NXB THUẬN HÓA CỦA TỈNH THỪA THIÊN HUẾ HAY CỦA ÔNG NGUYỄN DUY TỜ?

Cuối tháng 6-2022 vừa qua tôi xuất bản cuốn sách thứ 78 mang tựa đề PHẢN BIỆN CON ĐƯỜNG TÌM CHÂN LÝ do nxb Hội Nhà Văn ấn hành. Cuốn sách được bạn đọc gần xa hoan nghênh. Nhưng không ngờ có nhiều người hỏi “Vì sao không nhờ Nxb Thuận Hóa ấn hành như mấy chục đầu sách của Nguyễn Đắc Xuân trong mấy chục năm qua?”. Câu hỏi đến trong lúc mắt bị xuất huyết võng mạc không đọc, không viết được chờ đến ngày hẹn vào Bệnh viện nên tôi chưa trả lời được. Đây chỉ là một chi tiết cụ thể của sự cay đắng của Người cầm bút xứ Huế tôi chưa có dịp giải bày cùng độc giả, người yêu Huế gần xa. Để được chia sẻ chuyện cụ thể này tôi xin trích lại lá thư viết ngày 18-3-2022 gửi đến TS Nguyễn Duy Tờ Giám đốc Nxb Thuận Hóa, Huế sau đây.
Kính gửi TS Nguyễn Duy Tờ,
Giám đốc Nxb Thuận Hóa, Huế
Như đã trình bày với ông nhiều lần qua điện thoại, nay tôi viết thành văn bản gửi đến ông về hai vấn đề được ghi lại sau đây:
1. Từ năm 1987 đến nay (2022) Nxb Thuận Hóa đã xuất bản và tái bản cho tôi 46 (bốn sau) đầu sách về Triều Nguyễn và Huế xưa. Vì sao ông là thành viên trong Ban biên soạn phụ trách báo chí và xuất bản bộ Địa Chí phần Văn hóa TTH đồng thời là Giám đốc Nxb Thuận Hóa biên tập và in bộ Địa Chí phần Văn hóa TTH chỉ tham khảo 1 cuốn Trần Tiễn Thành, còn loại ra 45 cuốn chuyên về triều Nguyễn, Huế và Cung điện Đan Dương sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung? Phải chăng 45 cuốn sách đó không có gì để tham khảo ? Không có giá trị tại sao Nxb Thuận Hóa xuất bản từ suốt 35 năm qua? Vì sao ông là Giám đốc Nxb Thuận Hóa biên tập và in bộ Địa chí Phần Văn hóa TTH cho in một quy trình loại bỏ mọi thông tin liên quan đến Đan Dương lăng đã in trong các sách do ông chịu trách nhiệm xuất bản sau đây:
* Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương – Sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, Nxb Thuận Hóa Huế 2007
*Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương, Thuận Hóa 2015 bổ sung thông tin tái bản lần 1.
* Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân thời ở Huế, Thuận Hóa 2014;
* Thiền Lâm –ngôi chùa lịch sử-Thiền viện lớn nhất ở xứ Đàng Trong, Thuận Hóa 2017.
Để tránh đưa yêu cầu này ra báo chí và đưa lên các cơ quan cấp trên của Nxb Thuận Hóa, rất mong ông ký cho một văn bản trả lời yêu cầu trên của tôi. Cảm ơn ông trước.
2. Ngày 13-1-2022 tôi có gửi đến Nxb bản thảo cuốn Phản Biện Con Đường Tìm Chân Lý. Tôi được biết bản thảo đã được biên tập nhưng chưa được ông cho phép in. Với tuổi 85, tôi lo hoàn tất những công việc cuối đời, chạy đua với thời gian nên tôi đã hỏi ông vì sao bản thảo Phản Biện của tôi chưa được ông cho phép in. Qua điện thoại ông đã trả lời: “Nội dung phản biện đụng chạm đến những bạn bè bao năm thân quen cà phê bia bọt, những người đã có sách Thuận Hóa xuất bản nên tôi trăn trở chưa thể duyệt được!” Tôi đã bảo ông: “Bài nào, đoạn nào anh cảm thấy đụng chạm bạn bè của anh, anh cắt bỏ ra”. Ông đáp “Cũng không được!”. Tôi quá ngạc nhiên. Ông là Giám đốc Nxb của Tỉnh TTH, của quốc gia, trong biên tập nghiên cứu lịch sử văn hóa ông chỉ có nhiệm vụ loại bỏ những gì phạm luật về chính trị, những gì thiếu cơ sở khoa học chứ làm sao vì bạn bè thân quen của ông và của Nhà xuất bản? Lâu nay tôi nhầm cứ nghĩ là Nxb Thuận Hóa là Nhà xuất bản của Tỉnh sắp được Trung ương công nhận là Thành phố di sản Văn hóa quốc gia nên đã không ngừng gửi bản thảo đến Thuận Hóa. Nay qua ý kiến của ông tôi xin sửa sai về sự nhầm của mình. Tôi viết văn bản này xin phép ông cho tôi nhận lại bản thảo Phản Biện Con Đường Tìm Chân Lý đã bị ông từ chối xuất bản.
Kính chào ông.
Huế, 18 tháng 3 năm 2022.
Nguyễn Đắc Xuân
Đc 3/7/ Nguyễn Công Trứ, Huế - Đt 0914203944 – E-mail: gacnhieuloc@gmail.com
1.46 đầu sách về triều Nguyễn, Huế xưa, lăng Đan Dương do Nxb Thuận Hóa xuất bản từ năm 1997 đến nay;
2. Quy trình những người biên soạn Địa Chí Phần Văn hóa loại bỏ toàn bộ thông tin về Cung điện/lăng Đan Dương của Nguyễn Đắc Xuân do Thuận Hóa xuất bản
Sách Phản biện con đường tìm chân lý do NXB Hội Nhà Văn cấp phép

Sách Phản biện con đường tìm chân lý do NXB Hội Nhà Văn cấp phép

Lời nói đầu

Tôi hiểu chuyện “phản biện” (argumenter) trước kia thường dùng trong các phiên tòa; phản biện là việc luật sư sử dụng những luận chứng, những lý lẽ để bảo vệ cho thân chủ của mình. Mấy chục năm gần đây “phản biện” có nghĩa là công việc các nhà khoa học dùng lý lẽ trình bày các luận chứng khoa học để đồng tình, ủng hộ, khen ngợi hay phê phán một đề tài, một công trình, một sự kiện khoa học - lịch sử - văn hóa - kinh tế - xã hội nào đó. Có những việc nhỏ hơn được dư luận báo chí bình luận (commenter), hay phê bình (criti-quer)… người ta cũng xem có ý nghĩa phản biện.
Nói chung ngày nay người phản biện là người “xớ rớ”- “xăm le” vào công việc của người khác. Công việc phản biện có những hiệu quả khác nhau:
Nếu được người ta “thuê” để ủng hộ công trình của họ thì người phản biện sẽ được thù lao (từ năm ba trăm ngàn đến hàng trăm triệu. Ví dụ như phản biện những luận án Tiến sĩ dỏm);
“Xớ rớ” vào công việc của người khác, vì thiên chức trí thức chứ không phải vì được thuê, hiệu quả là chặn đứng được những cú lừa làm tổn hại tiền bạc và thanh danh của đất nước, ví dụ như các phản biện chặn đứng được chủ trương chiếu cuốn phim Lý Công Uẩn đường về Thăng Long của Trung Quốc trên Truyền hình Việt Nam đúng vào dịp Đại lễ kỷ niệm Nghìn năm Thăng Long Hà Nội (10-2010); phản biện để bảo vệ những ý tưởng mới, những công trình vì nhiều lý do chưa được công nhận để được công nhận.
Người trí thức được quần chúng tin cậy, không thể không phản biện khi quần chúng, báo chí yêu cầu. Kết quả khi được, khi không. Vẫn biết “Cám không có ăn nhưng vàng phải trả”. Nhưng vì athiên chức trí thức vẫn dấn thân.
Tôi là người cầm bút xứ Huế, được người trong nước và nước ngoài biết đến qua các công trình nghiên cứu triều Nguyễn và Huế xưa của tôi. Do đó dù muốn dù không tôi không thể đứng ngoài các cuộc phản biện quanh tôi.
Trước nhất tôi phải phản biện để bảo vệ các thông tin về nhân thân của tôi, bảo vệ các công trình nghiên cứu của tôi. Ví dụ như công trình Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương - Sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, như các bài viết của tôi về triều Nguyễn và Huế xưa.
Là một người nghiên cứu triều Nguyễn, tôi biết rất rõ lịch sử triều Nguyễn đã bị các cây bút thân thực dân Pháp, các cây bút xuất thân từ các tu viện Thiên chúa giáo, các cây bút hoài Lê ở Bắc Hà, các cây bút tôn vinh hết mình triều Tây Sơn, các cây bút thời bao cấp xã hội chủ nghĩa… trình bày dưới quan điểm riêng của họ chứ không đúng với sự thật lịch sử triều Nguyễn. Ví dụ như sự kiện “Năm 1783 Nguyễn Ánh có chạy ra Côn Đảo hay không?” như “Những ngày cuối cùng của vua Hàm Nghi và nhân chứng Hải Âu...”
Phản biện là “xớ rớ” vào công việc của người khác, nhà khoa học có công tâm đến đâu cũng không dám bỏ công việc nghiên cứu chính của mình để lo phản biện công việc của thiên hạ. Tôi vốn cũng thuộc loại người đó. Nhưng như “giai do tiền định” vô tình tôi phải lao vào nhiều vụ phản biện “lịch sử”, sự thật đã thắng nhưng mất nhiều bạn bè, đồng chí. Ví dụ như vụ nhà soạn tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tên thật là Nguyễn Đĩnh – quan lại triều Nguyễn, là “anh hùng văn hóa” hay người có tội với phong trào Nghĩa Hội, cuối thế kỷ 19, phong trào Chống thuế năm 1908, Khởi nghĩa Duy Tân năm 1916 ở Quảng Nam?
Tôi cũng gặp nhiều phản biện như những thách thức. Tôi được “mời” phản biện để họ biết quan điểm của tôi về một vấn đề gì đó, để thu được tài liệu mới của tôi, hoặc để tôi sa vào các cái bẫy họ đã giăng sẵn. Nhưng với tinh thần xây dựng, khoa học, trung thực với mình… tôi vẫn có những ý kiến – dù họ không đồng tình nhưng họ không dám xem thường. Như thế là tôi vui rồi.
Cũng có nhiều công trình, sự kiện khoa học xã hôi do các cơ quan nhà nước chủ trì thuộc lĩnh vực chuyên môn của tôi nhưng họ chỉ mời những người phản biện có ý kiến minh họa để hoàn thành “thủ tục” chứ không mời tôi vì sợ “rách việc”. Tôi quá quen với cách xét duyệt các công trình của nhà nước xã hội chủ nghĩa nó như thế nên không ngạc nhiên. Chỉ tiếc tiền thuế của dân mà thôi.
v.v. và v.v.
Tất cả những phản biện mà tôi còn lưu giữ hay sưu tập được in trong cuốn sách này, không biết có còn ai quan tâm đến nữa không, những ý kiến phản biện của tôi có còn mảy may tác dụng nào nữa không, nhưng đối với tôi đó là những kỷ niệm quý báu – chúng biểu hiện tư duy khoa học lịch sử của tôi trải qua các thời kỳ từ sau ngày thống nhất đất nước 1975 đến nay. Giá trị khoa học của các phản biện cao thấp còn tùy… nhưng có ý nghĩa nhất đối với tôi là: Biết phản biện khoa học xã hội theo ý mình là biết đặt chân lên con đường dân chủ tự do.
Đó là thông điệp tôi muốn gởi lại cho các thế hệ bạn đọc, các nhà nghiên cứu trẻ sau này.
Rất tin tưởng.
Gác Nhiêu Lộc (Gia Định), tháng 10-2014
Cập nhật 5-2022
Nguyễn Đắc Xuân
Mục lục sách

Mục lục sách

Bình luận


Nhà xuất bản Thuận hóa 01:06, 07 Thg7, 2022
Anh Xuân kính mến, Vài lời thưa với Anh, mong Anh tiếp lời. Nhà xuất bản Thuận Hóa là của tỉnh Bình Trị Thiên trước đây, bây giờ là tỉnh Thừa Thiên Huế quê hương, của Anh, của em và của mọi người; chứ không phải của Nguyễn Duy Tờ, chỉ vì một bản thảo "Phản biện - con đường đi tới dân chủ , tự do" Kính mong Anh an lạc. Em: Nguyễn Duy Tờ NHÀ XUẤT BẢN THUẬN HÓA

Nhà xuất bản Thuận hóa 01:05, 07 Thg7, 2022
Huế, ngày 6 tháng 7 năm 2022 Kính gởi anh Nguyễn Đắc Xuân, Thưa Anh, Em đã đọc và xin được thưa lại với Anh đôi điều trong bài viết "NHÀ XUẤT BẢN THUẬN HÓA CỦA TỈNH THỪA THIÊN HUẾ HAY CỦA ÔNG NGUYỄN DUY TỜ ?" của Anh: - Bản thảo Anh gởi tới Nhà xuất bản có tên "Phản biện - Con đường đi tới dân chủ, tự do", không phải "Phản biện Con đường tìm chân lý" như Anh và Nhà xuất bản Hội Nhà Văn vừa cho ra mắt. _ Em thưa với Anh qua điện thoại rằng, bản thảo đụng chạm tới nhiều anh chị em có nhiều năm cộng tác rất thân thiết với Nhà xuất bản, chứ không nói "bạn bè bao năm thân quen cà phê bia bọt" như Anh nói. Thầy Đỗ Bang, Trần Đại Vinh; các anh Nguyễn Anh Huy, Phan Thanh Hải...thỉnh thoảng em mới được gặp trong các hội nghị, hội thảo, lễ kỷ niệm, mừng xuân, việc hiếu hỷ... Anh ạ; nào mấy khi "cà phê bia bọt". - Bản thảo của Anh, và một số bản thảo khác nữa rất khó biên tập; nhiều em, nhiều cháu phải chịu thương, chịu khó trong khả năng có được; đâu dễ gì "cắt" như Anh nói.


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang