CẦN VIẾT CHÍNH XÁC VỀ NGÀY THÁNG NĂM SINH VÀ NGÀY THÁNG NĂM MẤT CỦA VUA HÀM NGHI

      Hàm Nghi là ông vua trải qua nhiều biến cố lịch sử diễn ra trong nhiều thời kỳ trong nước và nước ngoài. Trong bất cứ hoàn cảnh nào ông cũng thể hiện tình yêu nước sắc son. Tình yêu nước của ông đã ảnh hưởng đến nhiều phong trào đấu tranh yêu nước suốt 90 năm ( 1885 – 1975). Một ông vua yêu nước khi nói đến tên ông thì bất cứ người dân Việt Nam nào ở miền Bắc hay ở miền Nam, ở trong nước và ngoài nước và ngay dân các nước là kẻ thù của Việt Nam cũng đều kính trọng. Sách giáo khoa Việt Nam luôn dạy về vua Hàm Nghi. Do đó lịch sử cuộc đời vua Hàm Nghi cần phải viết chính xác, đặc biệt về ngày tháng năm sinh và ngày tháng năm mất. Bởi vì ngày tháng năm sinh và ngày tháng năm mất liên hệ đến các sự kiện lịch sử trong nước và thời gian vua Hàm Nghi bị lưu đày ở Alger. Trước đây do thiếu tài liệu cho nên nhiều sách sử quan trọng viết về vua Hàm Nghi có nhiều chi tiết quan trọng thiếu chính xác, hoặc không dám viết.

       Cuốn sách đầu tiên viết về vua Hàm Nghi của Phan Trần Chúc in năm 1935 không viết ngày tháng năm sinh của vua Hàm Nghi và dĩ nhiên xuất bản năm 1935 nên chưa có ngày tháng năm mất của vua Hàm Nghi (1944). Sau đây tôi xin sửa lại cho đúng một số chi tiết liên quan đến vua Hàm Nghi chưa được chính xác trong các sách từ điển viết về vua Hàm Nghi:

  1. Trong cuốn “Nguyễn Phúc tộc thế phả” (tr 387) viết “vua Hàm Nghi mất ngày 28 tháng 11 năm Nhâm Ngọ (4.1.1943) thọ 72 tuổi”. Sự thật là vua Hàm Nghi đã mất vào ngày 14.1.1944. Năm mất của vua Hàm Nghi có ghi rõ trên mộ của vua Hàm Nghi.

    2. Trong cuốn “Ba vị hoàng đế cách mạng Hàm Nghi – Thành Thái – Duy Tân” đặc san tưởng niệm ba vị hoàng đế cách mạng của Hội đồng Hoàng tộc Nguyễn Phước hải ngoại viết “Vua Hàm Nghi mất tại Alger năm 1944 nơi biệt thự El Biar” (tr.20). Không có biệt thự El Biar. Vua Hàm Nghi mất trong biệt thự Gia Long. Biệt thự này do vua Hàm Nghi xây dựng theo kiến trúc cung đình nhà Nguyễn vào năm 1906.

 

Một số cuốn sách viết chưa đúng về ngày tháng năm sinh, năm mất của vua Hàm Nghi

Một số cuốn sách viết chưa đúng về ngày tháng năm sinh, năm mất của vua Hàm Nghi

     3. Trong cuốn “Bao Dai ou les derniers jours de L’empire D’Annam” của Daniel Grandclément, nhà xuất bản JC Lattès (1997) (tr.365) đã viết “L’empereur mort à Alger en 1940” - hoàng đế mất ở Alger vào năm 1940. Sự thật vua Hàm Nghi mất ngày 14.1.1944.

     4. Trong cuốn “Từ điển bách khoa Việt Nam 2” – Nhà xuất bản từ điển bách khoa Hà Nội 2002 (tr.200 cột thứ 2) có viết: vua Hàm Nghi sinh năm 1872 – 1943 sự thật là 1871- 1944.

     5. Cuốn “Từ điển nhà Nguyễn” của Võ Hương An, nhà xuất bản Việt Nam 2012 tại Hoa Kỳ (tr.232) viết: “Vua sinh ngày 3/8/1872 con út của Kiên Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Phan Thị Nhân” sự thật là vua Hàm Nghi sinh ngày 3/8/1871 và mất ngày 14/1/1944, con trai của Kiên Thái Vương Hồng Cai và bà Phan Thị Nhàn chứ không phải “Nhân”.

     6. Trong cuốn “Từ điển văn hóa Việt Nam” của nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin (năm 1993) (tr.150 cột 1) viết: Vua Hàm Nghi sinh năm 1872 và mất năm 1947 là không đúng mà năm đúng là vua Hàm Nghi sinh năm 1871 và mất năm 1944.

     7. Trong cuốn “Dấu xưa – tản mạn lịch sử nhà Nguyễn” của Mathilde Tuyết Trần, nhà xuất bản Trẻ (năm 2012), tác giả có bài viết “Lâu đài của công chúa Nhữ Mây (tr.123) trong sách “Dấu xưa” cũng như trên báo Hồn Việt tác giả Mathilde Tuyết Trần đã chứng minh tên của trưởng Công chúa của vua Hàm Nghi là Nhữ Mây chứ không phải Như Mai. Công chúa Như Mai không thể là Nhữ Mây vì những lý do sau:

       a. Trong gia phả “Nguyễn Phúc tộc thế phả” đều ghi các con vua Hàm Nghi là Như Mai, Như Lý và Minh Đức.

       b. Nhữ Mây là chữ Việt, trong Pháp ngữ không có chữ Nhữ Mây. Gia đình vua Hàm Nghi là người Pháp không thể viết và đọc đúng Nhữ Mây.

       c. Trong tất cả tài liệu, hồ sơ của Pháp đều viết Nhu May, chữ May người Pháp đọc gần giống với chữ Mai. Nếu viết Như Mai thì người Pháp sẽ đọc Như Me (Me là tháng năm). Me rất xa lạ với Mai. Quan điểm của tác giả “Dấu xưa” cho rằng con gái vua Hàm Nghi là Nhữ Mây đã gây cho nhiều người mắc sai lầm. Ngay cả bộ phim “Đi tìm dấu tích ba Vua” cũng gọi tên công chúa Như Mai là Nhữ Mây. Đề nghị tác giả nên đính chính để cho các nhà nghiên cứu tránh được sai lầm.

      8. Đặc biệt ông Hải Âu đã viết cuốn sách “Vua Hàm Nghi” nhà xuất bản Văn Nghệ TP.HCM (Xuất bản năm 2000) tác giả viết ông như là một người bạn của vua Hàm Nghi. Ông cho biết vua Hàm Nghi mất “ngày 24 tháng 12 năm 1943”. Ông và hoàng tử Minh Đức cùng lo tang lễ cho vua Hàm Nghi. Chỉ cần 3 thông tin này người đọc có thể thấy ông hư cấu chứ không có sự thật. Thứ nhất, vua Hàm Nghi luôn luôn bị người Pháp cấm tiếp xúc với người Việt Nam thì không thể có 1 người lính Việt Nam ở trong nhà để được vua Hàm Nghi xem như là bạn. Thứ hai, năm 1943 đang diễn ra chiến tranh thế giới thứ II, Hoàng tử Minh Đức cũng như 2 công chúa Như Mai, Như Lý ở Pháp không thể về Alger để lo đám tang cho cha (theo lời của công chúa Như Lý). Thứ ba không thể có ngày mất của vua Hàm Nghi là 24.12.1943. Vì trên bia mộ vua Hàm Nghi đã ghi rõ vua Hàm Nghi mất năm 1944. Tôi đã gặp công chúa Như Lý, hỏi bà có biết gì về chuyện ông Hải Âu gần gũi với vua Hàm Nghi ở Alger như ông Hải Âu viết không. Công chúa Như Lý đã khẳng định không có chuyện đó.

Có lẽ còn nhiều sách sử khác nữa tôi chưa có dịp được đọc. Độc giả ngoài những đầu sách tôi nêu trên chắc còn nhiều sách báo viết về ngày tháng năm sinh và ngày tháng năm mất của vua Hàm Nghi không đúng. Mong các độc giả đọc được xin bổ sung cho danh sách tôi đã viết lại cho đúng nêu trên. Cảm ơn.

N.Đ.X

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang