Thực hiện việc hủy bỏ thông tin về Thời Tây Sơn và Cung điện/lăng Đan Dương của vua Quang Trung ở Huế, Nhóm chủ biên Phần Văn hóa Địa Chí TTH đã thực hiện một quy trình rất chi tiết, khoa học chưa từng có.
Thứ nhất trong phần sách tham khảo của Địa Chí (tr 925 đến 980) với 720 đầu sách, toàn bộ trên 70 đầu sách của Nguyễn Đắc Xuân về Triều Nguyễn và Huế xưa chỉ được Địa Chí Văn hóa tham khảo một cuốn Trần Tiễn Thành (xếp thứ 714), Nhóm chủ biên không hề tham khảo những cuốn sách tôi đã nghiên cứu về Cung điện/lăng Đan Dương của vua Quang Trung trên 30 năm qua và bỏ qua cả trang Web Nghiên cứu Cung điện Đan Dương. Xin nhắc lại sau đây:.
- Đi tìm lăng mộ vua Quang Trung, Nxb Viện Sử Học Việt Nam, HN -1992 (Lời giới thiệu của Nhà sử học Dương Trung Quốc – Tổng thư ký Hội Sử học VN)
- Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, Nxb Thuận Hóa Huế 2007
- Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân thời ở Huế, Thuận Hóa 2014;
- Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương, Thuận Hóa 2015 (Bổ sung tài liệu và tái bản)
- Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn-Cung điện Đan Dương thời Quang Trung ở Huế, Văn hóa Văn Nghệ TP HCM 2017 (Bổ sung tài liệu, mở rộng sau khi có Hội thảo khoa học (cuối 2015) và Khảo cổ khai quật thăm dò cuối năm 2016)
- Thiền Lâm – ngôi chùa lịch sử - Thiền viện lớn nhất ở xứ Đàng Trong, Thuận Hóa 2017 (GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam giới thiệu).
- Dương Xuân Residence Under The Nguyễn Lords
The Former Đan Dương Palace and the Tomb Of Emperor Quang Trung In Huế (THẾ GIỚI Publisher, Hà Nội 2019). Sách đã được giới thiệu với các Tòa Đại sứ Mỹ, Nhật, Pháp, Ý. Tổng lãnh sự Ý tại TP HCM hồi âm hẹn sau Covid 19, sẽ đến Huế cùng với tỉnh TTH khám phá Di tích Đan Dương.
- Trang web http://cungdiendanduong.net/c54/thu-muc-nghien-cuu.html

Bộ sách Nghiên cứu Cung điện/ lăng Đan Dương của Nguyễn Đắc Xuân
Thứ hai, Nhóm chủ biên không nhắc đến từ năm 1988 TS Đỗ Bang –Hội KH Lịch sử TTH đã hoan nghênh công trình nghiên cứu Đan Dương và dùng công trình đó phản biện công trình lăng Ba Vành là lăng mộ vua Quang Trung, và hứa Hội KHLS TTH sẽ nghiên cứu theo hướng lăng Đan Dương (về sau TS Đỗ Bang không tiếp tục vì tôi không "chạy").

Nhóm chủ biên không nhắc đến các cuộc Hội thảo, báo cáo, trình bày giới thiệu công cuộc đi tìm Cung điện Đan Dương đã diễn ra ở Huế:
- Giới thiệu công trình nghiên cứu Đan Dương ở Bảo tàng lịch sử TTH (hai lần) do Hội KH Lịch sử tỉnh và Thành phố tổ chức,
- Giới thiệu nội dung trên tại Hội trường UBND Thành phố (2 lần)
- Giới thiệu sách Bắc Cung Hoàng hậu tại TTVHPG Liễu Quán,
- Giới thiệu sách Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn-Cung điện Đan Dương thời Quang Trung ở Huế, Văn hóa Văn Nghệ TP HCM 2017, tại Bảo tàng Văn hóa Huế (địa điểm cũ của UBND TP Huế);
- Đặc biệt bỏ qua Hội thảo khoa học Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế do Hội KHLS TTH tổ chức ngày 30-10-2015 tại UBND tỉnh TTH, do GS Phan Huy Lê-Chủ tịch Hội KH Lịch sử VN chủ trì Hội thảo. Kết luận Hội thảo của GS Phan Huy Lê đăng trên báo Văn Hóa Huế và Huế Xưa và Nay Xuân 2016;

Hội thảo khoa học Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế

kết luận hội thảo đăng trên T/c Huế Xưa và Nay, t/s Văn Hóa Huế Tết 2016

kết luận hội thảo đăng trên T/c Huế Xưa và Nay, t/s Văn Hóa Huế Tết 2016
- Bỏ qua cuộc báo cáo kết quả cuộc khai quật thăm dò 5 hố chung quanh khu vực chùa Vạn Phước, chùa Thiền Lâm do Viện Khảo cổ Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử TTH thực hiện;
- Bỏ qua cuộc giới thiệu sự ra đời trang web Cung điện Đan Dương để phục vụ nghiên cứu Đan Dương tại TTVHPG Liễu Quán.
Thứ ba, Trong phần Danh lam thắng cảnh, đình làng, giáo đường (tr.807), Địa Chí viết 12 ngôi chùa (trong đó có những ngôi chùa mới ra đời từ cuối thế XIX đầu thế kỷ XX như chùa Tường Vân, chùa Trúc Lâm, nhưng tránh viết hai ngôi cổ tự Thiền Lâm và Kim Tiên đã ra đời thời các chúa Nguyễn và sau đó có nhiều liên hệ với Thời Tây Sơn ở Huế. Và cũng không viết chùa Vạn Phước tuy mới ra đời từ đầu thế kỷ XX nhưng lại dựng trên nền cũ của Phủ Dương Xuân tiền thân của cung điện/lăng Đan Dương của vua Quang Trung. Nếu viết ba chùa Thiền Lâm, Kim Tiên, Vạn Phước buộc lòng phải đề cập đến Đan Dương nên Địa Chí không viết để giấu thông tin về dấu tích Cung điện/lăng Đan Dương của vua Quang Trung.
Thứ tư, viết Di tích thời Tây Sơn (tr.692), Địa Chí chỉ viết Kinh đô Phú Xuân dưới triều Tây Sơn (tr.693), Núi Bân (tr.695), Vấn đề lăng mộ Quang Trung (Tr.698), Chuông chùa La Chữ, Bản văn thêu kinh Kim Cương tại chùa Trúc Lâm (tr. 708). Địa chí phần Văn Hóa tránh viết chùa Thiền Lâm là một di tích thời Tây Sơn tại Huế do Đại Nam Nhất Thống Chí của triều Nguyễn đã viết:
Chùa Thiền Lâm ở “Xã An-Cựu. Tương truyền Hòa-thượng Thạch-Liêm lập lên, cảnh trí u tịch. Khi trước Thái-sư Tây-Sơn là Bùi-Đắc-Tuyên chiếm ở, sau Tuyên bại, người trong ấp nhân đó sửa lợp lại. Trong niên hiệu Gia-Long, Thừa-Thiên Cao-Hoàng-Hậu quyên tiền trùng tu, nay lần hư hỏng chỉ còn chùa chính. Bên tả chùa có 1 cái chuông đồng lớn cao 4 thước, lưng tròn 6 thước, dày 4 tấc, ở bên có khắc chữ: đúc năm Vĩnh-Thạnh 12 (1716), Vĩnh-Thạnh tức là niên hiệu vua Lê-Dụ-Tôn vậy. Đầu niên hiệu Gia-Long dẹp xong Bắc-Thành chở về đăng vào kho, sau sửa chùa xong, dời đem lên chùa. (ĐNNTC, Thừa Thiên Phủ,Tập Thượng, tr. 88)
Trong Hội thảo KH Cung điện Đan Dương thời Tây Sơn tại Huế tổ chức vào ngày 30-10-2015 ở UBND tỉnh TTH, tôi trình bày chùa Thiền Lâm được soạn thảo thời Tự Đức ở ấp Bình An cùng với chùa Kim Tiên, chùa Từ Đàm. Nhưng sách không được in. Đến đời Duy Tân, biên tập cập nhật, khắc in hai chùa Từ Đàm và Kim Tiên vẫn giữ ở ấp Bình An như cũ nhưng chùa Thiền Lâm chuyển qua một nơi không rõ địa chỉ cụ thể ở xã An Cựu. Theo tôi sở dĩ có sự chuyển ấy là để tách địa chỉ chùa Thiền Lâm ra xa Cung điện Đan Dương đã phá hủy và cấm nói đến. Nếu để Thiền Lâm ở địa chỉ cũ thì người ta có thể từ chùa Thiền Lâm lần theo có thể tìm được Cung điện/lăng Đan Dương. Có mặt ở Hội thảo, NNC Trần Đại Vinh đã phản biện một cách võ đoán rằng “Chùa Thiền Lâm ở xã An Cựu là do các sử thần triều Nguyễn viết nhầm chứ không có sự chuyển gì cả”. Hôm đó tôi đã giải thích là NNC Trần Đại Vinh nói ẩu. Không phải chuyện đó mà Trần Đại Vinh còn nhiều chuyện phát ẩu khác nữa. Những phản biện của tôi đối với NNC Trần Đại Vinh đã in trong các sách nghiên cứu Đan Dương của tôi. Tôi nhắc lại ở đây để cho độc giả thấy NNC Trần Đại Vinh biết rõ chùa Thiền Lâm là Di tích thời Tây Sơn, biết rõ triều Quang Toản thiết triều dưới trướng Thái Sư Bùi Đắc Tuyên ở chùa Thiền Lâm. Thế mà NNC Trần Đại Vinh không viết về chùa Thiền Lâm trong danh sách ít ỏi các di tích hiếm hoi thời Tây Sơn.
Thứ năm: Trong mục Di tích thời Tây Sơn (tr.692), Địa Chí Phần Văn hóa giật tít “Vấn đề lăng mộ Quang Trung” và viết nội dung như sau:
“Tháng Bảy năm Nhâm Tý (tháng 9/1792), cái chết đột ngột vào độ tuổi 40 còn rất sung sức của vua Quang Trung đã tạo ra một khoảng trống lịch sử, mở đầu cho sự suy tàn nhanh chóng của triều đại Tây Sơn, tạo điều kiện để Nguyễn Phúc Ánh trở về Phú Xuân, lập nên triều Nguyễn. Với chủ trương “tận pháp trừng trị”, “Mùa đông năm ấy (1802), Vua (Gia Long) về kinh, cáo tế ở miếu, dâng những tù bắt được, đem hết phép trừng trị, đào mộ Nhạc, mộ Huệ, đem giã hài cốt vất đi, giam đầu lâu ở nhà ngục”. Như vậy, lăng mộ của vua Quang Trung đã bị phá và đến nay dấu tích chưa ai biết đến ngoài một thông tin mờ nhạt trong sách Đại Nam chính biên liệt truyện của Quốc Sử Quán triều Nguyễn”.(NĐX nhấn mạnh) (tr.698).
Bình luận: Để đi đến lời khẳng định “Như vậy, lăng mộ của vua Quang Trung đã bị phá và đến nay dấu tích chưa ai biết đến ngoài một thông tin mờ nhạt trong sách Đại Nam chính biên liệt truyện của Quốc Sử Quán triều Nguyễn” Nhóm chủ biên phần Văn hóa trong Địa Chí TTH đã thực hiện các biện pháp: 1. Không tham khảo sách báo nghiên cứu về Cung điện Đan Dương/sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung do chính Nxb Thuận Hóa của Tỉnh xuất bản, 2. Không nhắc đến tất cả các Hội thảo, khai quật chung quanh chùa Vạn Phước, các cuộc giới thiệu công trình cung điện/lăng Đan Dương, 3. Tránh viết về các ngôi chùa liên quan đến Quang Trung, 4. Không viết chùa Thiền Lâm là một di tích Tây Sơn và cuối cùng bỏ qua hết thơ văn Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích nói đến lăng Đan Dương, mối quan hệ với chùa Thiền Lâm. Chỉ nhắc đến một tư liệu duy nhất là Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện mà thôi. Thực hiện được quy trình 5 bước trên, Phần Văn hóa Địa Chí TTH xác quyết:
“Như vậy, lăng mộ của vua Quang Trung đã bị phá và đến nay dấu tích chưa ai biết”.

Phần Văn Hóa Địa Chí Thừa Thiên Huế đã hủy diệt thông tin dấu tích lăng mộ vua Quang Trung lần thứ hai.
Vua Gia Long hủy diệt lăng mộ vua Quang Trung lần thứ nhất có lý do “Vì chín đời mà trả thù”. Tôi không hiểu vì thù hằn gì với Nguyễn Huệ Quang Trung mà Nhóm biên soạn Phần Văn Hóa của Địa Chí TTH đã ra tay thiết kế một quy trình hủy diệt thông tin dấu tích Cung điện/lăng Đan Dương của vua Quang Trung ở ấp Bình An một cách bài bản đến như thế?
Tôi thật khó hiểu những vấn đề sau đây:
- Ba quyển sách chính về công trình nghiên cứu Đan Dương sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung của tôi là:
- Đi tìm dấu tích Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hòang đế Quang Trung, Nxb Thuận Hóa Huế 2007, bổ sung tài liệu và tái bản năm 2015;
- Bắc cung hoàng hậu Lê Ngọc Hân thời ở Huế, Thuận Hóa 2014;
- Chùa Thiền Lâm – Ngôi chùa lịch sử, Thiền viện đầu tiên lớn nhất ở xưa Đàng Trong. Nxb Thuận Hóa 2017.
Vì sao biên soạn lăng mộ vua Quang Trung Địa Chí TTH không tham khảo sách nghiên cứu về lăng mộ vua Quang Trung do chính Nxb Thuận Hóa của tỉnh ấn hành?
- Phần Văn Hóa trong Địa Chí TTH ra đời năm 2020, tôi 83 tuổi, tuy mắt có bị mù một thời gian nhưng trí tuệ vẫn bình thường, ngòi bút phản biện và khám phá của tôi vẫn bình thường. Tôi vẫn sống sờ sờ giữa đất Huế này thế mà Nhóm làm Phần Văn hóa cho Địa Chí của UBND tỉnh xem như tôi đã chết ngang nhiên bỏ hết những thông tin về cung điện/lăng Đan Dương của vua Quang Trung trong các công trình nghiên cứu của tôi. Phải chăng đã có một thế lực nào đã thúc đẩy để họ dám chối bỏ sự thật một cách trắng trợn đến như thế? Hủy diệt thông tin về lăng mộ vua Quang Trung để làm gì? Theo lệnh ai? Tôi thật không hiểu.
- Huế từng là thành phố “bệ phóng nhân tài”, đã sản sinh ra Thiền sư Thích Nhất Hạnh, NS Trịnh Công Sơn, Thành phố Đại học Huế có thời nổi tiếng cả vùng Đông Nam Á, có nhiều nhân sĩ trí thức, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Huế tại sao UBND Tỉnh lại ủy thác cho một Nhóm người thiếu tâm và thiếu tầm biên soạn Địa Chí phần Văn Hóa của Tỉnh sắp được công nhận là thành phố di sản văn hóa tệ hại đến như thế?
- Năm 2019, tôi 82 tuổi, sức khỏe không tốt. Tôi sợ ra đi bất ngờ nên đã cùng gia đình anh Nguyễn Hữu Oánh và anh em Nhóm Nghiên cứu Đan Dương dựng nên Không gian lưu giữ dấu tích Cung điện Đan Dương-sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung ngay trong sân vườn nhà anh Oánh tại 9/17/120 Điện Biên Phủ, P. Trường An (gần chùa Vạn Phước) để lưu giữ hình ảnh, tài liệu, sách báo hiện vật bia biển có liên quan đến Cung điện/lăng Đan Dương. Tôi dựng cơ sở này để chẳng may tôi qua đời đột ngột tỉnh nhà còn có đủ tư liệu để xây dựng điểm di tích Cung điện/lăng Đan Dương để tưởng nhớ vua Quang Trung và khai thác du lịch. Hơn hai năm qua đã có nhiều đoàn khách đến nghiên cứu để biết và để khai thác du lịch.

Không gian lưu giữ dấu tích cung điện/lăng Đan Dương và khách tham quan
Con cháu họ Hồ Việt Nam (thăm dấu vết lăng mộ Hồ Thơm-tên gốc của Nguyễn Huệ Quang Trung, Hiệu trưởng ĐHKT TPHCM, Giám đốc Công ty Vietravel, con cháu các gia đình có người thân liên quan đến khu di tích Đan Dương. Lãnh đạo của Tỉnh và của Thành phố cũng đã đến thăm. Và hàng chục đoàn tham quan khác chỉ chủ nhà Nguyễn Hữu Oánh tiếp chứ tôi không gặp.
Có một lần được hướng dẫn cho ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh TTH thăm Khu vực Đan Dương và thăm Không gian lưu giữ dấu tích Đan Dương, tôi có trình bày với ông Chủ tịch:
- Tỉnh còn nghi ngờ gì về giá trị khoa học công trình nghiên cứu Đan Dương của tôi, Tỉnh hãy mời các nhà khoa học trên cả nước về Huế nghe tôi trình bày, Nếu công trình tôi sai, tôi sẵn sàng hủy bỏ… Tôi chờ Tỉnh lâu quá rồi!
Ông Chủ tịch Tỉnh TTH Phan Ngọc Thọ bảo tôi:
- Tổ chức trình bày làm gì nữa, Hội thảo khoa học rồi, khai quật thăm dò rồi, tôi đã biết rõ, Bây giờ có dựng hay là chưa thôi!
Hôm đó ông Chủ tịch Tỉnh được cán bộ quy hoạch vùng đồi sau lưng chùa Vạn Phước. Chỉ cho ông vùng đất có thể xây dựng Bảo tàng Quang Trung.

Hướng dẫn ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh TTH thăm Khu vực Đan Dương và thăm Không gian lưu giữ dấu tích Đan Dương,
Nhưng tôi không hiểu vì sao sau đó vẫn im lặng. Thay vào đó là sự ra đời Phần Văn hoá Địa Chí TTH xem như không có điều ông Chủ tịch nói và Không gian lưu giữ dấu tích Đan Dương của chúng tôi chỉ là chuyện tưởng tượng.(Không gian lưu giữ).

Địa Chí Thừa Thiên Huế-Phần Văn Hóa (2 tập) Nxb Thuận Hóa 2020
Bộ sách Phần Văn hóa của Địa Chí TTH 2 tập không có giá trị gì so với khối lượng sách về triều Nguyễn và Huế xưa của tôi, nhất là phần nghiên cứu về lăng mộ vua Quang Trung. Bộ sách đó không sớm thì muộn cùng phải giấu kín để khỏi mất uy tín của tỉnh. Nếu bộ sách đó của cá nhân hay của một nhóm nào đó chắc không bao giờ tôi phải dùng kính lúp đọc từng dòng để phản biện. Nhưng bộ sách được đóng logo Tủ sách Huế của tỉnh nên tôi phải động bút để cứu uy tín của lãnh đạo, của trí thức quê tôi.
Hủy diệt toàn bộ thông tin về Cung điện /lăng Đan Dương có thể xem như Địa Chí Văn hóa tỉnh TTH tiếp nối vua Gia Long hủy diệt dấu tích lăng mộ vua Quang Trung lần thứ hai. Vua Quang Trung có tội tình gì với tỉnh TTH mà bị trả thù một cách thâm độc đến như vây? Đây có phải là một tội ác đối với lịch sử Việt Nam không? Kinh mong Tỉnh TTH có một lời giải thích giữa thời điểm 230 năm (1792-2022) vua Quang Trung băng hà tại Huế.
Huế, 21-2-2022.
Nguyễn Đắc Xuân