Kính thưa Hội nghị,
Hơn 3g30 phút qua, tôi đã được nghe các vị lãnh đạo đang chức và cả hưu trí của Trung tâm BTDT Cố đô Huế, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu thuyết trình về công việc trùng tu Điện Thái Hòa. Nhiều thông tin, nhiều ý kiến rất xác đáng, mởi mẻ, hấp dẫn. Nếu còn là thành viên Hội đồng khoa học và nghệ thuật của Trung Tâm như trước đây tôi cũng sẽ tham gia với hội nghị về những nội dung ấy. Nhưng hôm nay, tôi được mời với tư cách đại diện của Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản văn hóa Huế. Đây là một tổ chức của xã hội, của dân nên tôi xin phát biểu một số ý kiến từ góc độ xã hội.
Nguồn ảnh: VnExpress
Trước khi phát biểu ý kiến tôi đã chuẩn bị trước, tôi xin có một ý kiến nhỏ mà nhiều nhà nghiên cứu không thống nhất với nhau. Di tích Cố đô Huế đã có trên hai trăm năm. Điện Thái Hòa cũng thế. Trong hơn hai trăm năm đó trải qua nhiều đời vua , nhiều lần trùng tu tôn tạo. Tôi theo dõi suốt buổi sáng chưa thấy có sự thống nhất sắp tới SẼ trùng tu Điện Thái Hòa vào thời nào. Theo tôi thời điểm chính xác nhất là lúc vua Bảo Đại thoái vị ngày 30-8-1945 – ngày triều Nguyễn cáo chung, toàn bộ cơ sở của Kinh đô Huế trở thành di tích của Cố đô Huế. Di tích lúc đó lớn, nhỏ, chất liệu màu sắc như thế nào ta phải giữ nguyên và sau đó những chỗ hư hại cần phải trùng tu phải được thay thế theo bản gốc. Nhưng đến hôm nay sau sau 76 năm làm gì còn bản gốc thời Bảo Đại thoái vị để trùng tu ? Thế thì ta chon di tích vào thời điểm nào để trùng tu ? Theo tôi vào thời điểm Di tích triều Nguyễn trong đó có Điện Thái Hòa là di tích trung tâm được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Di sản Điện Thái Hòa được thế giới ghi chép xác nhận. Nếu bây giờ ta trùng tu khác đi thì không còn giá trị cổ mà thế giới đã công nhận.
Theo tôi, không những Điện Thái Hòa tất cả di tích triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận cũng nên được quan niệm như thế mỗi khi được trùng tu.
Và sau đây là ý kiến của tôi về việc TRÙNG TU ĐIỆN THÁI HÒA theo yêu cầu của Trung Tâm.
Nghiên cứu BÁO CÁO NGHIÊN CỨU KHẢ THI ĐẦU TƯ XÂY DỰNG DỰ ÁN BẢO TỒN , TU BỔ TỔNG THỂ DI TÍCH ĐIỆN THÁI HÒA (tài liệu A) và BÁO CÁO PHƯƠNG ÁN BẢO TỒN TỔNG THỂ DI TÍCH ĐIỆN THÁI HÒA (Tài liệu B) do TTBT Di tích Cố đô Huế (TT) gửi cho tôi.
1. Nhận xét đầu tiên của tôi là cả hai tài liệu được khảo sát, ghi chép, nhận định, đánh giá, tính toán công phu. Đặc biệt tài liệu A được chú ý từ những chi tiết rất nhỏ cho đến những sự việc rất lớn đều được khảo sát, đánh dấu vị trí trong tổng thể, nghiên cứu, đánh giá cụ thể. Tài liệu được minh họa bằng các bản vẽ, hình ảnh tổng thể, chi tiết mới cũ hết sức thuyết phục. Bộ tài liệu này không những phục vụ cho công việc bảo tồn ngày nay và cả những lần bảo tồn trong tương lai.
Sau khi lập đề án khảo sát, nghiên cứu, đánh giá sự xuống cấp hư hại, TTBT Di tích Cố đô Huế cảnh báo hiện trạng điện Thái Hòa như sau (Tài liệu A, tr.37):
“Hiện nay, di tích đang ngày càng xuống cấp một cách nghiêm trọng cả về mặt bảo tồn, kỹ thuật công trình, kỹ thuật hạ tầng và cảnh quan môi trường do nhiều nguyên nhân chủ quan va khách quan khác nhau.Đặc biệt sau ccơn bão cố 5 ngày 23 tháng 9 năm 2020, ở phía tây tường đầu hồi , bờ mái chính điện đã sụp đổ , các vị trí khác nứt gãy nghiêm trọng có nguy cơ sụp đổ bất cứ lú nào, đe doạn đến an toàn, sự bền vững của toàn bộ công trình. Do đó, công tác bảo tồn, tu bổ Tổng thể Di tích Điện Thái Hòa càng trở nên cấp bách”.
Trước hiện trạng đe dọa đến sự tồn vong của di sản thế giới này, TTBT Di tích Cố đô Huế không còn cách nào hơn là phải xin nhà nước đầu tư để Trung tâm có thể thực hiện được trách nhiệm “Bảo tồn di tích Cố đô” của Trung Tâm mà thôi (Tài liệu A, tr.37):
“Vì vậy, kính đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch , Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và các ban ngành chức năng của Bộ và Tỉnh nghiên cứu sớm xem xét phê duyệt Dự án góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích Điện Thái Hòa”.
Phải cứu vãn điện Thái Hòa. Không ai có thể nói không, nói khác.
Tôi chỉ có thể đề nghị: Điện Thái Hòa là di sản thế giới, phải chăng chúng ta nên báo với UNESCO để được giúp đỡ thêm.
2.Về trùng tu di tích Cố đô Huế,đặc biệt là Điện Thái Hòa, TT nên xem lại những lần trùng tu trước đây để phát huy những cái được và tránh những cái sai để đời. Vì sao độ bền của các đợt trùng tu trước rất ngắn. Điện Thái Hòa, điện Long An mới lợp đã bị dột. Theo tôi có ba vấn đề cần chú ý: vật liệu chuẩn, tay nghề trùng tu, ban giám sát. Một số di tích được trùng tu vừa qua như Đài Chiến sĩ trận vong (Monument aux Morts, trước trường Quốc Học), Trùng tu Hộ thành hào trước Kinh thành đều phạm cả ba điều trên. Việc trùng tu điện Thái Hòa Trung tâm nên công bố tất cả các vật liệu tốt nhất, tay nghề của các Công-ty thi công chuẩn, ban giám sát có chuyên môn, khách quan, ký kết chịu trách nhiệm bồi thường khi có những sai sót do thiếu giám sát.
3. Điện Thái Hòa tọa lạc ở trung tâm Đại Nội. Hằng ngày khách du lịch bốn biển năm Châu đều đi qua. Thời gian trùng tu khá dài. Do đó tôi đề nghị:
3.1. Ngoài những biện pháp bảo vệ cảnh quan môi trường mà Tài liệu A đã trình bày, tôi đề nghị những vật liệu che chắn phải đẹp, nghệ thuật để cho khách tham quan chụp hình khỏi phiền lòng vì sự tùy tiện của người chủ Đại Nội;
3.2. Cán bộ, thợ trùng tu làm việc trong khu vực đã được che chắn nhưng không thể không có nhiều người ra vào gặp khách du lịch. Do đó công nhân ngoài mũ, găng tay, giày áo quần công nhân có màu sắc phù hợp với Cố đô Huế. Màu sắc đẹp theo Phạm Đăng Trí là màu chàm (lam) và vàng.
Chỉ có vài ý kiến nhỏ xin góp với Trung Tâm.
Nhân cơ hội góp ý kiến với Trung Tâm về việc trùng tu Điện Thái Hòa, tôi góp thêm hai ý kiến nhỏ ngoài chủ đề hội nghị hôm nay kính mong Trung Tâm tham khảo.
1. Tham quan Đại nội Huế nhiều khách quốc tế và cả khách VN họ chỉ đến một lần thôi. Họ đến trong thời gian điện Thái Hòa bị che chắn để trùng tu trong vài ba năm nên họ sẽ bị thiệt thòi vì không tham quan được điện Thái Hòa. Do đó tôi đề nghị với tài liệu hình ảnh sẵn có, TT nên biên soạn ngay một cuốn sách đẹp về điện Thái Hòa để bán cho khách và các Cty Du lịch. Vừa thỏa mãn được sự cần thiết của khách, vừa tuyên truyền cho Điện Thái Hòa và chắc chắn sẽ có thêm một thu nhập không nhỏ cho Trung Tân;
2. Di tích/di sản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận 28 (1993-2021) năm rồi. Mãi cho đến nay TT vẫn còn thuê thợ bên ngoài trùng tu tôn tạo di tích của Cố đô Huế. Việc thuê thợ bên ngoài (dù mang danh của Bộ này, Hội no của Trung ương) đã để lại nhiều sưẹ việc không hay cho đến nay vẫn chưa khắc phục được. Đã nhiều lần tôi đề nghị với lãnh đạo TT nên có một Công-ty xây dựng trùng tu di tích Cố đô Huế riêng của Cố đô Huế. Lập Công-ty này sẽ có được những cái lợi:
2.1. Tận dụng được đội ngũ chuyên viên của TT đã học được kinh nghiệm của Ba Lan, Nhật Bản, Đức, Pháp.v.v.và cả Hà Nội VN nữa trong mấy chục năm qua;
2.2. Tận dụng được tài năng, trí tuệ và tình yêu Huế của kiến trúc sư, của kỹ sư xây dựng, của người thợ Huế (Ông Nguyễn Văn Khả thời vua Khải Định đã thành công trong cách làm nầy);
2.3. Công-ty của Cố đô Huế, người Huế thực hiện có thể vận động quốc gia, quốc tế giúp đỡ phương tiện, kỹ thuật xây dựng trùng tân tiến. Tổ chức không phải của Huế khó có được sự giúp đỡ này;
2.4. Người thợ Huế trong Công-ty sẽ được giáo dục niềm tự hào về Huế, trách nhiệm với Huế, họ và gia đình họ có sự gắn bó với các công trình họ đã tham gia xây dựng trùng tu, tình yêu Huế không ngừng phát triển. Qua quá trình xây dựng trùng tu sẽ xuất hiện những người lành nghề, cha truyền con nối như các thế hệ cha ông chúng ta ở Huế. Nếu là Công-ty của người ngoài không thể có được sự nối nghiêp ấy ở Huế.
2.5. Công-ty Xây dựng Trùng tu di tích Cố đô Huế thể hiện trường phái xây dựng trùng tu di tích Cố đô Huế, Công-ty ra đời là có thương hiệu ngay. Công-ty đảm trách công việc của Cố đô Huế và chắc chắn nhiều địa phương đang phục hồi di tích sẽ đặt hàng Công-ty không dám nhận hết;
26. Góp phần làm cho Huế ngày thêm đẹp và giáu.
Tại sao không?
Huế, 23/01/2021
Nguyễn Đắc Xuân,
Chủ tịch Hội Nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa Huế