VÌ SAO ĐỊA CHÍ TTH KHÔNG VIẾT BA CỔ TỰ LỊCH SỬ KIM TIÊN, THIỀN LÂM, VẠN PHƯỚC ?

       Chương XII Di tích lịch sử văn hóa (tr.612 đến 888) có 8 mục, tôi đọc 4 mục sau đây:
III. Di tích thời chúa nguyễn (tr.669 đên 691);
IV. Di tích thời Tây Sơn (tr.692-710)
V.Di tích thời Nguyễn (711 đên 806),
VI. Danh lam thắng cảnh… (807- 886)
. Tôi xin bình luận mục VI trước.
*
* *
        TTH có Cố đô Huế, trải qua trên 700 năm, người đời nay nói đến TTH giới am hiểu biết có 4 nội dung chủ chốt: Phật giáo Thuận Hóa Phú Xuân - Triều đại Nguyễn Huệ/Quang Trung – 9 đời chúa 13 đời vua Nguyễn và Thời hiện đại với Thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế. Trong 4 nội dung đó Phật giáo Thuận Hóa Phú Xuân là quan trọng nhất. Bởi vì Phật giáo bền vững, chấn hưng phát triển nhanh hay chậm chứ không hề đứt gãy, ảnh hưởng đến tất cả các triều đại, chế độ diễn ra trên đất Thuận Hóa Phú Xuân, ảnh hưởng đến cả miền Nam VN, phát triển ra cả thế giới (hệ phái Thiền Chánh niệm), ảnh hưởng đến đời sống xã hội, là một nguồn tài nguyên du lịch tâm linh phong phú, không ngừng phát triển. Năm 1963 cuộc vận động đòi Chính phủ thân Thiên chúa giáo Ngô Đình Diệm thực hiện 5 nguyện vọng chứng tỏ tỉnh TTH là Tỉnh Phật giáo. Tỉnh Phật giáo đó ngày nay đã có hàng trăm ngôi chùa.
      Sách Đại Nam Nhất Thống Chí Tập Kinh sư và tập Thừa Thiên Phủ của triều Nguyễn ra đời năm 1914 đã ghi 38 chùa:
(Sắp theo vần ABC)
CHÙA BÁC VỌNG,(Tập Thượng, tr. 92)
CHÙA BẢO-LÂM, (Tập Thượng, tr.90)
CHÙA BÁO-QUỐC,(Tập Thượng, tr. 86)
CHÙA BẢO-SƠN, (Tập Thượng, tr. 86)
CHÙA DIÊN-THỌ, (Tập Thượng, tr. 86)
CHÙA DIỆU ĐẾ, (Kinh sư, tr.87)
CHÙA ĐÔNG-THIỀN, (Tập Thượng, tr. 88)
CHÙA ĐỨC-SƠN , (Tập Thượng, tr. 90)
CHÙA HÀ-TRUNG, (Tập Thượng, tr. 90)
CHÙA HOÀNG-GIÁC, (Tập Thượng, tr. 92)
CHÙA GIÁC-HOÀNG, (Kinh sư, tr.87)
CHÙA KHÁNH-VÂN,(Tập Thượng, tr. 85)
CHÙA KHÁNH-SƠN (Tập Thượng, tr. 90)
CHÙA KIM-QUANG, (Tập Thượng, tr. 89)
CHÙA KIM-TIÊN , (Tập Thượng, tr. 86)
CHÙA KỲ-VIÊN, (Tập Thượng, tr. 89)
CHÙA LINH-GIÁC, (Tập Thượng, tr. 89)
CHÙA LONG QUANG, (Kinh sư, tr.89)
CHÙA NGHI-GIANG, (Tập Thượng,tr. 91)
CHÙA PHÁP-VÕ, (Tập Thượng,tr. 90)
CHÙA PHỔ-QUANG, (Tập Thượng, tr. 88)
CHÙA PHÚ-ỐC, (Tập Thượng, tr. 85)
CHÙA QUANG-BẢO, (Tập Thượng, tr. 85)
CHÙA QUANG-ĐỨC, (Tập Thượng, tr. 85)
CHÙA QUẢNG-TẾ, (Tập Thượng, tr. 90)
CHÙA QUỐC-ÂN, (Tập Thượng, tr. 87)
CHÙA SƠN-TÒNG, (Tập Thượng, tr. 91)
CHÙA SÙNG-HÓA, (Tập Thượng, tr. 90)
CHÙA THÁNH DUYÊN, (Kinh sư, tr. 90)
CHÙA THIÊN-ẤN, (Tập Thượng, tr. 85)
CHÙA THIÊN-HÒA, (Tập Thượng, tr. 89)
CHÙA THIỀN-LÂM, (Tập Thượng, tr. 88)
CHÙA THIÊN MỤ, (Kinh sư, tr.88)
CHÙA THIÊN-THAI-NỘI, (Tập Thượng, tr. 89)
CHÙA THIỆU-LONG GIÁO-CHỦ, (Tập Thượng, tr. 90)
CHÙA TỊNH-ĐỘ, (Tập Thượng, tr.)
CHÙA TỪ-ĐÀM, (Tập Thượng, tr. 88)
CHÙA TỪ-HIẾU , (Tập Thượng, tr. 89)
CHÙA TỪ-LÂM, (Tập Thượng, tr. 90)
CHÙA TUỆ-LÂM,(Tập Thượng, tr. 87)
CHÙA TUỆ VŨ,(Tập Thượng, tr. 92)
CHÙA TƯỜNG-VÂN, (Tập Thượng, tr. 89)
CHÙA ƯU-ĐÀM, (Tập Thượng, tr. 93)
CHÙA VIÊN-GIÁC, (Tập Thượng, tr. 88)
CHÙA VIÊN-THÔNG, (Tập Thượng, tr. 88)
        Sách Việt Nam Danh Lam Cổ Tự của Võ Văn Tường, Nxb Khoa Học Xã Hội Hà Nội 1992 viết 16 chùa: Thiên Mụ (1), Thánh Duyên (2),Diệu Đế (3), Quốc Ân (4), Báo Quốc (5), Từ Đàm (6), Thuyền Tôn (7), Đông Thuyền (8), Từ Hiếu (9), Tường Vân (10), Vạn Phước (11), Ba La Mật (12), Tây Thiên (13), Trúc Lâm (14). Trà Am (15), Diệu Đức (16), Mỗi chùa có ít nhất từ 2 đến 5 ảnh màu.
        Sách song ngữ Việt Anh Danh Lam Xứ Huế của Trần Đại Vinh, Nguyễn Hữu Thông và Lê Văn Sắc, Nxb Hội Nhà Văn Việt Nam HN 1993, viết 28 chùa: Thiên Mụ (1), Bảo Quốc (2), Quốc Ân (3), Từ Đàm (4), Thánh Duyên (5), Kim Tiên (6), Viên Thông (7), Thuyền Tôn (8), Kim Sơn (9), Hà Trung (10), Từ Lâm (11), Thiền Lâm (12), Khánh Vân (13) Đông Thuyền (14) Phước Thanh (15), Quảng Tế (16) Thiên Hưng (17), Linh Quang (18),Diệu Đế (19), Từ Hiếu (20), Tường Vân (21),Kim Quang (22), Ba La Mật (23), Tây Thiên (24), Trúc Lâm (25) Trà Am (26), Diệu Viên (27), Diệu Đức (28). 
        Địa Chí TTH chỉ viết 12 ngôi chùa Huế: chùa Thiên Mụ (1), chùa Thánh Duyên (2), chùa Diệu Đế (3), chùa Quốc Ân (4), chùa Từ Đàm (5), chùa Viên Viên Thông, (6) chùa Thuyền Tôn (7), chùa, chùa Bảo Quốc (8), chùa Từ Hiếu (9), chùa Tường Vân (10), chùa Tây Thiên (11), chùa Trúc Lâm (12).
Chùa Kim Tiên, ảnh trích từ Danh Lam Xứ Huế của Trần Đại Vinh, Nguyễn Hữu Thông và Lê Văn Sách

Chùa Kim Tiên, ảnh trích từ Danh Lam Xứ Huế của Trần Đại Vinh, Nguyễn Hữu Thông và Lê Văn Sách

         Đại Nam Nhất Thống Chí xuất bản thời Duy Tân (1914) TTH có đến 38 ngôi chùa. Chứng tỏ thời Nguyễn Phật giáo TTH phát triển mạnh, có thể viết TTH là một tỉnh Phật giáo. .
         Việt Nam Danh Lam Cổ Tự của của Võ Văn Tường một cuốn sách ca ngợi về nét đẹp của chùa Huế xuất bản trước Địa Chí TTH đến 20 năm, đã viết nhiều hơn Địa Chí TTH 4 chùa;
          Đặc biệt Sách song ngữ Việt Anh Danh Lam Xứ Huế đã xuất bản trước Địa Chí TT gần 20 năm cũng đã viết nhiều hơn Địa Chí TTH đến 16 chùa. Cuốn nầy song ngữ Việt Anh và được giải thưởng toàn quốc.
         So với số chùa trong các sách nêu trên Địa Chí TTH đã không viết chùa 16 sau đây:
       Kim Tiên (1), Thiền Lâm (2), Vạn Phước (3), Kim Sơn (4), Hà Trung (5), Từ Lâm (6) Đông Thuyền (7) Phước Thanh (8), Quảng Tế (9) Thiên Hưng (10), Linh Quang (11), Kim Quang (12), Ba La Mật (13), Trà Am (14), Diệu Viên (15), Diệu Đức (16).
        Với thực tế chùa và Ni viện ở khắp tỉnh TTH lên đến hàng trăm, không hiểu vì sao Địa Chí TTH chỉ viết có 12 chùa (!).
        Điều khó hiểu nhất là hai chùa Kim Tiên, Thiền Lâm, đều ở ấp Bình An gần chùa Từ Đâm mà Địa Chỉ TTH chỉ viết chùa Từ Đàm mà bỏ qua hai ngôi chùa kia. Tôi trích lịch sử ba chùa Kim Tiên, Từ Đàm và Thiền Lâm trong Đại Nam Nhất Thống Chí để thấy ba ngôi chùa ấy có lịch sử cùng thời quan trọng không thua gì nhau:
- Kim Tiên: ” Ở ấp Bình-An. Tương-truyền chùa này do Hòa-thượng Bích-Phong làm ra, đời vua Thế-Tôn bản triều trùng tu, sơn thếp xanh vàng rực rỡ, trước dựng lầu Vọng-Tiện, qui chế tráng lệ. Sau gặp nạn binh-hỏa bỏ hoang phế nay người trong ấp nhân theo nền cũ làm lại; trước chùa có giếng xưa sâu hơn 30 thước, nước rất trong sạch. Tương truyền xưa có tiên-nữ ban đêm tắm ở giếng ấy, nên cũng có tên là giếng tiên.(Thừa Thiên Phủ,Tập Thượng,tr. 86)
- Từ Đàm: “Ở ấp Bình-An. Tương truyền do Tử-Thông Hòa-thượng xây cất, xưa tên là chùa Ấn-Tôn, nay vẫn còn. (Thừa Thiên Phủ,Tập Thượng,tr. 88)
- Thiền Lâm: “Xã An-Cựu. Tương truyền Hòa-thượng Thạch-Liêm lập lên, cảnh trí u tịch. Khi trước Thái-sư Tây-Sơn là Bùi-Đắc-Tuyên chiếm ở, sau Tuyên bại, người trong ấp nhân đó sửa lợp lại. Trong niên hiệu Gia-Long, Thừa-Thiên Cao-Hoàng-Hậu quyên tiền trùng tu, nay lần hư hỏng chỉ còn chùa chính. Bên tả chùa có 1 cái chuông đồng lớn cao 4 thước, lưng tròn 6 thước, dày 4 tấc, ở bên có khắc chữ: đúc năm Vĩnh-Thạnh 12 (1716), Vĩnh-Thạhn tức là niên hiệu vua Lê-Dụ-Tôn vậy. Đầu niên hiệu Gia-Long dẹ xong Bắc-Thành chở về đăng vào kho, sau sửa chùa xong, dời đem lên chùa.
(Thừa Thiên Phủ,Tập Thượng, tr. 88)
        Trong công trình nghiên cứu Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn tiền thân của Cung điện/lăng Đan Dương của Hoàng đế Quang Trung ở Huế (Nxb Văn hóa-Văn nghệ TP HCM, 2017), tôi đã khám phá Ngọc Hân Công chúa Bắc cung Hoàng hậu của vua Quang Trung từng ở trong chùa Kim Tiên, bà đã sáng tác tác phẩm bất hủ Ai Tư Vãn ở đây. Hiện nay chùa Kim Tiên đang thờ bà.
        Về chùa Thiền Lâm, tôi đã chứng minh: Buổi đầu Thiền Lâm là một ngôi chùa nhỏ của Phủ Dương Xuân. Về sau chúa Nguyễn Phúc Chu mời HT Thích Đại Sán qua hoằng dương Phật giáo ở Phú Xuân, chùa Thiền Lâm được xây dựng thành một một ngôi đại tự, có thể tổ chức những khóa tu cho hàng ngàn người tham dự. Tất cả những hoạt động đó đã được Thích Đại Sán viết trong Hải Ngoại Kỷ Sự. Ngôi chùa Việt đầu tiên được người nước ngoài viết một cách sinh động chính xác. Thời Quang Toản Cung điện Đan Dương đã trở thành lăng Đan Dương, triều Quang Toản dưới trướng Thái sư Bùi Đắc Tuyên họp triều chính ở chùa Thiền Lâm. Năm 1800, Nguyễn Ánh đánh đuổi được Quang Toản, lấy lại Phú Xuân, hủy diệt lăng Đan Dương và chùa Thiền Lâm chôn sâu dưới đất. Thừa Thiên Cao hoàng hậu trùng u chùa Thiền Lâm như Đại Nam Nhất Thống Chí đã viết.
HT Thích Đại Sán hoằng dương Phật giáo ở tại chùa Thiền Lâm và sách Hải Ngoại Kỷ Sự

HT Thích Đại Sán hoằng dương Phật giáo ở tại chùa Thiền Lâm và sách Hải Ngoại Kỷ Sự

        Những khám phá chứng minh của tôi về chùa Thiền Lâm đã được GS Pham Huy Lê chủ trì Hội thảo khoa học Cung điện Đan Dương Thời Tây Sơn ở Huế ngày 30-10-2015, tại UBND tỉnh TTH, kết luận hoàn toàn đúng. Tôi đã xuất bản cuốn “Thiền Lâm ngôi chùa lịch sử -Thiền viện đầu tiên lớn nhất ở Xứ Đàng Trong, Nxb Thuận Hóa 2017.
        Điều khó hiểu là các Hội nghị, Hội thảo về Cung điện Đan Dương-chùa Thiền Lâm đều có sự tham gia của NNC Trần Đại Vinh. Trong Hội thảo ngày 30-10-2015 tôi giải thích thời Tự Đức biên soạn Đai Nam Nhất Thống Chí viết chùa Thiền Lâm cùng ở ấp Bình An với chùa Kim Tiên và chùa Từ Đàm. Nhưng bản thảo không được xuất bản. Đến đời Duy Tân, nếu để chùa Thiền Lâm ở vị trí cũ ấp Bình Anh thì người đời sau từ chùa Thiền Lâm có thể tìm được vị trí của Cung điện Đan Dương đã bị hủy diệt. Do đó các sử thần triều Nguyễn đã chuyển vị trí chùa qua xã An Cựu để không còn ai tìm được nơi tọa lạc của chùa Thiền Lâm nữa. Và như thế không ai có thể tìm được dấu vết cũ của lăng Đan Dương. Nghiên cứu Thiền Lâm tôi phải mất ba năm mới phục hồi lại được vị trí trên đường Điện Biên Phủ ngày nay. NNC Trần Đại Vinh đã phản biện: “ Do các sử thần triều Nguyễn viết nhầm ấp Bình An thành xã An Cựu chứ không phải cố tình chuyển vị trí chùa Thiền Lâm qua xã An Cựu để giấu chuyện lăng Đan Dương đâu”. Tôi đã phản biện lại chứng minh Trần Đại Vinh nói ẩu.
         Điều lạ hơn nữa, như tôi trình bày trên, NNC Trần Đại Vinh là một trong ba tác giả viết sách song ngữ Việt Anh Danh Lam Xứ Huế, viết rất đầy đủ về chùa Kim Tiên, chùa Thiền Lâm, vì sao gần 20 năm sau Trần Đại Vinh Chủ biên công trình Địa Chí TTH phần văn hóa thì không viết gì về hai chùa Kim Tiền và Thiền Lâm ? Kính mong UBND TTH – Chủ công trình Địa Chí TTH, hỏi Trần Đại Vinh giúp tôi.
         Về chùa Vạn Phước, Địa Chí TTH cũng không viết gì. Nơi chùa Vạn Phước tọa lạc ngày nay là một khu đất cấm suốt thế kỷ XIX. Đầu thế kỷ XX, ông Nguyễn Đình Hòe là một vị quan lớn có thế lực ở Nam triều và chính quyền Bảo hộ vào được vùng đất cấm đó làm nơi tĩnh dưỡng cho gia đình. Sau đó chùa Vạn Phước được khai sơn nhờ sự bảo trọ của ông Nguyễn Đình Hòe. Do đó buổi đầu người ta xem Vạn Phước như chùa của gia đình Nguyễn Đình Hòe. Về sau các họ lớn ở Huế như họ Thân Trọng cũng được thờ ở Vạn Phước. Gắn bó sâu nặng nhất với chùa Vạn Phước là học giả Phạm Quỳnh. Phần lớn đệ tử chùa Vạn Phước là gia đình các quan chức lớn qua các thời kỳ ở Huế. Vạn Phước một điểm du lịch tâm linh của Huế.
         Thực hiện Công trình đi tìm lăng mộ vua Quang Trung (từ năm 1988) tôi đã chứng minh được rằng nơi tọa lạc Vạn Phước hiện nay nguyên là nền đất Phủ Dương Xuân-nơi các chúa Nguyễn đã lập nên để sống vào những tháng cuối năm mưa bão ở Huế. Theo P.Poivre đây là Phủ Trên quan trọng xếp thứ hai sau Đô thành Phú Xuân. Năm 1786, Nguyễn Huệ chiếm Phú Xuân, ông không ở trong Đô thành xây dựng thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát mà chiếm Phủ Dương Xuân dinh. Vì các lý do: Sống xa sông Hương để tránh thủy quân của đối phương, cảnh quan rừng rú thích hợp đối với đội quân phần lớn là người Thượng của ông, đặc biệt nhất là Phủ Dương Xuân nối liền với đường Thượng đạo huyết mạch của Phong trào Tây Sơn lúc bấy giờ. Sau khi lên ngôi tiến quân đánh thắng 29 vạn quân Thanh ở Hà Nội, Quang Trung về Huế sửa sang, nâng cấp cơ sở Phủ Dương Xuân lên thành Cung điện Đan Dương. Năm 1792 vua Quang Trung mất, để giữ bí mật triều Quang Toản táng thi hài vua Quang Trung ngay trong Cung điện Đan Dương. Từ đó cung điện Đan Dương trở thành lăng Đan Dương. Tám năm sau (1800), Nguyễn Ánh về Phú Xuân, xem khu vực lăng Đan Dương là “loạn”, vì “chín đời mà trả thù”, Nguyễn Ánh (sau đó lên ngôi là vua Gia Long) đã phá hủy hoàn toàn khu vực Cung điện Đan Dương. Đặt tên cho khu vực có “loạn” thành ấp Bình An, giống như đổi Qui Nhơn thành Bình Định vậy. Cấm dân chúng không được đến đây. Mãi cho đến đầu thế kỷ XX, Đại thần Nguyễn Đình Hóe đến, dân chúng lần lượt theo sau. Những họ hàng đến đầu tiên hiện nay còn có họ Nguyễn Hữu với ông Nguyễn Hữu Oánh.
        PS. Phủ Dương Xuân xưa lập ra chùa Thiền Lâm để cho Hoàng gia tu tập vào mùa mưa lụt. Sau đó chúa Nguyễn Phúc Chu mời Thích Đại Sán qua Thuận Hóa Phú Xuân hoằng dương Phật giáo, chùa Thiền Lâm được phát triển thành một Đại tùng lâm có đủ không gian cho hàng ngàn người dự các khóa tu. Hoàng gia không tiện ra Thiền Lâm. Do đó chúa cho xây một Giác Vương Nội viện ngay trong Phủ dành cho Hoàng gia. Đầu thế kỷ XIX, cung điện Đan Dương hậu thân của Phủ Dương Xuân bị hủy diệt, Giác Vương Nội viện cùng chung số phận. Đến thời Minh Mạng, Thái trưởng Công chúa Ngọc Nghiên (con gái vua Gia Long và bà Ngọc Bình) trùng tu Giác Vương Nội Viện trên đất cũ, tránh nhắc lại chuyện cũ đã cấm ngặt, nên lấy tên mới là chùa Tuệ Tuệ Lâm. Sách Đại Nam Nhất Thống chí viết như sau:
“Chùa Tuệ Lâm.Ở ấp Bình-A. Chùa ở trên gò, có khe nước chảy quanh, cảnh trí cũng đẹp, do bà Yên-Mỹ Thái-Trưởng Công-Chúa Ngọc-Nghiên Tiền-Triều trùng tu trong niên hiệu Minh-Mạng. (Thừa Thiên Phủ,Tập Thượng, tr. 87).
Tư liệu gốc về Giác Vương Nội viện trong Hải Ngoại Kỷ

Tư liệu gốc về Giác Vương Nội viện trong Hải Ngoại Kỷ

        Nếu không biết câu chuyện trên thì người đọc Đại Nam Nhất Thống chí sẽ hỏi “ Chùa Tuệ Lâm xây dựng từ khi nào, hư hại ra sao để được Thái trưởng Công chúa Ngọc Nghiên trùng tu ?.
        Khu vực ấp Bình An có chùa Vạn Phước với bao nhiêu chuyện bí ẩn thú vị nếu được xây dựng một bảo tàng Quang Trung gần đó chùa Vạn Phước sẽ là một điểm tham quan du lịch tâm linh lịch sử hấp dẫn không thua gì các điểm tham quan du lịch của triều Nguyễn đã có.
*
* *
       TTH là một tỉnh Phật giáo với hàng trăm ngôi chùa, Ni viện, các sách viết về chùa Huế ít nhất cũng đã viết vài ba chục chùa, Địa Chí TTH mà chỉ viết 12 chùa là quá thiếu. Sự thiếu đó có thể bổ sung dễ dàng. Nhưng có điều không thể hiểu nổi là cả ba ngôi chùa bậc nhất liên quan đến lịch sử TTH là Thiền Lâm, Kim Tiên, Vạn Phước thì không hề được Địa Chí TT nhắc đến? Phải chăng có một ẩn ý bất chính núp sau sự thiếu sót này không? Nếu không làm rõ ẩn ý đó sẽ liên quan đên nhiều ẩn ý khác nghiêm trong hơn.
Huế, Rằm Tháng Giêng năm Nhâm Dần 2022.
N.Đ.X.

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang