TÂN NHẠC THỪA THIÊN HUẾ TRONG ĐỊA CHÍ CHƯA BIẾT ĐƯỢC NHỮNG GIÁ TRỊ ĐỈNH CAO CỦA TÂN NHẠC THỪA THIÊN HUẾ

Tân nhạc Thừa Thiên Huế được Địa Chí giới thiệu từ trang 423 đến trang 490, tôi không có điều kiện đọc hết 67 trang của phần Tân nhạc. Tôi chỉ đọc từ: “1. Sơ khảo về lịch sử hình thành của dòng Tân nhạc ở Thừa Thiên Huế” ở trang 423 đến 452. Tôi có những ý kiến sau:
Thứ nhất, phần nghiên cứu này đã giới thiệu được sự ra đời của Nhà xuất bản Tinh Hoa rất cần thiết;
Thứ hai, cũng lần đầu tiên tôi được biết âm nhạc Huế sau năm 1975 đã có 14 bài giao hưởng, hợp tấu thính phòng của 7 nhạc sĩ (trang 451) nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương, nhạc sĩ Văn Giảng, nhạc sĩ Việt Đức, nhạc sĩ Hà Sâm, nhạc sĩ Khắc Yên, nhạc sĩ Vĩnh Phúc, nhạc sĩ Tôn Thất Việt Hùng. Nhưng không biết những ai đã được nghe, đã được thấy những những giao hưởng, hợp tấu thính phòng này trong đời sống âm nhạc ở Huế chưa? Nếu chưa thì đưa vào Địa Chí làm gì?
Thứ ba, dẫn chứng nhiều nhạc sĩ phong trào nghiệp dư đặt ngang hàng với các nhạc sĩ tiêu biểu của Huế là không đúng. Những gì viết trong Địa Chí xem như những di sản phục vụ cho đời này và nhiều đời sau. Đưa những nhạc phẩm của nghiệp dư, phong trào vào Địa Chí, nhiều người hiện nay cũng không ai biết thì đời sau làm sao tìm được và tìm để làm gì?
Thứ tư, Trong danh sách nhạc sĩ tiêu biểu có giới thiệu các nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, Phạm Đình Chương nhưng thật lạ không hề đề cập đến nhạc sĩ Phạm Duy đồng nghiệp thân thiết của hai nhạc sĩ ấy!
Thứ năm, Địa chí viết Nguyễn Văn Thương là người tiên phong của nền tân nhạc Việt Nam tại Huế (tập 2, trang 427). Thật sự, Nguyễn Văn Tuyên ở Huế mới là người sáng tác bản Tân nhạc Việt Nam đầu tiên tại Huế vào năm 1938 (theo Phạm Duy). Tân nhạc Việt Nam xuất phát từ Huế là một vinh dự cho Huế trong lịch sử Tân nhạc Việt Nam. Địa chí TTH bỏ mất vinh dự này.
Nguyễn Văn Tuyên (1909-2009) người Huế sáng tác bản Tân nhạc đầu tiên ở Việt Nam

Nguyễn Văn Tuyên (1909-2009) người Huế sáng tác bản Tân nhạc đầu tiên ở Việt Nam

Thứ sáu, Địa Chí viết về Tân nhạc nhưng không biết cái đặc điểm làm say mê người Huế là những sáng tác theo âm giai ngũ cung lơ lớ trong âm nhạc truyền thống Huế. Các bài nhạc Về miền Trung, Nước non ngàn dặm ra đi của Phạm Duy, Đêm tàn Bến Ngự của Dương Thiệu Tước, Tiếng sông Hương của Phạm Đình Chương là những ca khúc bất hủ được viết theo âm giai ngũ cung lơ lớ của Huế. Những nhà nghiên cứu Địa Chí TTH hoàn toàn chưa quan tâm đến cái hồn Huế trong các nhạc phẩm ấy.

Với tinh thần phục vụ quê hương, với thời gian cho phép tôi gửi vào tài khoản âm nhạc Thừa Thiên Huế ba thông tin sau đây:
1. Nguyễn Văn Tuyên (1909-2009) – một người Huế sáng tác bản Tân nhạc đầu tiên ở Việt Nam.
Triều Nguyễn rất thích âm nhạc. Các nhạc công của Nam triều phần lớn xuất thân ở làng Dã Lê (Thượng và hạ) quê tôi. Ông nội tôi là cụ Nguyễn Đắc Tiêu (1879-1962) - Đội trưởng Đội Nhạc chánh Nam Triều. Đời vua Khải Định, ông nội tôi được đem hai người cháu là Nguyễn Đắc Vọng và Nguyễn Đình Thị (1905-1990) vào Đại nội học nhạc. Nguyễn Đắc Vọng dễ thương được vua Khải Định đưa vào làm Thị vệ săn sóc giấc ngủ cho vua (sau ông Vọng lên đến cấp Ngũ đẳng thị vệ). Nguyễn Đình Thị kéo đàn Nhị rất ngọt nên được vua Khải Định cho lên Kim Long học đàn vĩ cầm (Violon) với các Linh mục Thiên chúa Giáo. Sau đó Nguyễn Đình Thị là người chơi vĩ cầm đầu tiên ở Huế. Từ thời Bảo Đại ông được chơi vĩ cầm cho khách sạn Morin, rồi cho Đài Phát thanh Huế. Năm 1958 tôi được ở với ông tại 17 Nguyễn Công Trứ, học nhạc với ông. Qua đó tôi được nghe ông kể chuyện các nhạc sĩ, ca sĩ như Nguyễn Văn Tuyên, Lê Quang Nhạc, Nguyễn Hữu Ba, Ngô Ganh, Võ Truy, Tôn Thất Cảnh (chơi Violon), ca sĩ Hương Thủy .v.v. Nhưng tôi không nhớ rõ chuyện của từng người. Sau này có dịp nghe hát bài của những người ấy tôi mới nhớ lại đại khái thế thôi. Lớn lên được gần nhạc sĩ Phạm Duy tôi mới biết chuyện âm nhạc của Huế tôi. Phạm Duy bảo tôi: “Nguyễn Văn Tuyên là người Huế của em, ông là người sáng tác bản Tân nhạc đầu tiên ở Việt Nam. Ở Huế với Nam triều yêu thích âm nhạc dân tộc và đời sống của người Pháp chung quanh Tòa Khâm sứ thích nhạc Tây phương. Trong môi trường ấy mới sản sinh ra được những người nhiệt tình với âm nhạc như Nguyễn Văn Tuyên”.
Nguyễn Văn Tuyên - một thanh niên Huế có giọng hát hay, đã thử thách soạn mấy bài hát mới và được bạn bè hoan nghênh, rồi được thi sĩ Nguyễn Văn Cổn làm việc ở Radio Indochine giúp đỡ bằng cách đưa thơ cho Nguyễn Văn Tuyên phổ nhạc, hoặc soạn giúp lời ca cho những bản nhạc của Nguyễn Văn Tuyên. Sau nữa, Nguyễn Văn Cổn lại giới thiệu Nguyễn Văn Tuyên với Thống Đốc Nam Kỳ Pagès[1], xin trợ cấp để đi "diễn thuyết về âm nhạc cải cách" tại Huế, Hải Phòng, Hà Nội... Chính Nguyễn Văn Cổn là người đặt tên cho loại nhạc mới là "âm nhạc cải cách" (musique renovée).
Tháng 3 năm 1938, Nguyễn Văn Tuyên tới Hội Trí Tri ở Hà Nội và Hội Trí Tri ở Hải Phòng để "vận động cho âm nhạc cải cách". Ba bài được hát lên trong các buổi vận động này là: Bông cúc vàng, Anh hùng ca và Một kiếp hoa.
Vì cái giọng Huế của Nguyễn Văn Tuyên khó nghe đối với người ngoài Bắc cũng như trong Nam nên các cuộc vận động cho âm nhạc cải cách của ông bị hạn chế phần nào. Những bài nhạc ông mới lần đầu sáng tác không hay lắm nhưng đó là những bản Tân nhạc đầu tiên của lịch sử Tân nhạc Việt Nam. (Theo: Khái quát tân nhạc Việt Nam - Thời kỳ thành lập của Phạm Duy)
2. Nhạc sĩ Phạm Duy với Huế.
Địa Chí Văn Hóa Thừa Thiên Huế thiếu Phạm Duy giống như nấu chè mà không có đường. Tôi bổ sung phần thiếu quan trọng này của Địa Chí TTH bằng cách trích một đoạn trong bài “Nhạc sĩ Phạm Duy với Huế và Huế với Phạm Duy” do HS Đặng Mậu Tựu – Phó CT Hội NC&PT Di sản văn hóa Huế đọc trong lễ Kỷ niệm 100 năm sinh của nhạc sĩ Phạm Duy tại Nhạc viện Huế ngày 5-10-2021 sau đây:
Nhạc sĩ Phạm Duy, người đã gắn bó với Huế từ năm 1944, cho đến năm ông qua đời (2013), Huế đã có trong lòng Phạm Duy gần 70 năm. Trong hồ sơ nghiên cứu Huế cho chúng tôi biết nhạc sĩ Phạm Duy đã đến Huế nhiều lần và đã để lại cho kho tàng Tân nhạc Việt Nam nhiều nhạc phẩm quý. Chúng tôi xin nêu một vài sự kiện khi nhạc sĩ Phạm Duy đến Huế:
Lần thứ 1: Vào mùa xuân năm 1944, từ Hà Nội nhạc sĩ đến Huế với tư cách là một ca sĩ trong Gánh hát Đức Huy Charlot Miều. Gánh hát dừng chân tại rạp Tân Tân trước chợ Đông Ba. Lần đó, ông có dịp gặp kịch sĩ Vũ Đức Duy, nhạc sĩ Vĩnh Phan, ông Ngũ Đại (tức hoàng tử Vĩnh Trân, con trai của vua Thành Thái), nhạc sĩ Ngô Ganh, nhạc sĩ Văn Giảng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương v.v. Đêm đêm các bạn đưa ông xuống ngủ đò và nghe các cô Bích Liễu (phu nhân của Vĩnh Phan), cô Minh Mẫn ca Huế. Lần đầu tiên nhạc sĩ Phạm Duy bắt gặp được cái đẹp trong những câu hò, câu hát của Huế. Ông phát hiện ra âm giai ngũ cung lơ lớ của Huế. Về sau ông đã vận dụng dân nhạc Huế với âm giai ngũ cung vào các bài Chú Cuội, bài Tình nghèo và đặc biệt vào các ca khúc trong phần vào miền Trung của trường ca Con đường cái quan;
Nhạc sĩ Phạm Duy hồi ở Chiến khu Trị Thiên (1948)

Nhạc sĩ Phạm Duy hồi ở Chiến khu Trị Thiên (1948)

Rồi lần thứ 2: Sau Cách mạng Tháng 8, vào khoảng cuối tháng 10-1946, trên đường từ miền Nam ra Hà Nội, nhạc sĩ đã dừng chân tại Huế, gặp nữ ca sĩ Tuyết mới vào nghề (sau là ca sĩ Ngọc Cẩm phu nhân của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết). Ông đến Quán Nghệ Sĩ của ông bà Quốc Thành. Quán được họa sĩ Phạm Đăng Trí trang trí rất đẹp. Ở đây Phạm Duy cùng hát với Bùi Công Kỳ - một người bạn của nhạc sĩ Đặng Thế Phong. Gặp lại thi sĩ Lưu Trọng Lư và được mời về nhà nghe cô Tôn Nữ Thị Mừng (Lệ Minh) đánh đàn tranh. Phạm Duy phổ nhạc bài thơ Tiếng thu của Lưu Trọng Lư. Đêm về, nhạc sĩ được mời làm việc với các ông Tố Hữu, Hải Triều, Nguyễn Chí Thanh. Phạm Duy được mời hát ở Đài Phát thanh Huế với các bài Gươm tráng sĩ, Chiến sĩ vô danh, Xuất quân. Nhạc sĩ gặp Kiều Miên – một nữ sinh Trường Đồng Khánh rất kiều diễm hát bài Giọt mưa thu rất hay. Đặc biệt nhạc sĩ gặp một người con gái đẹp trên đường Nam Giao. Nàng được xem như một Mỵ Nương ở trần thế và nhạc sĩ được làm Trương Chi, để rồi mối tình đó đã để lại cho Huế một bài hát nổi tiếng Khối tình Trương Chi.
Lần thứ 3: Sau ngày toàn quốc kháng chiến hơn một năm, nhạc sĩ Phạm Duy hoạt động trong Đoàn Văn nghệ của Trung đoàn 304, ông cùng kịch sĩ Bửu Tiến, ca sĩ Ngọc Khanh, ca sĩ Vĩnh Cường (người vừa mất cách đây mấy năm) và một số đội viên khác tình nguyện vào chiến trường Bình Trị Thiên. Khi vào chiến khu Ba Lòng, nhạc sĩ gặp các ông Hà Văn Lâu, Hoàng Trọng Khanh. Nhạc sĩ được tổ chức đưa về Đại Lược ven sông Ô Lâu ở phía bắc Huế, rồi bí mật đưa vô hát ở cầu ngói Thanh Toàn huyện Hương Thủy. Có hôm nhạc sĩ được đưa lên đến vùng ven Huế ở cầu Ông Thượng thuộc làng Lại Thế sát làng Vỹ Dạ. Chuyến đi lịch sử này đã giúp ông sáng tác được ba bài nhạc bất hủ Bao giờ anh lấy được đồn Tây (sau này đổi thành Quê nghèo), Bà mẹ Gio Linh, và Về miền Trung. Nhờ ba bài nhạc này Phạm Duy không những được tiếng là một nhạc sĩ kháng chiến xuất sắc mà còn được “tình” của ca sĩ Thái Hằng – “bậc Á Thánh” của nhạc sĩ từ sau ngày ông đi Bình Trị Thiên về. Cảm hứng ông thu được trong chuyến đi Bình Trị Thiên năm 1948, ông dùng để sáng tác ba bài hát dẫn chứng trên, ngoài ra Phạm Duy còn có đủ để viết các bài Tình nghèo, Người về, Bà mẹ quê, đặc biệt là bài Mười hai lời ru viết về 12 bà mẹ đã bị giặc Pháp giết rất đau đớn. (Tiếc là bài này thất truyền);
Hè 1953 cảm xúc lần thứ tư, một đêm hè thơm tho gợi lên cảnh huyền ảo tuyệt vời của xứ Huế, ông viết bài Dạ Lai Hương để tặng hai người đẹp nổi tiếng Thu Vân và Dạ Thảo (cháu Đức Từ Cung) ở Huế.
Trên đây là những thông tin qua tư liệu và hồi ký của Phạm Duy.
Từ đầu những năm sáu mươi, như NNC Nguyễn Đắc Xuân viết trong Tự truyện từ Phú Xuân đến Huế (nxb Trẻ 2012), NNC được gần nhạc sĩ Phạm Duy trong hầu hết những lần nhạc sĩ ra Huế để giới thiệu trường ca Con đường cái quan với sinh viên Đại học Huế, giới thiệu Dân nhạc Việt phát triển với Huế, giới thiệu trường ca Mẹ Việt Nam, và nhạc sĩ đã sáng tác bài Tôi còn yêu tôi cứ yêu, hát Tâm ca, hát Tâm phẫn ca chống chiến tranh của Mỹ mà trong đó có một vài bài nhạc sĩ phổ thơ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh (Tôi ước mơ), thơ Thái Luân (Bi hài kịch), thơ của Tâm Hằng Nguyễn Đắc Xuân (bài Để lại cho em (Tâm Ca số 5), bài Nhân danh).v.v...
Những nhạc phẩm Phạm Duy đã sáng tác cho Huế, ngoài những bản chúng tôi vừa dẫn trên còn có những đoản khúc vào miền Trung phần lớn dành cho Huế trong Trường ca Con đường cái quan. Đoản khúc Nước non ngàn dặm ra đi rất nổi tiếng trong mọi thời kỳ. Nhiều đoản khúc trong Trường ca Mẹ Việt Nam phát triển từ ca nhạc truyền thống Huế. Phạm Duy cũng đã phổ nhạc bài Đây thôn Vỹ Dạ Hàn Mặc Tử. Sau ngày hồi hương (2005) nhạc sĩ Phạm Duy đã phổ nhạc 10 bài thơ của Bích Khê thành tập Dị khúc, trong đó có bài Huế đa tình. (Hội NC&PT Di sản văn hóa Huế, Huế với trăm năm sinh của NS Phạm Duy, Nxb Thuận Hóa, 2022, tr. 14-18).
Nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết

Nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết

3. Âm nhạc Thừa Thiên Huế phát triển trên đỉnh cao
Thừa Thiên Huế có Cố đô Huế của Triều đại quân chủ lớn nhất Việt Nam. Nhiều di sản văn hóa Huế đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Năm 2025 sắp tới Thừa Thiên Huế sẽ được công nhận là Thành phố di sản trực thuộc Trung ương. Vì thế những gì viết trong Địa Chí Thừa Thiên Huế phải ở tầm quốc gia quốc tế. Về âm nhạc, Tân nhạc Huế đã phát triển lên đến tầm thời đại. Ông Michael Lộc Phạm ở Hoa Kỳ - thành viên táng trợ của Hội NC&PT Di sản văn hóa Huế giới thiệu một nhạc sĩ Huế quốc tế sau đây:
COMPOSER “HOÀNG GIA” TÔN THẤT TIẾT, TỐT NGHIỆP Ở PHÁP. ÔNG NỔI TIẾNG QUỐC TẾ VÀ NHẤT LÀ NHẠC PHIM.
Michael Loc Pham (Hoa Kỳ), Hội NC&PT Di sản Văn hóa Huế.
Từ sau ngày Nhạc viện Huế hoàn thành Nhà hát Sông Hương, chúng tôi luôn nghĩ đến những di sản âm nhạc Huế gì xứng tầm để trình bày ở cái nhà hát to lớn hiện đại chưa từng có ấy. Các nhạc sĩ ca sĩ gốc Huế? Các nhạc sĩ Việt Nam đã phát triển truyền thống âm nhạc Huế thành công? Đã có nhà hát rồi, phải chăng Nhạc viện Huế cùng Hội NC&PT Di sản văn hóa Huế có một công trình về nội dung này ? Tiến sĩ Michael Loc Pham (Hoa Kỳ) đồng tình với ý kiến của chúng tôi, ông đã hưởng ứng bằng bài viết ngắn về nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết ở Pháp sau đây.
Tôn Thất Tiết tốt nghiệp ở Pháp. Ông nổi tiếng quốc tế và nhất là nhạc phim. Những nhà soạn nhạc (Composer) Việt Nam đóng góp vào nền âm nhạc thế giới bằng những tác phẩm mang “Màu sắc dân tộc” âm nhạc truyền thống. Bản sắc dân tộc và vấn đê toàn cầu hóa. Điều ngẫu nhiên ba soạn nhạc gia gốc Việt nổi tiếng lại từ ba miền đất Việt. Đó là Nguyễn Thiện Đạo của Thủ đô Hà Nội, Tôn Thất Tiết từ Cố đô Huế và PQ Phan Sinh Trương ở Hòn Ngọc Viễn Đông Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh). Trong xu hướng toàn cầu hoá nếu không giữ được bản sắc đặc thù của truyền thống văn hoá nước mình, quốc gia đó sẽ bị “vong thân” & “đồng hoá” bởi những nền văn hoá mạnh. Nhất là họ có sức mạnh về kinh tế nên có nhiều phương tiện thuận lợi để phổ biến văn hoá phẩm. Đó cũng là mối trăn trở của giới làm văn hoá Việt Nam. Trong đó có nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết xuất thân từ cố đô Huế. Riêng trong lãnh vực sáng tác những tác phẩm kinh điển về khí nhạc cũng như thanh nhạc, các nhà soạn nhạc vẫn ưu tư về vấn đề “làm sao hoà mình với thế giới mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc?”. Tôi đặc biệt chú ý đến ý kiến của Nguyễn Thiên Đạo, một soạn nhạc gia gốc Việt. Ông cho rằng: “.. Chúng ta cứ mạnh dạn tận dụng tất cả thủ pháp, kỹ thuật sáng tác hiện đại Âu Tây …Và tất cả các chức năng của các nhạc cụ Đông lẫn Tây phù hợp với tâm tưởng với đắm say ngây ngất của mình để sáng tạo một ngôn ngữ âm nhạc mang tinh thần dân tộc đích thực... Những nhà soan nhạc Á Đông phải học cả hai dòng nhạc chính thống đối nghịch (Theo nhất nguyên luận) để sáng tác một nền nhạc “Dân tộc đích thưc, nhân loại, tiên phong”. Có phải chăng đây là một con đường”. Cũng những ý nghĩ và hoài bão nói trên, soạn nhạc gia Tôn Thất Tiết đã dùng phương tiện phổ quát là những kỹ thuật âm nhạc Tây Phương để gửi gấm nhạc ngữ đặc thù của nhạc Cổ Truyền Việt Nam. Những tác phẩm của ông viết cho nhạc khí Tây Phương để diễn tấu theo hình thức hoà tấu khúc Tây Phương nhưng nội dung là nhạc Dân Tộc với những đề tài Âm Nhạc Việt Nam và Triết Học Đông Phương như: Tái Sinh, Ngũ Hành, Bát Nhã, Tứ Đại Cảnh... Tôi nhớ mãi câu nói của một Composer người Nhật, họ phải mất 100 năm mới có được những Composer học những kỹ thuật viết nhạc Tây Phương để nói lên những nét đặc thù của dân tộc Nhật & đóng góp vào nền Âm Nhạc Thế Giới. Tuy nhiên song song với nguồn âm nhạc mang màu sắc quốc tế này, họ vẫn có những Composers duy trì & bảo tồn nền âm nhạc cổ truyền rất nghiêm chỉnh. Theo tôi nghĩ người Việt Nam bắt đầu làm được việc này. Ngoài nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết, hiện nay ở Việt Nam nền nhạc Dân Tộc được quan tâm rất nghiêm chỉnh để đào tạo những nhà soạn nhạc vừa có căn bản Nhạc Cổ Truyền và được đào tạo kỹ thuật viết nhạc theo hình thức Tây Phương.
Một chút tiểu sử về Composer tài hoa Tôn Thất Tiết.
Ông sinh năm 1933 tại Huế, đi du học Pháp năm 1958 và tốt nghiệp về composition tại Conservatoire National Superieur de Musique et de Danse de Paris. Ông nổi tiếng tại Âu Châu và là một Composer có tác phẩm giá trị quốc tế. Ông viết rất nhiều tác phẩm âm nhạc với đề tài Triết Lý như “Ngũ Hành”, “Bát Nhã”, “Tái Sinh”, “Bóng Thời Gian”, “Đối Thoại Với Thiên Nhiên”...Đặc biệt nhất là những bộ phim của Đạo Diễn Trần Anh Hùng (Pháp) như “Mùi Đu Đủ Xanh”, “Cyclo”...& bộ phim của Đạo Diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh (Mỹ) như “Mùa Len Trâu”...
Những tác phẩm âm nhạc của ông đều có giá trị quốc tế. Thật là một niềm hãnh diện của người Việt Nam.
Compositeur soạn nhạc cho các bộ phim quốc tế về Việt Nam.

Compositeur soạn nhạc cho các bộ phim quốc tế về Việt Nam.

Nghe nhạc của Composer Tôn Thất Tiết 
1. Tác phẩm: “Incarnations Structurals
I & II
2. Tác phẩm “Prelude a un Dialogue” for 2 guitars.
3. Tác phẩm “Hope 267”
4. Tác phẩm “Chu Kỳ 1”
5. Tác phẩm “Horizon Nordique”
6. Tác phẩm “Hồi Ký Tôn Thất Thiết”
7. Tác phẩm “Metal Terre Eau” for solo violin.
8. Tác phẩm “Tứ Đại Cảnh” (Quatre Grans Paysages”)
9. VASCAM Concert, tác phẩm “Bao La”
10. Nhạc phim “The Cyclo”
11. Tác phẩm “Four pieces for Oboe & Piano”
12. Tác phẩm “Le Tombeau de Christian Larde”.
13. Tác phẩm “Le Couleur du Temps”
14. Tác phẩm “Jeu de cinq Elements”
TIN TỨC thêm về Composer Tôn Thất Tiết.
Tân nhạc Thừa Thiên Huế có Nhạc viên Huế, có các thiên tài âm nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Văn Thương và hàng chục nhạc sĩ tiểu biểu của Huế của cả nước và cả quốc tế đủ để đưa vào Địa Chính cho đời này và đời sau tìm hiểu, học tập, phát huy. Đủ để thế giới tìm đến để hiểu Tân nhạc/văn hóa Huế là gì. Khẩn cầu loại bỏ ngay những biểu hiện hạ thấp giá trị của Tân nhạc Thừa Thiên Huế. Nếu không, không những các nhạc sĩ tài năng đích thực bị xúc phạm mà giới trí thức Cố đô Huế cũng bị xem thường. UBND tỉnh nghĩ sao?
                                                           Huế ngày 9-2-2022
                                                          NGUYỄN ĐẮC XUÂN

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang