh được gần nhau trong một mái chùa an lạc biết bao!


Trong tham luận Phật giáo Annam tông/Annamnikaya của Đàng Trong ở Thái Lan Thế kỷ XVII, XVIII của NNC Đặng Văn Chương gây cho tôi nhiều cảm hứng. Trong một khóa tu của Làng Mai Thái Lan tôi đã gặp được nhiều tăng sĩ người Việt trong ngôi chùa Phật giáo Annam tông. Việc nầy gợi cho tôi nhớ lại chùa Kim Chưởng ở Gia Định – nơi tôn Nguyễn Phúc Dương lên làm Tân Chính Vương thay Định Vương Nguyễn Phúc Thuần (1776) và cũng chính nơi đây– một năm sau (1777), Tân Chính Vương và 18 bộ hạ bị quân Tây Sơn giết sạch, chỉ trừ một người là Nguyễn Ánh chạy thoát. Trên núi Cấm An Giang cũng có chùa Phật gần nơi trú ẩn của Nguyễn Ánh. Ôi, còn nhiều nơi nữa trên dải đất từ Quảng Nam đến Nam Bộ nữa. Do đó Vương Triều Nguyễn với di sản Phật giáo không chỉ có ở Huế mà có thể nói trên nhiều tỉnh thành xứ Đàng Trong. Phải chăng đó là những đề tài cho các cuộc tọa đàm tiếp theo.


Nhân cuộc tọa đàm nầy tôi cũng xin có thêm một ý kiến. Từ trước đến nay Huế đã diễn ra hàng chục cuộc Hội thảo khoa học về lịch sử văn hóa Huế, nhưng phần lớn nghiên cứu xong xếp kết quả vào tủ chứ ít khi phát triển thành tài sản quốc gia. Lúc sinh thời ôn Từ Đàm (HT Thích Thiện Siêu) ước mong thành lập một Bảo tàng Văn hóa Phật giáo ở Huế. Ước mong đó chưa thực hiện được thì ôn đã qua đời. Từ ấy…đến nay nhiều “chùa to, Phật lớn” (chữ của Hòa thượng Thích Trí Quang) tiếp tục được xây dựng nhưng chưa thấy Bảo tàng Phật giáo – ước mong của vị Hòa thượng đứng đầu Giáo hội Phật giáo Thừa Thiên Huế, được đề cập đến. Không có bảo tàng thì ai biết Phật giáo Huế có quả Đại hồng chung chùa Tuệ Lâm của Công chúa An Mỹ con gái bà Lê Thị Ngọc Bình (Con vua mà lấy hai chồng làm vua) ?, Ai biết được các bài vị chùa Giác Hoàng trong Thành Nội (địa điểm Tam tòa ngày nay) đang gửi ở chùa Diệu Đế, các báu vật khác của chùa Giác Hoàng đang trú tất ở chùa Vạn Phước?.v.v.


Vừa qua tôi được gặp ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng Giám đốc Công-ty Vietravel. Khi trao đổi về việc phát triển du lịch Huế ông có ý kiến: Khu vực từ Lịch Đợi đến chùa Thiền Lâm có dấu tích đền Lịch Đợi, miếu thờ Lê Thánh Tôn, có ba ngôi chùa do mẹ, vợ và con gái vua Gia Long trùng tu xây dựng (tức các chùa Báo Quốc, Thiền Lâm, Tuệ Lâm) gắn với lịch sử, có dấu tích Cung điện Đan Dương /sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung. Đây là một khu du lịch tâm linh bên bờ sông Hương giữa trung tâm thành phố Huế không nơi nào có được. Ngành lịch sử văn hóa du lịch nên khai thác.
Hơn 1/3 thế kỷ qua tôi đã khảo sát nghiên cứu khu vực Lịch Đợi-Thiền Lâm, nhưng tôi chỉ tập trung vào nơi có dấu tích Cung điện Đan Dương (chung quang chùa Vạn Phước ngày nay) chứ không thấy được toàn bộ khu vực tâm linh này. Do đó tôi rất thú vị ý kiến của người lãnh đạo Vietravel- Công-ty phục vụ du lịch quốc tế hàng đầu của VN và xin nhắc lại ở đây.
Rất mong có những tọa đàm tiếp theo và Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản văn hóa Huế xin được tham gia tổ chức.
Kính chào quý thầy, quý thân hữu nghiên cứu phát triển lịch sử văn hóa Huế.
15-01-2021.

NGUYỄN ĐẮC XUÂN

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang