ĐỊA CHÍ THỪA THIÊN HUẾ KHÔNG CÓ VĂN HỌC NGOẠI NGỮ

          Tỉnh TTH có lịch sử trên 700 năm, nơi đặt Thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn, Kinh đô của nước Đại Việt dưới thời Quang Trung, Kinh đô của nhà Nguyễn – triều đại Quân chủ giàu mạnh nhất trong lịch sử Việt Nam. TTH đã tiếp xúc với Phương Tây, đặc biệt với người Pháp từ nửa Thế kỷ thứ XVIII. Trải qua thời Bảo hộ (1885-1945) mọi mặt của đời sống xã hội của người Huế đều chịu tác động bởi chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục của người Pháp. TTH không phải là một tỉnh lẻ mới thành lập. Thế mà sách Địa Chí TTH có Văn học Hán Nôm, Văn học Quốc ngữ mà không hề có Văn học Pháp ngữ. Không biết Văn học Pháp ngữ thì không thể hiểu lịch sử TTH đầy đủ được. Không biết văn học Pháp ngữ là không biết vị thế quốc tế của TTH được, do sự yếu kém của những người biên soạn Địa Chí vô tình đã hạ thấp giá trị của văn hóa Huế.

           Gần nửa thế kỷ nghiên cứu lịch sử văn hóa Huế tôi mới nhận ra được rằng chỉ có văn học Pháp ngữ mới đánh giá đúng giá trị của TTH. Lịch sử văn hóa Huế tuyệt vời như thế nào mà người Pháp mới cho ra đời Tập san Đô Thành Hiếu Cổ (Bulletin des Amis du Vieux Huế) và theo đuổi đến trên 30 năm với trên một trăm tập san nghiên cứu Huế giá trị. Nếu không có bộ Tập san này thì chúng ta không thể có sự hiểu biết Huế như hôm nay.

         Tôi không phải là nhà viết Địa Chí, chưa có dịp khảo sát, thống kê, lập danh sách và giới thiệu sách/văn học Pháp ngữ ở TTH. Những gì tôi sắp ghi ra đây chỉ chọn một số đã có sẵn trong tủ sách Gác Thọ Lộc mà tôi đã sưu tập để tham khảo nghiên cứu gần nửa thế kỷ qua. Trước nhất tôi giới thiệu mỗi thời kỳ hai tác giả. 

  1. Thời các chúa Nguyễn và thời Quang Trung

1.1. Pierre Poivre

(1719-1786)

 

1.1. Pierre Poivre  (1719-1786)

1.1. Pierre Poivre (1719-1786)

         Sinh trưởng trong một gia đình tư sản thương mại tại Lyon. Ông học rất giỏi và có đầu óc phiêu lưu mạo hiểm. Ông bỏ Lyon lên Paris theo các vị Thừa sai Thiên Chúa giáo ở Hội Truyền giáo nước ngoài để sang Viễn Đông. Năm 1741 ông sang Quảng Đông (Trung Quốc), Ma Cao, Nam Dương. Đi đến đâu ông cũng để mắt quan sát, tìm hiểu về phong tục, thương mại, nông nghiệp ở đó. Nhiều lần ông đã nếm mùi tù tội. Cuối năm 1749, sau khi mua hàng hoá ở Hội An xong (chủ yếu là chất nhuộm lụa và đường) ông lên đường ra Huế, ở lại tại Phố Lỡ rồi thuê thuyền lên yết kiến chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát để đặt mối giao thương. Ông được Võ Vương tiếp rất thân mật tại cung điện Mùa Đông (tức Phủ Ấn - Phủ Dương Xuân) vào ngày 29-11-1749. Cuộc tiếp kiến này để lại trong tâm trí ông nhiều hình ảnh tốt đẹp. Về sau viết cuốn Kỷ Hành (Voyage) ông đã ghi lại được những nét chính của Phủ Dương Xuân. Pierre Poivre kể : “Ngài bước xuống một căn phòng nhỏ dùng để tiếp tân ở ngay cửa Phủ [...] Ông cầm tay tôi (Poivre) và dẫn tôi đến một mô đất nằm ngoài cùng của Phủ, đối diện với một cái ao... Trong lúc tôi đang ngồi trên mô đất... thì ở phía bờ ao bên kia, một đám dân nghèo đáng thương đang rạp người cúi lạy Ngài, rồi ráng sức gào lên: Bất công! Bất công!

         Những năm sau, ông tiếp tục đến Ấn Độ và một số nước ở Nam Á khác. Đến năm 1756 ông trở về Pháp. Do sự hiểu biết rộng nên ông được mời làm thành viên nhiều Viện Hàn Lâm. Mãi đến năm 1772, ông mới về hẳn quê hương Lyon. Ông sống những năm cuối đời ở Lyon với vợ và hai cô con gái cho đến 6-1-1786  mới từ giã cuộc đời.  

1.2.Koffler (Jean)

(? - ?)

          Linh mục thuộc Dòng Tên của Đức, được chúa Võ Vương mời làm Y sĩ riêng cho chúa và gia đình. Đặc biệt, Koffler đã chữa bệnh cho ái phi Chiêu Nghi của Võ Vương. J.Koffler được làm một nhà nguyện nhỏ trong Đô thành Phú Xuân. Đến khi Chiêu Nghi qua đời, Võ Vương cho tháo dỡ nhà nguyện ấy lấy vật liệu xây lăng cho bà Chiêu Nghi như ta còn nhìn thấy ở phía bắc chùa Từ Hiếu ngày nay. Vì thế mà khi các vị Thừa sai Thiên Chúa giáo bị trục xuất ra khỏi Thuận Hóa -Phú Xuân, J.Koffler vẫn được giữ lại. Năm 1749, nhà buôn Pierre Poivre đến Huế, gặp Koffler và ông đã được Koffler cung cấp cho những thông tin cần thiết về các cung điện của Đô thành Phú Xuân. Và, chính vì mối quan hệ này nên khi Pierre Poivre dính vào một vụ bất hoà với Trương Phúc Loan, Pierre Poivre bị đuổi bắt, và tất cả người ngoại quốc (kể cả Giám mục Lefèbre) ở Phú Xuân đều bị trục xuất, Koffler cũng phải ngậm ngùi ra đi dù trước đó đã được Võ Vương rất ưu ái. Đến năm 1752, J.Koffler về đến Bồ Đào Nha, Thủ tướng Pombal không ưa Dòng Tên nên tống giam ông. Ở trong ngục, J.Koffler viết bộ Sử chí xứ Đàng Trong (Description historique de la Cochinchine). Là người sống trong Đô thành Phú Xuân lâu, J.Koffler biết rất rõ các dinh , điện, cung thất ở đó. Ông cho biết: “Ngoài chỗ ở chính của chúa (có nghĩa là cung điện lớn) còn có ba cung điện khác...Cái thứ hai dùng làm cung điện Mùa Đông, được xây dựng ở bên kia sông).  Những thông tin về kiến trúc của các cung điện ở Huế được ghi lại trong Kỷ Hành, Pierre Poivre đều sử dụng thông tin của J.Koffler. 

 

  1. Thời Nguyễn

2.1.Michel Đức Chaigneau

Michel Đức Chaigneau  (1803-1894)

Michel Đức Chaigneau (1803-1894)

         Michel Đức Chaigneau (1803-1894) là con trai của Jean-Baptiste và và một phụ nữ Huế ở Phường Đúc. Chaigneau (được ban tên Việt là Nguyễn Văn Thắng). Ông Thắng theo phò Nguyễn Ánh từ những năm còn tranh đấu với nhà Tây Sơn. Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi với niên hiệu Gia Long, Jean-Baptiste Chaigneau được phong làm Chưởng cơ, tước Thắng Đức hầu.

         Jean-Baptiste  được vua Gia Long trọng dụng nên con trai ông Michel Đức Chaigneau thường xuyên được theo cha vào cung và nhiều lần bệ kiến vua Gia Long.

Michel Đức Chaigneau sống ở Việt Nam đến năm 16 tuổi mới theo cha  qua  Pháp. Năm 19 tuổi ông trở lại Việt Nam thêm 2 năm nữa.

        Trong hơn 20 sinh sống ở Kinh thành Huế và vùng phụ cận ông am hiểu  đời sống từ hoàng cung ra đến vùng quê quê bình thường. Những điều ông cảm nhận được ghi trong ký ức, về sau ông ghi lại trong cuốn  Souvenirs de  Hué (Những hồi ức Huế) xuất bản năm 1867.

         Hồi ức Huế ghi lại nhiều địa điểm từ Hoàng cung đến vùng phụ cận. Nhiều sinh hoạt trong chốn nội cung được ghi chép sinh động. Qua Hồi ức Huế ta biết được những vùng lân cận thân thiết Chợ Được, chợ Dinh, Phố Bao Vinh.

          Những thông tin trong Hồi ức Huế hết sức quý. Lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng sách viết về đời sống chốn nội cung. Hồi ức Huế đã được hai dịch giả chuyển ngữ.

2.2.Léopold Cadière

(1869-1955)

Léopold Cadière  (1869-1955)

Léopold Cadière (1869-1955)

         Linh mục, quê ở Sainte-Anne-des-Pinchinats, gần Aix-en-Provence, đông nam nước Pháp, học tại chủng viện Hội Truyền giáo Paris và được phong Linh mục năm 1892, ngay năm đó ông được cử sang Việt Nam. Ông đến Huế vào tháng 10 năm 1892. L.Cadière đã lần lượt được cử làm Cha sở Tam Tòa (Quảng Bình), Cha sở Cù Lạc (Quảng Bình), Cha sở Trí Bưu (Quảng Trị), Tuyên úy ở Trường Pellerin (Huế), Cha sở Di Loan (Quảng Trị)... L.Cadière có tinh thần khoa học, ham thích nghiên cứu  đất nước và con người ở các địa phương ông từng sống nên ông đã sớm có nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử văn hoá  từ Quảng Bình đến Huế. Năm 1914, ông tham gia thành lập Hội và Tập san Đô thành Hiếu cổ (Association et Bulletin des Amis du Vieux Hué) và không lâu sau đó ông trở thành linh hồn của Hội và Tập san đứng đầu Đông Dương này. Trước và sau thời gian đó ông có nhiều dịp về Pháp, đi Rô-ma sưu tập được nhiều tư liệu về mối quan hệ giữa châu Âu và Việt Nam trong nhiều thế kỷ trước. Nhờ thế, bộ BAVH do ông đảm nhiệm không những có được những công trình nghiên cứu từ thực địa và sử sách Việt Nam mà còn có nhiều công trình nghiên cứu từ các nguồn tư liệu của phương Tây. Bộ BAVH tồn tại 30 năm (1914-1944), mỗi năm cho ra đời ít nhất 600 trang nghiên cứu quý giá. Ông trở thành nhà Huế học vĩ đại trong thế kỷ trước. Không một nhà nghiên cứu lịch sử Huế và triều Nguyễn nào không tham khảo tư liệu trong BAVH của ông. Năm 1955, ông mất ở Huế.

  1. Văn học Pháp ngữ do người Huế viết.

3.1. Cung Giũ Nguyên

 

Cung Giũ Nguyên (1909-2008)

Cung Giũ Nguyên (1909-2008)

        Cung Giũ Nguyên (28-4-1909 – 7-11-2008) nguyên họ Hồng ở làng Minh Hương Huế. Ông nổi tiếng là một nhà văn Pháp ngữ, là một huynh trưởng  thế hệ sáng lập ra phong trào Hướng đạo Việt Nam.Cuối đời ông sống và qua đời tại thành phố Nha Trang. Các tác phẩm chính :

Volontés d'existence (Nxb France-Asie, Saigon, 1954)

Le Fils de La Baleine (Nxb Arthène Fayard, Paris, 1956), Nguyễn Thành Thống dịch tiếng Việt Kẻ thừa tự của ông Nam Hải (Nxb Văn học, Hà Nội, 1980).

Le domaine maudit (Nxb Arthène Fayard, Paris, 1961)

Le Boujoum (1980)

3.2. Xuân Phượng (1929)

Xuân Phượng (1929)

Xuân Phượng (1929)

          Xuân Phượng tên thật Nguyễn Thị Xuân Phượng  sinh năm 1929 tại Huế trong một gia đình quan lại. Lúc nhỏ bà học trường Couvent des Oiseaux (Đà Lạt), sau về học trường Đồng Khánh (Huế). Năm 16 tuổi bà thoát ly lên rừng theo kháng chiến chống Pháp.

          Trong kháng chiến cũng như sau đó về Hà Nội bà đã kinh qua nhiều công tác khác nhau: Bà học Y rồi làm rồi làm công nhân ở xưởng chế tạo chất nổ, công tác chữa bệnh cho dân, có thời bà được sử dụng vốn Pháp ngữ làm phiên dịch ngoại giao. Nhưng bà được giới truyền thông trong nước cũng như nước ngoài biết nhất bà là một đạo diễn phim tài liệu Việt Nam với các phim “Việt Nam và chiếc xe đạp” (1974), “Khi tiếng súng vừa tắt” (1975), “Khi những nụ cười trở lại” (1976), “Hai tiếng quê hương” (1978), “Tôi viết bài ca hồi sinh” (1979)…

         Bà lập gia đình với một Giáo sư khoa học - con trai một Đại thần triều Nguyễn. Ông bà sinh con trong hoàn cảnh kháng chiến trong rừng vô cùng gian khổ. Cái chết rập rình bên cạnh gia đình bà. Cuộc đời cô nữ sinh trường nữ Thiên chúa giáo Couvent des Oiseaux Đà Lạt trong rừng kháng chiến gắn liền với các cuộc kháng chiến ở Việt Nam. Biết có một phụ nữ như thế. Nhà xuất bản Plon của Pháp yêu cầu bà kể lại chuyện đời bà. Năm 2001, bà viết xong hồi ký Ao Dai du couvent des Oiseaux à la jungle du Viet Nam và được Nhà xuất bản Plon ấn hành ngay trong năm 2001. Đây là lần thứ hai Plon xuất bản sách cho người Việt Nam. Lần đầu Plon xuất bản cuốn Le Dragon d'Annam của Cựu hoàng Bảo Đại. Sách của bà Xuân Phượng ra đời liền được được dịch sang tiếng Anh và một vài nước khác nữa. Năm 2020, đích thân tác giả bổ sung tài liệu và cập nhật thông tin dịch sang Việt ngữ lấy tên là Gánh Gánh Gồng Gồng. Sách được Hội nhà văn chấm giải nhất văn xuôi năm 2020.

Cuốn Le Dragon d'Annam của Cựu hoàng Bảo Đại và một số sách tại Gác Thọ Lộc

Cuốn Le Dragon d'Annam của Cựu hoàng Bảo Đại và một số sách tại Gác Thọ Lộc

Hồi ký Ao Dai du couvent des Oiseaux à la jungle du Viet Nam và một số sách khác tại Gác Thọ Lộc

Hồi ký Ao Dai du couvent des Oiseaux à la jungle du Viet Nam và một số sách khác tại Gác Thọ Lộc

Ngoài sáu tác giả trên, tôi kèm theo 22 đầu sách qua ảnh xuất bản từ nửa thế kỷ 18 đến nay.

Một số sách xuất bản từ nửa thế kỷ 18

Một số sách xuất bản từ nửa thế kỷ 18

Một số sách xuất bản từ nửa thế kỷ 18

Một số sách xuất bản từ nửa thế kỷ 18

Qua số sách này:

- Ta biết được thế giới Pháp ngữ hiểu Triều Nguyễn và Huế xưa như thế nào;

- Ta biết được những thông tin về những sự kiện, những di tích đã mất (Ví dụ Piere Poivre nói về Phủ Dương Xuân)

- Ta biết được người ngoại quốc yêu mến và thích những gì ở Thừa Thiên Huế để phát triển du lịch;

Và, qua đó khuyến khích tuổi trẻ ngày nay quan tâm viết về Huế bằng Pháp ngữ.

Ngoài những sách dẫn qua hình ảnh con hàng trăm cuốn sách văn, sử bằng tiếng Pháp viết về Đông Dương, Việt Nam  có nhiều chương, nhiều bài viết về Thừa Thiên Huế. Khi nào Địa Chí TTH được soạn lại sẽ dẫn sau.

Huế, ngày 11-2-2022

    N.Đ.X.           

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang