XIN GIẤU PHẦN VĂN HÓA TRONG ĐỊA CHÍ THỪA THIÊN HUẾ- ĐỂ CỨU VÃN VĂN HÓA VÀ TRÍ THỨC HUẾ

        Địa chí là tập đại thành của một địa phương.
        Sách địa chí là sách gì?
        Thứ nhất: Người cầm bút thì không lạ, nhưng độc giả ngay cả cán bộ văn hóa cũng còn nhiều người chưa hiểu rõ sách Địa chí là sách gì.
        Từ Điển Bách Khoa Việt Nam tập 1 giải nghĩa:
       “Địa chí là loại sách ngày xưa ghi chép biên soạn về địa dư, phong tục tập quán, nhân vật, sản vật hoặc giới thiệu địa ý, địa lý lịch sử, văn hóa của một địa phương, vd “Dư địa chí” (1435) của Nguyễn Trãi. Thời Nguyễn có Đại Nam Nhất Thống Chí. Ngày nay địa chí được hiểu rộng ra là sách chuyên khảo về địa lý, lịch sử, kinh tế, văn hóa của một địa phương (làng, xã, huyện thành phố. Vd như Địa Chí Thành phố Hồ Chí Minh”.
        Địa chí là sách tra cứu của ngành văn hóa, giáo dục, của đời này và các đời sau, của người trong địa phương, ngoài địa phương và của cả người nước ngoài muốn biết địa phương đó nữa. Do đó muốn có thông tin để biên soạn địa chí đòi hỏi phải điều tra, thống kê, sưu tập tư liệu, hình ảnh, hiện vật, con người trong quá trình lịch sử từ buổi sơ khai cho đến hiện tại ở địa phương. Tiêu chí tuyển chọn khoa học, phải được các ngành chức năng của địa phương và cả của cấp trên phê duyệt. Người biên soạn không những có chuyên môn, có tài mà còn phải có tâm. Sách địa chí mà thiếu, sai sẽ dẫn đến các sai lầm tai hại của các công trình khác khi họ tra cứu tài liệu địa chí của chính quyền địa phương đó.
        Thứ hai: Tỉnh TTH lập Tủ sách Huế và biên soạn Địa Chí TTH: “Ngày 04 tháng 10 năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 63/2021/QĐ-UBND ban hành Quy định xây dựng, quản lý và khai thác Tủ sách Huế, Tủ sách Huế điện tử. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 10 năm 2021”.
Và, Tỉnh Thừa Thiên Huế nói rõ về việc biên soạn bộ Địa chí Thừa Thiên: “Địa chí Thừa Thiên Huế là một công trình khoa học, mục đích chính là cung cấp cho người đọc những nguồn tư liệu có độ tin cậy cao, trình bày có hệ thống để tham khảo, tra cứu, nhất là cung cấp cho người đọc những hiểu biết tổng quát, xác thực về các đặc điểm của vùng đất và con người Thừa Thiên Huế; hiểu rõ công lao, trí tuệ của cha ông, qua đó thêm yêu quý tự hào về vùng đất này và đóng góp xây dựng Thừa Thiên Huế một bộ phận máu thịt của Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu mạnh. Với quan niệm đó, Địa chí Thừa Thiên Huế được biên soạn dưới hình thức địa chí tổng hợp, phân thành nhiều phần: Tự nhiên, Lịch sử, Dân cư và Hành chính, Kinh tế, Văn hóa”.
        Sách Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Văn hóa gồm 2 tập, do NNC Trần Đại Vinh chủ biên, với sự tham gia của 18 nhà nghiên cứu ở Huế. Công trình được thực hiện từ tháng 6 năm 2014, Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2020.
Tất cả thông tin ở Phần thứ hai này tôi mới biết đây. Việc Tỉnh chủ trương biên soạn Địa Chí TTH, giao cho NNC Trần Đại Vinh chủ biên, việc thiết kế nội dung, biên soạn, nghiệm thu công trình và in ấn tổ chức ra mắt tôi không được hân hạnh biết. Bất ngờ vào ngày 28-9-2021, tôi và HS Đặng Mậu Tựu đến gặp TS Hồ Thắng – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TTH trình bày về cuốn sách “21 họa sĩ cận đại Huế”, cuộc gặp rất thân tình. Với tư cách Hội NC&PT Di sản văn hóa Huế, chúng tôi tặng Giám đốc cuốn “Nhạc sĩ Phạm Duy biết ái tình ở dòng sông Hương”. Lần đầu tiên gặp tôi và biết tôi là nhà nghiên cứu Huế ông rất vui và giới thiệu với hai chúng tôi việc Tỉnh TTH vừa xuất bản được Bộ Địa Chí Phần Văn hóa của TTH rất quý. Ông đưa chúng tôi thăm “Tủ Sách Huế” có bộ Địa Chí Phần Văn hóa (2 tập). Tôi rất bất ngờ, ở tỉnh ta xưa nay chưa hề có một bộ sách đồ sộ đến thế. TS Hồ Thắng tặng cho hai chúng tôi mỗi người một bộ. Chúng tôi hết sức cảm ơn.
         Đem sách về nhà, mắt mờ chưa đọc được, thì trước Tết Nhâm Dần 2022, một Hội viên của Hội NC&PT Di sản văn hóa Huế đến chơi và thúc đẩy tôi đọc Phần Văn hóa của bộ Địa Chí TTH.
        Trong lời nói đầu, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế khiêm tốn giới thiệu sách Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Văn hóa (2 tập) như sau: “Việc biên soạn một công trình khảo cứu với quy mô như thế trong điều kiện thực hiện còn nhiều hạn chế nên thật khó tránh khỏi sự thiếu sót. Trong lần xuất bản đầu tiên này, chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý chân thành của các nhà khoa học, của bạn đọc khắp gần xa để bổ sung, sửa chữa hoàn chỉnh cho lần tái bản sau” (Lời Nói Đầu, tập 2, tr.6).
         Đáp lời kêu gọi chân tình của vị lãnh đạo Tỉnh yêu Huế hiếm có, dù mắt mờ, tai điếc mà từ sau Tết Nhâm Dần đến nay tôi đã có 8 phản biện về Phần Văn hóa trong bộ Địa chí TTH trên huehoc.com và trên FB của tôi:
          1* Lại một công trình quy mô hạ thấp giá trị văn hóa Huế, đáng buồn.
          2* Nhân vật văn hóa TTH chỉ có 105 người như thế sao?
         3* Tân nhạc Thừa Thiên Huế trong địa chí chưa biết được những giá đỉnh cao của Tân nhạc Thừa Thiên Huế
          4* Địa chí Thừa Thiên Huế không có văn học ngoại ngữ
          5* Tìm đâu thấy di sản quy hoạch kiến trúc khu phố Tây ở bờ nam sông Hương trong địa chí TTH?
          6* Vì sao địa chí TTH không viết ba cổ tự lịch sử Kim Tiên, Thiền Lâm, Vạn Phước?
         7* Địa chí Thừa Thiên Huế, lăng tẩm và Phủ đệ ông hoàng bà chúa ở Huế sao sơ sài đến thế?…
         8* Phần văn hóa địa chí Thừa Thiên Huế đã thực hiện một quy trình hủy bỏ thông tin về thời Tây Sơn và cung điện/lăng Đan Dương của vua Quang Trung ở Huế.
          Với cái đà này tôi có thể viết vài ba chục phản biện nữa về cái công trình tiền tỷ của nhà nước Địa Chí TTH phần Văn hóa.
Bất ngờ một Cựu Sinh viên Đại học Huế cùng thế hệ với tôi đến mời tôi viết bài Kỷ niệm 65 năm thành lập Đại học Huế (1957-2022). Tôi từ chối vì bận phản biện tiếp sách Địa Chí. Anh bạn bực mình bảo tôi:
         - “Tôi đọc mấy phản biện của ông viết trên huehoc.com, tôi tìm bộ Địa Chí TTH phần văn hóa xem sao. Không ngờ một bộ sách được biên soạn, trình bày, in ấn quá ẩu. Văn hóa Huế mấy ngàn trang mà không có lấy một tấm ảnh trừ mấy tấm ảnh quảng cáo nhạc. Sách tra cứu mà Tập I không có Index, tập II có Index mà trật lất không tra cứu được. Cuốn sách chỉ có trên 1.100 trang mà có hàng ngàn từ được ghi trên 1400 trang. Lật vô trong không thấy văn hóa Phật giáo, không thấy văn hóa của người Minh Hương, không có các di tích của gia đình họ Ngô.v.v. Tôi không xem được nữa. Một hũ mắm thối cần đậy nắp giấu đi chứ ông khuấy thêm gây xú uế cả môi trường trí thức Huế mà thôi. Dẹp đi. Đã già rồi mà còn dại!”
Chỉ trong một trang mà có đến 11 ghi chú trang trên 1.400 không có trong sách.

Chỉ trong một trang mà có đến 11 ghi chú trang trên 1.400 không có trong sách.

          Tôi cảm thấy nhục, chắp tay vái bạn:
          - “Tôi hiểu rồi! Ông đừng mắng tôi nữa. Tình yêu Huế của tôi đặt sai chỗ tôi sẽ chỉnh lại. Vâng! Tôi sẽ phản ảnh ý kiến của ông với lãnh đạo Tỉnh TTH!”
*
         Một đời với Huế, tôi rất quan tâm đến thời điểm 2025 Thành phố Huế được công nhận là Thành phố di sản văn hóa trực thuộc Trung ương. Bản thân tôi và Hội NC&PT Di sản văn hóa Huế đang phấn đấu góp phần làm rõ nguồn di sản văn hóa phong phú của Thành phố Huế như thế nào. Do đó chúng tôi rất chú ý đến tập đại thành văn hóa Địa Chí Phần Văn hóa của Tỉnh. Không ngờ nhóm biên soạn đã tạo nên một công trình văn hóa què quặt, tùy tiện, ấu trĩ không xứng đáng với Thành phố Huế Thành phố di sản hàng đầu Việt Nam. Ngày Thành phố được công nhận là Thành phố di sản, người ta muốn biết về di sản Huế chỉ có một cách chính thức là tra cứu trong Địa Chí. Do đó chúng tôi đề nghị với Tỉnh:
a) Tổ chức một Hội thảo gồm những chuyên gia hàng đầu về các lĩnh vực văn hóa Huế;
b) Sưu tập tư liệu, hình ảnh, nhất là các nhà văn hóa trong và ngoài tỉnh, các nghệ nhân;
c) Thống nhất tiêu chí cho các đề mục;
d) Duyệt xét công trình đã xuất bản bổ sung những phần thiếu, loại bỏ những gì không hội đủ các điều kiện trong tiêu chí đã được thông qua;
e) Lập lại Ban biên soạn gồm một số người cũ, bổ sung những người mới có chuyên môn cao hơn.
Nếu Tỉnh có quyết tâm, công trình mới có thể biên soạn xong ngay trong năm 2022 này.
Rất mong.
Huế, 2 tháng 3 năm 2022.
Nguyễn Đắc Xuân.

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang