Ngày 3-8-2021 vừa qua, Hội NC&PT Di sản văn hóa Huế và Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế đã tổ chức thành công cuộc Tọa đàm Hàm Nghi nhà vua bị lưu đày, nghệ sĩ tạo hình Tử Xuân ở Alger nhưng một vị khách không mời nào đó đã cung cấp thông tin cho Phạm Cao Phong-nhà báo tự do ở Paris viết một bài xuyên tạc sự thật, dựng lên nhiều việc không có để đánh đổ sự thành công của cuộc tọa đàm. Bài của Phạm Cao Phong đăng trên BBC tiếng Việt và được FB Nguyễn Phúc Tộc Việt Nam đăng lại đã gây ra nhiều dư luận rất xấu. Chúng tôi trích những điều sai trái bịa đặt của ông Phạm Cao Phong và bình luận sau đây:

H1: Nguồn link dẫn bài của PCP

Kỷ yếu Tọa đàm
Ông viết chúng tôi tổ chức “hội thảo” vào ngày 30/08/2021”, tôi không hiểu ông lấy thông tin này ở đâu. Chúng tôi tổ chức tọa đàm ngày 3-8-2021 là ngày theo tài liệu tôi có đến ngày ấy là ngày vua Hàm Nghi đúng 150 tuổi. Chúng tôi đánh dấu cái ngày hết sức ý nghĩa đó bằng cuộc tọa đàm nêu trên. Chứ cái ngày 30-8-021 ông nêu trên có ý nghĩa gì với chúng tôi đâu? Ông nêu cái ngày 30-8-2021 để làm gì? Xin ông cho biết.
2. PCP viết “Nếu gọi đó là điểm sáng nhân văn của Ban tổ chức thì xét về học thuật còn quá nhiều điểm tập kỷ yếu tỏ ra chới với
NĐX bình luận: Cuộc tọa đàm được tham khảo 60 bài viết của người trong nước, người ngoài nước, người mới viết, người đã viết mấy chục năm in trong Kỷ yếu 362 trang, với mấy chục ý kiến của người tham dự là ông nguyên Bộ trưởng Văn hóa Thông tin, ông nguyên Giám đốc sở Ngoại vụ TTH, các ông Giám độc và Phó Giám đốc Trung Tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, các ông Giám đốc và Phó GĐ sở Du lịch TTH, ông Chủ tịch Ban Trị sự Nguyễn Phúc tộc, ông nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Huế, ông TS Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, thầy giáo nhà văn, dịch giả nguyên Trưởng khoa Pháp văn Đại học Sư phạm Huế và hàng chục nhà văn, nhà nghiên cứu tham dự tọa đàm giới thiệu tư liệu, bình luận, trao đổi cuối cùng đã hiểu rõ được quãng đời vua Hàm Nghi ở chốn lưu đày và cuộc đời hoạt đông Nghệ thuật của Ngài. họa sĩ Tử Xuân. Vua Hàm Nghi/họa sĩ Tử Xuân là người mở đầu cho nền hội họa theo Tây phương của lịch sử Hội họa Việt Nam, có gì chới với đâu? Căn cứ vào đâu ông bảo chúng tôi chới với trên Đài BBC Luân Đôn?
3. PCP viết: Thẩm định ngày mất của vua Hàm Nghi không quá vất vả, gia đình vẫn còn đông, giấy tờ ở Pháp có mất cũng không thành vấn đề. Không tìm đến các chuyên gia VN và quốc tế?
NĐX bình luận: Ngày mất của vua Hàm Nghi tôi đã thẩm định là ngày 14-1-1944 và tôi đã đính chính cho nhiều sách sử kể cả của Nguyễn Phúc tộc và đăng bài đó trong Kỷ yếu. Thế ông đã có trong tay tập Kỷ yếu ông không đọc bài đó sao mà còn nói về chuyện ngày mất của vua Hàm Nghi nữa? Trong Kỷ yếu có đầy đủ tư liệu phục vụ tốt cho cuộc tọa đàm. Vậy ông thấy chúng tôi thiếu việc gì cần phải tìm “chuyên gia Việt Nam và quốc tế” nữa? Chuyên gia Việt Nam và quốc tế về vua Hàm Nghi là ai? Ngoài cuốn sách của Amandine chúng tôi chưa có, còn ngoài ra ông chỉ cho chúng tôi biết những chuyên gia VN và quốc tế giỏi hơn chúng tôi về vua Hàm Nghi là ai? Nếu ông không chỉ ra được thì phài buộc lòng bảo ông là người nói khoát.
4. PCP viết: “Ngày vào đời của Hoàng Đế Hàm Nghi đã được đề cập đến bởi một luận án tiến sĩ của Amandine Dabat bảo vệ thành công tại đại học Sorbonne ngày 3/12/2015, trước hội đồng những nhà khoa học uy tín là Édith Parlier-Renault, Antoine Gournay (hai giáo sư Université Paris-Sorbonne), Philippe Papin (Directeur EPHE), Nora Taylor (giáo sư Học viện nghệ thuật Chicago -SAIC), Vũ Thị Minh Hương (giám đốc Viện Lưu trữ Quốc gia Việt Nam) sao không được nhắc tới? Mà cô Amandine còn là người cháu năm đời cựu hoàng”.
NĐX bình luận: Qua sự hướng dẫn của anh Nguyễn Ngọc Giao tôi đã nhờ BS Phạm Phi Long ở Paris mua hộ cuốn sách của Amandine Dabat. Ngày 22-7-21 BS Phạm Phi Long đã mua:

BS PhẠM Phi Long với cuốn sách Hàm Nghi Empereur en exil, artister à Alger của Amandine Dabat
nhưng vì dịch Covid 19 nên chưa gửi sách về Huế được. Hiện nay BS Phạm Phi Long đang giữ ở Paris. Chúng tôi có công bố ở cuộc tọa đàm về cuốn sách của Amandine. Dù chưa được đọc sách nhưng tôi và Amandine không xa lạ. Khi bắt đầu sưu tập tư liệu để viết luận án cô đã về Huế gặp tôi, tôi cung cấp cho cô một số tư liệu về Hàm Nghi.

Amandine Dabat trước tủ sách Nhà Nguyễn với Nguyễn Đắc Xuân
Sau đó cô cung cấp cho tôi một số chân dung vua Hàm Nghi. Tất cả những ảnh chân dung đó chúng tôi đều trưng bày trong không gian cuộc tọa đàm và ghi rõ ảnh của Amandine tặng. Cho đến ngày 3-8-2021 chúng tôi chưa có cuốn sách của Amandine cho nên chúng tôi không thể đưa sách đó vào thư mục tham khảo của cuộc tọa đàm. Cuộc đời của vua Hàm Nghi ở chốn lưu đày thể hiện hai mặt: Một là thể hiện ông là ông vua bị đày biết mình không thể tiếp tục chống Pháp được nữa, ông chấp nhận đời sống ở Pháp nhưng luôn luôn giữ mình và dạy cho con cái mình là người Việt Nam phải giữ nhân cách của người Việt Nam. Thứ hai là ông chấp nhận đời sống của Pháp ông học tập và thực hành hội họa và ông đã trở thành họa sĩ mở đầu cho lịch sử hội họa theo phong cách Tây phương của Việt Nam. Tôi chưa đọc cuốn sách của Amandine nhưng qua theo dõi các cuộc nói chuyện của cô ở VN, qua internet theo dõi cuộc gặp mặt giới thiệu sách của cô ở Paris tôi biết được sự thành công của cô chứng minh được rõ vua Hàm Nghi là một họa sĩ tài năng nhưng tâm hồn Việt của vua Hàm Nghi cô hiểu rất sơ lược và nhiều chỗ, cô không hiểu cái hồn Việt của vua Hàm Nghi. Cho nên các thầy chấm luận án của cô là những người giỏi về nghệ thuật hội họa chứ chắc chắn họ không thể biết rõ về tâm hồn Việt của vị cựu hoàng Việt ở chốn lưu đày. Có người cho tôi biết cô đang thuê dịch cuốn sách của cô sang tiếng Việt tôi đã nhờ người ấy góp ý với Amandine là phải nhờ một người giỏi về lịch sử triều Nguyễn hiệu đính cho cô những chỗ cô không rành. Nếu không những thiếu hiểu biết đó sẽ làm mất giá trị của một công trình khoa học hiếm có về vua Hàm Nghi. Chúng tôi thường xuyên trao đổi về việc nghiên cứu vua Hàm Nghi với BS Gérard Chapuis (người đã mua được bức tranh Chiều tà của Tử Xuân và đã cho phép Amandine chụp ảnh bức tranh để in vào sách và khi sách in xong Amandine đã viết tặng sách cho Gérard Chapuis). Gérard Chapuis đã đọc kỹ cuốn sách của Amandine tặng và cho tôi biết Amandine đã sưu tập được một khối lượng thông tin về vua Hàm Nghi rất lớn mà chúng ta khó thể nào có được. Chúng tôi cũng đã thông báo thông tin này trong Tọa đàm và tất cả đều mong biết cụ thể.
5. PCP viết: “Amandine cho là khó thẩm định chính xác ngày tháng năm sinh của Hoàng đế Hàm Nghi. Theo chị, tài liệu do triều đình Huế cung cấp dùng cho việc tổ chức đám cưới của ngài tổ chức tại Alger với bà Marcellle Laloe, cấp ngày 23/08/1904, hiện còn lưu giữ trong tư liệu 'Le Fonds Ham Nghi ' là giấy khai sinh ghi rằng đó là ngày 10/07/1870. (Xem thêm về luận án tiến sĩ của Amandine Dabat tại đây, và một bài đã đăng trên BBC về chủ đề này
NĐX bình luận: Năm 1904 thời Thành Thái dưới sự bảo hộ chặt chẽ của Thực dân Pháp. Triều đình Huế gửi cho vua Hàm Nghi việc gì cũng phải qua tay Pháp. Ngoài cái tài liệu viết vua Hàm Nghi sinh ngày 10/07/1870, theo ông Đặng Văn Giáp –cháu ngoại 4 đời của vua Hàm Nghi còn cho biết Triều đình Huế lúc ấy còn gửi cho những người tổ chức đám cưới vua Hàm Nghi với bà Marcelle Laloe là “vua Hàm Nghi chưa có vợ”. Thực tế là vua Hàm Nghi đã có vợ và đã có một người con trai là ông Bửu Trắc. Cho nên cuộc sống của vua Hàm Nghi ở chốn lưu đày bị áp đặt sống với hai sự giả dối. Một là ngày tháng năm sinh và hai là phải chối bỏ người con ruột thịt của mình. Không rõ Amandine có biết chuyện này không? Amandine cho là khó thẩm định chính xác ngày tháng năm sinh của Hoàng đế Hàm Nghi là rất đúng.
6. PCP viết: “Ngày này được ghi trong nhiều hộ chiếu nước Pháp cấp, sử dụng cho việc di chuyển của ông. Amadine viết tiếp, dữ liệu các sử gia của bộ sách Đại Nam Chính biên Đệ ngũ kỷ viết là Hàm Nghi sinh năm Bính Tý, ngày 17 tháng sáu âm lịch, năm Tự Đức thứ 25. Tính sang dương lịch là 03/08/1871”.
NĐX bình luận: Trong tủ sách triều Nguyễn của tôi có các bộ Đại Nam Liệt truyện, Đại Nam Thực Lục, Đại Nam Nhất Thống chí, Đại Nam Hội điển Sự Lệ, tôi chưa nghe biết có một cuốn Đại Nam Chính Biên bao giờ. Qua đây tôi mới thấy tủ sách triều Nguyễn của mình còn thiếu sót. Nhưng thưa nhà báo ở Paris tôi thật điên đầu với câu ông viết là theo “Đại Nam Chính biên Đệ ngũ kỷ viết là Hàm Nghi sinh năm Bính Tý, ngày 17 tháng sáu âm lịch, năm Tự Đức thứ 25. Tính sang dương lịch là 03/08/1871”. Tôi thú nhận tôi chưa hề biết có cuốn Đại Nam Chính Biên, nhưng tôi có thể nói người trích câu dẫn chứng trên trong sách Đại Nam Chính Biên nào đó là người mù lịch sử, nhắm mắt viết càng không cần biết trúng trật như thế nào: Năm Bính Tý là năm 1876, Tự Đức thứ 25 là năm 1872. Rồi úm ba la cách sao đó ra cái ngày 3-8-1871 Cái ngày tháng năm sinh của vua Hàm Nghi ông cho là quan trọng lắm mà được khám phá trong sách sử của triều Nguyễn nào đó một cách ba láp đến như thế. Không rõ cái Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ ở Đại học Sorbonne cho Amandine Dabat có biết chuyện úm ba la ba này không?
7. PCP viết: “Theo nhà sử học Nguyễn Thế Anh, ở Đại Nội Huế không tồn tại sổ sách nào nào ghi về khai sinh của cựu hoàng, mà chỉ dựa theo những nguồn khác nhau của các thành viên gia đình. Do vậy giấy khai sinh do Huế cung cấp nhiều khả năng thiếu chính xác. Dựa trên tên Tử Xuân của Hàm Nghi nghĩa là 'Đứa con của mùa xuân', tiến sĩ Amadine cho rằng ngài phải chào đời vào mùa Xuân”.
NĐX bình luận: Nguyễn Thế Anh là bậc đàn anh của các thầy dạy sử tôi ở Đại học Văn khoa Huế (từ 1961 đến 1966). Ông dẫn chứng (không có nguồn) câu này của thầy Nguyễn Thế Anh “Đại Nội Huế không tồn tại sổ sách nào ghi về khai sinh của cựu hoàng” là ông hại uy tín của thầy chúng tôi rồi. Sao lại không có, cuốn sách Đại Nam Chính Biên gì đó ông vừa nêu trên đã viết về ngày tháng năm sinh của vua Hàm Nghi là ở trong Đại nội chứ sao không? Ở trên đã trích sách úm ba la ra ngày 3-8-1871 rồi ngay ở dưới còn cho biết Tiến sĩ Amandine đã “Dựa trên tên Tử Xuân của Hàm Nghi nghĩa là 'Đứa con của mùa xuân', Tiến sĩ Amadine cho rằng ngài phải chào đời vào mùa Xuân”. Nếu đúng như thế thì cái cô Tiến sĩ lịch sử nghệ thuật này vì làm luận án nên phải tìm “sự thật” lịch sử trong sách sử của Triều Nguyễn nhưng rồi cô lại không tin vào cái mình đã tìm ra mà lại theo đuổi sở thích hồn nhiên của mình. Cũng không rõ Hội đồng chấm luận án Tiến sĩ ở Đại học Sorbonne có biết người sắp được cấp bằng Tiến sĩ mà hồn nhiên như thế không? Và chính Phạm Cao Phong cũng thích cái hồn nhiên ấy nên mới dẫn chứng khoe với độc giả như thế. Hay vì ông quá phục Amandine nên cái gì cô ấy viết ra ông cũng cho đều là tốt cả ?
8. PCP viết: “Đại tá Rheinart, người có mặt tại Huế thời điểm 1880-1890 bên cạnh triều đình Huế cho rằng, Ưng Lịch (tên Hoàng đế khi còn trẻ) sinh vào tháng ba năm 1871. Một trong những bạn bè của Hàm Nghi là Charles Gosselin trong một bức thư gửi cho ông có viết: "Tôi muốn ngài cho biết khi nào là Tết, năm mới của người Annam để gửi cho ngài bức điện mang đến những lời chúc của tôi, đồng thời chúc mừng sinh nhật của ngài. '' Amandine sử dụng cuốn sách tra cứu của tác giả Georges Cordier cho phép đối chiếu ra ngày sinh là ngày 19/02/1871. Tuy nhiên cô vẫn nói ngày sinh chính thức vẫn là ngày 03/08/1871. Chúng ta có thể tham khảo trong bức ảnh chụp hộ chiếu của vua Hàm Nghi sử dụng năm 1935-1937 số A-7566.
Những chi tiết này không có trong hội thảo được gọi là khoa học vừa qua, dù trong giới sử học đều biết đến công trình nghiên cứu đằng đẵng đến 14 năm của người cháu gái mang dòng máu của vua Hàm Nghi.
NĐX bình luận: Ông lại lạc đề. Cuộc tọa đàm lấy ngày tháng năm sinh theo tài liệu chúng tôi đang có để tổ chức tọa đàm chứ không nghiên cứu về cái ngày tháng năm sinh ấy. Do đó chúng tôi không tham khảo những thông tin của các quan chức bảo hộ mà ông dẫn trên. Nhưng nếu chúng tôi nghiên cứu về ngày tháng năm sinh của vua Hàm Nghi thì chúng tôi cũng không tham khảo những thông tin của các quan chức bảo hộ ấy. Bởi vì vua Hàm Nghi là ông vua Việt, sinh đẻ ở Huế, sách sử của triều Nguyễn, nhà thờ, bà con nội ngoại của Ngài đều ở Huế, cần nghiên cứu ngày sinh tháng đẻ của vua Hàm Nghi chúng tôi tha hồ tham khảo tài liệu nhân chứng sống ở Huế chứ cần gì phải tham khảo thông tin của các quan thực dân đó. Có lẽ những thông tin trên nên dành cho các cây bút công bộc của thực dân Pháp chưa hề biết gì về lịch sử VN thôi.
Căn cứ vào đâu mà ông viết “công trình nghiên cứu đằng đẵng đến 14 năm của người cháu gái mang dòng máu của vua Hàm Nghi”?
Bám theo cuốn sách của Amandine chắc ông biết cuộc đấu giá bức tranh Chiều Tà của vua Hàm Nghi ở Hotel Drouot (9 rue Drouot 75009 París) diễn ra vào ngày 21-11-2010, người bạn tôi là BS Gérard Chapuis mua được với giá trên 11.000 Euros (kể cả thuế). Từ đó Amandine Dabat biết được ông ngoại của bà nội mình là một tài năng hội họa. Cô loại bỏ mọi dự định trước đó và quyết định làm luận án Tiến sĩ về sau có tên Hàm Nghi-HOÀNG ĐẾ BỊ LƯU ĐÀY, NGƯỜI NGHỆ SĨ TẠI ALGER (Hàm Nghi: Empereur en exil,artiste à Alger). Từ đó cô bắt đầu sưu tập tư liệu về vua Hàm Nghi. Ngày 17-3-2011 cô về Huế thăm tôi và xin tài liệu về vua Hàm Nghi. Về sau tôi được biết Amandine đã trình luận án vào cuối năm 2015. Từ ngày sưu tập tư liệu (cuối năm 2010) cho đến ngày trình luận án cuối 2015, Muốn trình vào năm 2015 thì ít nhất cô cũng phải hoàn thành luận án vào năm 2014. Như vậy chỉ mất có 4 năm. Thế mà Phạm Cao Phong nâng lên đến 14 năm. Không thể tưởng tượng được sự láo toét của Phạm Cao Phong đến như thế nào!
9. PCP viết: “Một câu hỏi lớn được đặt ra, tại sao trong một sự kiện như thế lại gạt bỏ một công trình nghiêm túc, khoa học, chặt chẽ, phong phú về tư liệu gốc, đầy đủ hơn tất cả các mô tả dạng thầy đồ xem voi (NĐX nhấn mạnh) về vua Hàm Nghi được in trong chuyên khảo đến gần 400 trang này?
NĐX bình luận: Vì Covid 19 chúng tôi chưa có cuốn sách đó trong tay nên chưa đưa cuốn sách đó vào Tọa đàm như chúng tôi đã giải thích ở trên. Chúng tôi sẽ bình luận sự đánh giá của ông về cuốn sách của Amandine là “một công trình nghiêm túc, khoa học, chặt chẽ, phong phú về tư liệu” hay không khi chúng tôi nhận được cuốn sách từ BS Phạm Phi Long gửi về. Chúng tôi gửi lại ông câu hỏi trên. Ông bảo chúng tôi nói về vua Hàm Nghi mà không đề cập đến cuốn sách của Amandine là “thầy đồ xem voi”. Tức là chúng tôi chỉ xem được đôi tai, mấy cái chân, hoặc cái đuôi voi (tức của cuốn sách của Amandine) thôi. Cuộc tọa đàm được tham khảo bài của những nhà nghiên cứu trong nước như Nguyễn Hoàng, Phan Thanh Bình, Đặng Mậu Tựu, Nguyễn Phúc Hải Trung, Nguyễn Vũ Tú Anh (người đã được gặp Công chúa Như Lý), Trần Viết Ngạc, Nguyễn Đắc Xuân (người Việt đầu tiên được hỏi chuyện CC Như Lý về vua Hàm Nghi, quay Video).v.v.

Bên CC Như Lý trước bàn thờ Cựu hoàng Hàm Nghi trong lâu đài De La Nauche

CC Như Lý hỏi cần bà ghi những điều gì về vua Hàm Nghi. (Từ trái Nguyễn Đắc Xuân, Dược sĩ Nguyễn Duy Thản, CC Như Lý và công nương Anne Dabat (bà nội của Amandine Dabat)
và nhiều tác giả nước ngoài như Võ Quang Yến, Nguyễn Ngọc Giao, Phạm Trọng Chánh, BS Gérard Chapuis, và của ông (Phạm Cao Phong … tất cả in đầy đủ trong Kỷ yếu dày 362 trang, chưa kể đến hàng chục ý kiến của các nhà văn hóa, nhà nghiên cứu dự tọa đàm, với trên 30 đầu sách và tư liệu bằng tiếng Việt, tiếng Pháp, chữ Hán trưng bày trong hai tủ trong không gian tọa đàm.

Tủ trưng bày tư liệu tham khảo của cuộc tọa đàm ngày 5-8-2021tại Bảo tàng Văn hóa Huế (cũ)
Với một cuộc tọa đàm có chủ đề Hàm Nghi nhà vua bị lưu đày nghệ sĩ tạo hình Tử Xuân ở Alger mà có chừng ấy thông tin, tư liệu tham khảo không phải bất cứ một tọa đàm, hội thảo chung về vua Hàm Nghi ở trong nước và ngoài nước có được. Thế mà ông dám viết là cuộc tọa đàm là “thầy đồ xem voi”. Ông đánh giá ẩu tả như thế do định kiến chứ không do khảo sát thực tế. Dù tôi cố gắng nén nhưng cũng phải nói là ông hỗn xược. Ông hỗn xược với chúng tôi, hỗn xược với những tác giả có tài liệu được tọa đàm tham khảo, hỗn xượt với tất cả những người dự tọa đàm và ông hỗn xược với chính ông (người có bài được sưu tập cung cấp cho cuộc tọa đàm.
10. PCP viết: Vì sao vậy ? Viết về lịch sử giai đoạn này, phải tra cứu, đọc những tài liệu của phía Pháp nếu không muốn dùng từ là phải bắt buộc. Gạt đứa cháu tiến sĩ sử học ra chưa đủ, kỷ yếu cũng ngó lơ những tác phẩm nghiên cứu lịch sử khác của Pháp.
“Nên kể ở đây những tư liệu được viết chưa quá xa thời của vua Hàm Nghi, cũng không thấy bóng dáng, dấu tích hay một chữ nào trong kỷ yếu gọi là khoa học ở Huế (NĐX nhấn mạnh).
Đó là cuốn sách 'Le Roi proscrit : L'Empereur d ; Annam Ham Nghi' (1940-Nhà vua bị lưu đầy nước Nam Hàm Nghi) của sử gia Pháp Marcel Gaultier (1900-1960), hoặc cuốn sách 'L'étrange aventure de Ham Nghi '(1940-Nhà vua bị lưu đầy nước Nam Hàm Nghi) cũng cùng tác giả
NĐX bình luận: Ông có dự tọa đàm đâu mà ông khẳng định là ông “không thấy bóng dáng, dấu tích hay một chữ nào trong kỷ yếu gọi là khoa học ở Huế” Ông xem bằng mắt thần à? Như trên tôi đã nói trong tọa đàm chúng tôi có trưng bày 30 sách tư liệu trong hai tủ trong đó có cuốn Le Roi proscrit của Marcel Gautier và nhiều tư liệu khác bằng Pháp ngữ trong Bulletin des Amis du Vieux Huế
Ông ở bên Tây mà ông dám dựng lên chuyện có thành không ở Việt Nam để chê bai chúng tôi. Đọc sách nghiên cứu Đông Tây Kim Cổ tôi chưa bao giờ gặp phải một người liều lĩnh ẩu tả như ông. Đối với Marcel Gaultier tôi không lạ. Ngoài cuốn Le Roi proscrit tôi còn có hai cuốn Gia Long và Minh Mạng nữa kia.

Bộ ba sách Gia Long, Minh Mang và Le Roi Proscrit của Marcel Gaultier
Chắc ông ngạc nhiên khi biết “thầy đồ xem voi” chúng tôi cũng đã có những cuốn sách ông cho là chỉ các ông mới có được mà thôi.
11. PCP viết: Tác giả Nguyễn Đắc Xuân đã viết những dòng tâm huyết kể trên như để giải thích động cơ hoạt động tích cực của ông.
Những người nào chạm đến vua Hàm Nghi theo ông Xuân đều là mượn mầu son phấn lên diễn tuồng. Ông Xuân dành hẳn hai chương viết riêng dưới tiêu đề 'Phản biện và người phản biện' và 'Chuyện đặng chẳng đừng' trong cuốn sách 'Vua Hàm Nghi, một tâm hồn Việt ở chốn lưu đày'.
NĐX bình luận: Trong Kỷ yếu tọa đàm tôi có đăng hai bài: 1. 'Chuyện đặng chẳng đừng' vạch trần sự dối trá của ông Hải Âu tác giả bài viết Những ngày cuối cùng của vua Hàm Nghi (Kỷ yếu tr.223-238);2.Tên trưởng Công chúa của vua Hàm Nghi không thể là “Nhữ Mây” (Kỷ yếu tr.239-248) tôi phản đối bà Mathilde Tuyet Tran chứng minh tên Công chúa trưởng của vua Hàm Nghi là Nhữ Mây. Hai bài phản biện đã đăng trong sách Vua Hàm Nghi một tâm hồn Việt ở chốn lưu đày (Nxb Thuận Hóa 2013) nay trích lại đăng trong Kỷ yếu để Tọa đàm tham khảo. Hai bài đó đã ra đời 8 năm chưa hề có một người nào phê bình phản đối - ngay cả với bà Mathilde Tuyet Tran. Ngoài ra tôi chưa hề có một phát biểu nào khác về những người nghiên cứu viết sách, viết báo viết về vua Hàm Nghi. Vậy ông căn cứ vào đâu để vu khống tôi “người nào chạm đến vua Hàm Nghi theo ông Xuân đều là mượn mầu son phấn lên diễn tuồng” Trên ba mươi tác giả có bài đăng trong Kỷ yếu tọa đàm đều viết về vua Hàm Nghi mà ông đã bình luận - ông cho biết có tác giả nào tôi đã gán cho họ động cơ cá nhân như ông viết không? Quả là ông bất chấp sự thật, bất chấp đạo đức, bất chấp tư cách của người cầm bút phun ra những điều vu khống máu lửa. Nếu ông ở VN tôi sẽ đưa ông ra tòa.
12. PCP viết: Ông viết nguồn tin tên Như Mai là từ ''Bà xã tôi, một cô giáo dạy văn ở Huế, đã từng nghe tên công chúa Như Mai-Trưởng công chúa của vua Hàm Nghi từ thủa mới vào trung học'' (năm nào, ai nói về một cô gái sinh ở Alger châu Phi năm 1905? Ông Xuân sinh năm 1937, vợ sinh năm nào không rõ, học trung học năm nào?)
NĐX bình luận: Trong bài phản biện Mathilde Tuyet Tran tôi có viết đoạn trích sau đây: “ Bà xã tôi là một cô giáo người Huế, dạy văn ở trường Đồng Khánh Huế, đã từng nghe tên Công chúa Như Mai - Trưởng Công chúa của vua Hàm Nghi từ thuở mới vào Trung học, năm 2002 đã từng hỏi chuyện cô Anne – cháu ngoại vua Hàm Nghi ở Vigeois về Công chúa Như Mai, Công chúa Như Lý, đã rất tự hào với những tư liệu lịch sử về gia đình vua Hàm Nghi mà chúng tôi đã thu thập được lâu nay nên mau miệng nói:
“Công chúa Như May chứ không phải Nhữ Mây đâu!”
Tôi viết đoạn này để phản ảnh một thực tế: từ lúc mới vào Trung học nhà tôi (cô giáo Đồng Khánh trước năm 1975) đã nghe nói đến Công chúa Như Mai. Tức là cái tên Như Mai đã phổ biến ở Huế từ mấy chục năm trước rồi. Năm 2012 nhà tôi được con gái đang học Đại học Sorbonne đưa xuống Vigeois /Corrèze thăm và chuyển cho Công chúa Như Lý một tập hồ sơ mà tôi cần có ý kiến của Công chúa. Trong câu chuyện thăm hỏi được Công chúa Như Lý đính chính tên của chị bà là Nhu May chứ không phải Nhữ Mây”.

Cô giáo Võ Thị Cẩm Tú trước lâu đài De La Nauche của Công chúa Như Lý
Bài phản biện phản đối cái tên Nhữ Mây của Mathilde Tuyết Trần,tôi dẫn chứng hàng chục tư liệu hình ảnh chính xác, nhân chứng sống là nhà tôi chỉ là tài liệu nhỏ thôi. Thế mà ông Phạm Cao Phong đã cắt xén và thêm thắt biến thành đoạn trích nêu trên. Phạm Cao Phong bóp méo sự thật nói cho hợp với ý đồ bất chính gì đó chứ không phải viết bình luận sử học. Không ai chấp nhận phản biện, bình luận sử học như thế cả.
13. PCP viết: Cần nhắc thêm rằng trong cuốn sách mới ra của người cháu vua Hàm Nghi, Amadine vẫn bỏ ngoài tai những lời đanh thép của ông, vẫn viết là 'Nhu May', theo bức ảnh số 78, chụp năm 1920, Fonds Ham Nghi. Hàm Nghi Empereur en exil, artister à Alger. Sorbonne Université Presses. 2019, trang 168.
NĐX bình luận: Tôi đã đi thăm mộ vua Hàm Nghi nhiều lần và cũng nhiều lần chụp tấm bia có khắc hai chữ Nhu May. Tôi cũng đã nhiều lần lý giải rằng người Pháp viết tên Công chúa Nhu Mai thì họ sẽ đọc Nhu Me rất xa với âm Như Mai cho nên họ phải viết Nhu May.

Nguyễn Đắc Xuân bái lạy trước lăng mộ vua Hàm Nghi ở làng Thonac/Dordogne
Nhưng nếu tài liệu viết bằng tiếng Pháp viết Nhu May khi dịch sang tiếng Việt vẫn phải viết đúng là Như Mai. Tôi chưa bao giờ phản đối đọc và viết tên Công chúa trong các văn bản tiếng Pháp là Nhu May cả. Tôi chỉ chống lại chuyện viết tên Công chúa Như Mai là Nhữ Mây mà thôi.
Trên kia tôi đã viết ông Phạm Cao Phong mù sử, đến đây cái trình độ mù sử thiếu xét đoán của ông lại diễn ra nữa khi ông viết “Amadine vẫn bỏ ngoài tai những lời đanh thép của ông (tức NĐX), vẫn viết là 'Nhu May', theo bức ảnh số 78, chụp năm 1920.”
Vua Hàm Nghi qua đời năm 1944 táng trước Gia Long các bên Alger. Đến năm 1965 gia đình mới bốc mộ dời qua làng Thonac/ Dordogne (Pháp) lúc đó mới có tấm bia mộ gia đình Cựu hoàng. Đến năm 1999 Công chúa Như Mai mất, thi hài được táng chung trong mộ vua Hàm Nghi và mới khắc thêm tên Nhu May vào tấm bia. Thế mà Phạm Cao Phong thấy được tên Nhu May trên tấm ảnh chụp bia mộ từ năm 1920. Năm đó Công chúa Như Mai mới 16 tuổi. Phạm Cao Phong ơi ông mù sử, không còn óc xét đoán lẩm cẩm đến thế mà cũng lao vào miệt thị chúng tôi – những người làm sử thật cho đất nước, làm sao được! Hay vì… ông đành phải liều để có… như thế?
14. PCP viết: Trong kỷ yếu Hàm nghi này, Ban Tổ chức cũng hành động tương tự, ghi nhận rõ ràng ' phương pháp Nguyễn Đắc Xuân ', họ đã nhặt nhạnh các bài của các tác giả Nguyễn Ngọc Giao, Phạm ngọc Thạch, Võ quang Yến, Nguyễn Hoàng, Khánh An, Mai Quỳnh Nga, Hùng Phan, Quang Thi, Phạm Trọng Chánh, Thái Thu Lan, Thanh Tùng, Trần Trung Sáng, Trần Viết Ngạc, Tôn Thất Thọ, Hải Lý…chắc đều không có một lời xin phép hay thông báo.
NĐX bình luận: Sau khi tổ chức tọa đàm thành công, chúng tôi đã có một thư cảm ơn các tác giả đã đóng góp bài cho tọa đàm tham khảo, cám ơn và xin lỗi các tác giả ở xa, không biết địa chỉ nên không kịp xin phép. Thưe cảm ơn và xin lỗi đó vẫn còn lưu trong huehoc.com. Phần lớn các tác giả chúng tôi mời gửi bài cho tọa đàm đều rất vui được tham dự. Có người cám ơn Ban tổ chức đã mời họ. Đối với các tác giả ở nước ngoài chúng tôi đã liên lạc và được GS Nguyễn Ngọc Giao cho phép, đối với TS Võ Quang Yến – ông anh của tôi trong Hội Người Yêu Huế đã gửi cho tôi tất cả những bài có liên quan đến Huế từ lâu, tôi được phép sử dụng tham khảo. Tọa đàm kỷ niệm 150 năm sinh vua Hàm Nghi, ngoài những bài các tác giả gửi đến, tôi phải “tam cố” nhiều nơi mới có được bài cuộc tọa đàm cần. Đối với những bài tìm trong Google cũng phải mất nhiều thì giờ mới có được chẳng hạn hư các bài của Pham Cao Phong. Tất cả những bài trong Kỷ Yếu đối với tôi đều quý, trân trong mới đưa vào tọa đàm về Ngài Cựu hoàng vô cùng tôn kính. Phạm Cao Phong không ở trong Ban tổ chức Tọa đàm của chúng tôi làm sao ông dám bảo chúng tôi đã “nhặt nhạnh” ở đâu đó, trong đó có bài của ông. Nhặt nhạnh trong thùng rác, trong xó nhà, trong hàng rào à? Cách nhận định nhặt nhạnh ác ý đó là ngôn ngữ của kẻ chợ chư không phải của một người cầm bút. Có lẽ giờ này ở chốn vĩnh hằng vua Hàm Nghi buồn vì ở dân gian đang có một tên vô lương ác độc cầm bút viết về Ngài.
15. PCP viết: Một sự vi phạm tác quyền tập thể. Chắc kiểu thiếu lịch sự, thiếu tôn trọng công trình lao động của người khác này ở Việt Nam rất phổ biến nên Ban tổ chức không áy náy, lăn tăn gì?
Kỷ yếu 'khoa học' Hàm Nghi ở Huế này cũng lạm dụng những bài viết và những hình ảnh tôi chụp quanh chủ đề về Hoàng đế Hàm Nghi không hỏi ý kiến, thậm chí cắt một bài tôi viết ra làm đôi, các chú thích ảnh lấy nguồn từ đâu cũng không có một dòng đề tựa.
NĐX bình luận: Vì hoàn cảnh dịch Covid 19, lại thực hiện tọa đàm gấp cho kịp ngày sinh nhật lần thứ 150 của vua Hàm Nghi vào đầu tháng 8-2021 nên chúng tôi chưa kịp liên lạc với tất cả các tác giả có bài trên internet mà chúng tôi đã chọn cho cuộc tọa đàm tham khảo. Như trên tôi đã viết, sau khi Tọa đàm thành công chúng tôi đã có lời cảm ơn những tác giả đã gửi bài cho Tọa đàm tham khảo và xin lỗi vì hoàn cảnh chưa kịp liên lạc với tất cả những tác giả có bài chúng tôi đã chọn từ internet. Sau khi nghe chúng tôi xin lỗi như thế nhiều nhà nghiên cứu, trong đó có tác giả ở nước ngoài bảo chúng tôi: Trong các tham luận khoa học khi trích dẫn tài liệu người nghiên cứu phải ghi rõ nguồn tài liệu được trích dẫn. Khi sưu tập bài của các tác giả để in sách phát hành ra xã hội thì phải có sự đồng ý của các tác giả có bài đã được chọn in và phải trả nhuận bút cho tác giả những bài ấy. Trong trường hợp chọn in các bài trên Internet hoặc trong các sách, các báo để tham khảo nội bộ, không bán ra ngoài thì có thể không cần đến việc xin phép tác giả. Điều quan trọng phải thực hiện là khi sử dụng thông tin trong các bài tham luận phải nêu rõ nguồn, nếu không thì mắc tội ăn cắp ý tưởng và bài tham luận không có giá trị. Hiểu rõ điều đó nên cuộc tọa đàm đã thực hiện đúng điều đó. Cho nên Phạm Cao Phong đã đấm vào một cánh cửa đã mở.
16. PCP viết: Trang cuối của kỷ yếu ghi những hàng chữ sau: ''Kêu gọi những Hàm Nghi đặt nơi trang trọng nhất của đền thờ, ''tổ chức, những cá nhân, những nhà hảo tâm chung tay hưởng ứng chương trình 'Mỗi người một giọt đồng đúc tượng danh nhân' do tạp chí Xưa và Nay tổ chức (Cơ quan của Hội KHLS VN) phát động để có một bức tượng vua.
NĐX bình luận: Viết bình luận đối thoại với nhà báo Phạm Cao Phong ở trên tôi cứ nghĩ ông Phong đang có trong tay tập Kỷ yếu của cuộc Tọa đàm của chúng tôi. Đọc đến đoạn trích 16 này tôi thấy mình đã nhầm. Sự thực ông Phạm Cao Phong không có tập Kỷ yếu, tất cả những gì ông nhắc đến Kỷ yếu là do một người “thân tín” nào đó đã mớm cho ông. Mà người thân tín ấy cũng nghe ai đó dự Tọa đàm rồi nói lại chứ không có mặt trong cuộc tọa đàm. Hoặc người đó (chắc chắn không phải khách mời của chúng tôi) có dự mà trình độ kém cỏi, lén lút không hiểu hết những gì trưng bày, giới thiệu và phát biểu của cử tọa. Trang cuối cùng của tập Kỷ yếu là ý kiến phát biểu của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm chứ làm gì có lời kêu gọi “mỗi người một giọt đồng để đúc tượng vua Hàm Nghi”.

Mục lục Kỷ yếu tọa đàm ghi rõ bài cuối cùng là phát biểu của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm
Phải chăng Phạm Cao Phong bịa đặt ra chuyện nầy với ác ý vu chúng tôi bày ra cuộc Tọa đàm để đi đến chuyện vận động tài chính dưới chiêu bài đúc tượng vua Hàm Nghi để thu lợi. Sự vu khống này qua BBC News đã lan truyền ra tòa thế giới. Chúng tôi đề nghị BBC xử lý vấn đề nầy theo pháp luật truyền thông quốc tế hiện nay.
17. PCP viết: Tôi hy vọng công trình của Amandine Dabat có giấy thông hành về Việt Nam”.
NĐX bình luận: Đến giờ này ông mới “hy vọng công trình của Amandine Dabat có giấy thông hành về Việt Nam”. Tức là công trình của Amandine Dabat chưa về đến Việt Nam. Đúng như cái tít của bài viết của ông là “Chặng đường từ Paris về Huế của hoàng đế Hàm Nghi chắc còn xa vời vợi”. Ở Huế chúng tôi chưa thể có cuốn sách đó của Amandine. Thực tế như thế. Thế mà suốt trong nhiều đoạn trong bài viết, ông đã trách chúng tôi “sao không được nhắc đến cuốn sách” (đoạn 4), không đề cập đến một công trình dày công nghiên cứu 14 năm (!)“.v.v. Ông đã áp đặt cho chúng tôi một việc mà đến đây chính ông đã thú nhận là chưa có. Thế tất cả những trách móc, chê bai, vu khống chúng tôi về cuốn sách ông đã viết trên ông nghĩ sao? Ông bị tâm thần à? Phải chăng BBC đã đăng một bài viết của kẻ mắc bệnh tâm thần? Thế thì phải cảnh báo ngay cho Amandine Dabat biết để cô ấy tránh xa con người ấy không thôi sẽ có một kết cuộc xấu khôn lường!
18. PCP viết: Chắc chắn sẽ có tiếng nói phản đối, nhưng lịch sử chân chính sẽ luôn hiện ra bằng sức mạnh của chính con người, sự kiện thật.
NĐX bình luận: Ông viết mà ông không tin là mình viết sự thật nên ông biết sẽ có người phản đối ông. Một cuộc tọa đàm khoa học với đầy đủ tài liệu tham khảo giải quyết được bao nhiêu vấn đề lịch sử, đính chính hàng chục sai sót về vua Hàm Nghi mà ông không thấy bất cứ một thành tựu nào mà chỉ nêu ra toàn bộ thiếu sót theo ý ông thì đó là một bài bôi xấu cuộc tọa đàm của chúng tôi mà thôi. Thế thì làm sao gọi là viết sự thực được. Không viết sự thật thì làm sao không bị phản đối được? Viết sự thật thì sợ gì có người phản đối. Những ai chống lại sự thật là họ sẽ chuốt lấy thất bại mà thôi. Ông bám vào công trình của Amandine Dabat, nhiều chỗ ông diễn dịch ý tưởng cua Amandine Dabat theo ý đồ của ông là ông đã làm xấu cô chứ không phải vinh danh cô. Bài của ông đăng trên BBC cũng làm mất uy tín của Đài. Với 18 bình luận của tôi dành cho ông trên đây đã lật ngửa sự dối trá độc địa của ông trước giới sử học. Ông đã che đậy hành động ác độc, giả dối của ông bằng ý tưởng “lịch sử chân chính sẽ luôn hiện ra bằng sức mạnh của chính con người, sự kiện thật.” Ý tưởng đó trái ngược với những giả dối, bịa đặt vu khống của người viết bài báo đăng trên BBC ngày 23-10-2021 vừa qua. Sau khi vạch trần những sai trái của ông, tôi xin sửa lại ý tưởng của ông ”Lịch sử chân chính đã hiện ra trong cuộc tọa đàm về vua Hàm Nghi bằng sức mạnh của những con người yêu nước làm lịch sử thật - Hàm Nghi nhà vua bị đày, nghệ sĩ tạo hình Tử Xuân ở Alger.”
Theo luật nhân quả, ông đã gieo gió chắc hẳn ông biết những gì sẽ đến với ông./.
Huế, Ngày 3 tháng 11 năm 2021
NGUYỄN ĐẮC XUÂN.
Địa chỉ:
3/7 Nguyễn Công Trứ, Huế
Đt: 0914203944
E-mail: gacnhieuloc@gmail.com
Web: huehoc.com
Cungdiendanduong.net