Họp mặt thân hữu giới thiệu Hội Di sản Huế tại TP Hồ Chí Minh

Sau khi có tư cách pháp nhân, Hội Nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa Huế (gọi tắt là Hội Di sản Huế) bắt đầu hoạt động tích cực.

Để vận động thân hữu và người yêu Huế ở ngoài tỉnh Thừa Thiên Huế giúp nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa Huế, Hội đã thực hiện một tuần hoạt động ở TP HCM từ ngày 5-1 đến 12-10-2021.

Hoạt động quan trọng nhất là cuộc họp mặt thân hữu diễn ra vào sáng thứ bảy ngày 09/01/2021, tại tòa soạn báo Giác Ngộ (85 Nguyễn Đình Chiểu,Q.3).  

NNC Nguyễn Đắc Xuân, Chủ tịch Hội, giới thiệu sự ra đời của Hội

Đến tham dự buổi họp mặt có Thầy Thích Tâm Hải- Phó Tổng biên tập kiêm Thư ký tòa soạn báo Giác Ngộ, bà Tôn Nữ Thị Ninh- Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TPHCM, bà Nguyễn Thị Xuân Phượng – đạo diễn phim tư liệu, tác giả hồi ký Gánh Gánh Gồng Gồng, chủ phòng tranh Lotus, ông Lê Quốc Ân - Chủ tịch Quỹ từ thiện Sách nói, Tiến sĩ Nguyễn Nam- ĐH Fulbright Việt Nam, ông Nguyễn Minh Ngọc- thành viên thường trực HĐQT công ty Vietravel, GS.TS Mai Quốc Liên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc học-Tổng biên tập Tạp chí Hồn Việt, bà Hoàng Ngọc Thương- Nghệ nhân ẩm thực cung đình Huế, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống- nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP. HCM, ông Trần Văn Châu- Tổng giám đốc Công ty Sơn Kelly-Moore, bà Trần Thị Tuyết Nga chủ nhân Khu du lịch ” Một Thoáng Việt Nam”, các thân hữu khác và các hội viên của Hội tại TP HCM

NNC Nguyễn Đắc Xuân, Chủ tịch Hội, giới thiệu sự ra đời của Hội để cho những hội viên lớn tuổi cống hiến và trao truyền cho thế hệ trẻ những trải nghiệm về lịch sử di sản văn hóa Huế mà họ đã học được từ các bậc tiền nhân. Di sản văn hóa Huế có ba mảng. Triều Nguyễn, Phật giáo và Đời sống người Huế qua các thời kỳ. Hội quan tâm đến mảng thứ ba. Nghiên cứu để phát triển, góp phần biến di sản thành tài sản. Vì thế, ngoài các nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa, các nhà dịch thuật Hán Nôm, Pháp, Anh còn có những doanh nhân hoạt động văn hóa. Hội liên kết với người yêu Huế trong và ngoài nước nghiên cứu phát triển di sản văn hóa Huế. Hội là nơi giúp cho mọi người muốn tìm hiểu Huế, muốn học Huế. Đặc biệt Hội cũng là nơi ký gửi những hiện vật di sản của mọi người muốn giữ lại cho Huế. Để biết quyền hạn được Nhà nước cho phép Hội thực hiện, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn-Phó Chủ tịch Hội, giới thiệu Điều 7 trong Điều lệ đã được duyệt. 

NNC Trần Đình Sơn, Phó Chủ tịch Hội công bố quyền hạn của Hội trong Điều lệ nhiệm kỳ 2020-2025.

Điều 7.  Quyền hạn của Hội

  1. Được quyền chủ động tổ chức triển khai các hoạt động chuyên ngành thuộc lĩnh vực của Hội, đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích đề ra và phù hợp với quy định của pháp luật.
  2. Được quan hệ, hợp tác với các tổ chức, cá nhân có cùng lĩnh vực hoạt động với Hội; phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra; được hướng dẫn về nghiệp vụ tổ chức, quản lý và hoạt động hội phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
  3. Được tham gia tư vấn và phản biện về các đề án, đề tài và các vấn đề khác liên quan đến lĩnh vực chuyên ngành mà Hội hoạt động.
  4. Được phép gây quỹ hội trên cơ sở hội phí của hội viên và các nguồn thu hợp pháp theo quy định của pháp luật để có kinh phí hoạt động.
  5. Được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
  6. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên.
  7. Được các cơ quan có thẩm quyền khen thưởng khi Hội có những thành tích xuất sắc đóng góp cho địa phương.
  8. Tuyên truyền mục đích của Hội; đại diện cho hội viên của Hội trong các quan hệ đối nội, đối ngoại có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của hội.
  9. Tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các vấn đề liên quan tới sự phát triển Hội và lĩnh vực Hội hoạt động. Được tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức các hoạt động dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.
  10. Được thành lập pháp nhân thuộc Hội theo quy định của pháp luật.
  11. Thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật.”

Tiếp đến KTS Hồ Viết Vinh giới thiệu logo của Hội.

Hội đã được Công-ty 3S Hue Intersoft Co., LTD thiết kế tặng Hội website huehoc.com và đang chạy thử nghiệm. Cô Lê Ngọc Hân, thư ký của Hội tại TP HCM, giới thiệu trang web huehoc.com. Hội kính mong được các chuyên gia góp ý để sửa chữa trước khi hoạt động chính thức.

 Các khách mời hoan nghênh định hướng hoạt động nghiên cứu và phát triển di sản của Hội theo hướng bền vững phục vụ xã hội và có những góp ý thiết thực.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh- Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TPHCM “suy nghĩ về tương lai của Hội, phát triển di sản trên cơ sở khoa học sáng tạo là thách thức lớn để di sản Huế sống động mãi mãi. Tôi rất vui với dự định số hóa thư viện Huế, các học giả và cộng đồng người Việt ở nước ngoài sẽ ủng hộ”.

Tiến sĩ Nguyễn Nhã, thành viên của Hội, đề nghị lập các nhóm nghiên cứu dự án về di sản Huế.

TS Nguyễn Nam ĐH Fulbright “rất mong sinh viên sẽ được phổ cập văn hóa, lịch sử Huế, văn hóa Phật giáo Huế tại TPHCM giúp các cháu có tình yêu dân tộc, đất nước”

Ông Nguyễn Phong – con trai đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng hoan nghinh sự ra đời của Hội. Hội có những đề án cụ thể ông sẽ vận động các thân hữu yêu Huế sẽ tài trợ.

Bà Hoàng Ngọc Thương, thành viên của Hội đã trình bày ngắn ngọn về sự khác biệt của ẩm thực cung đình Huế và giới thiệu món gia vị tương ớt Huế đặc sắc.

Trong buổi gặp mặt NNC Nguyễn Đắc Xuân thông báo những việc đã và sẽ phấn đấu trong thời gian tới.

- Ngày 23-12-2020 tại UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, KTS Hồ Viết Vinh đã trình bày thành phác thảo quy hoạch “Từ Cồn Dã Viên đến Vườn Thiên Niên Kỷ” được lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND Thành phố Huế hoan nghinh và yêu cầu hoàn thành quy hoạch chính thức trong thời gian sớm nhất.

- Vận động Công-ty Vietravel tài trợ thiết lập Văn phòng Hội tại 3/7 Nguyễn Công Trứ có đủ phương tiện làm việc phụ vụ Hội;

- Vận động Công-ty CP Tôn Đông Á xây dựng tủ sách Huế học.

-   Vận động tài trợ in các công trình nghiên cứu di sản văn hóa Huế của các hội viên lớn tuổi chưa được in;

- Xin phép Chính quyền cho tạc tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dựng ở Công viên Trịnh Công Sơn ở Gia Hội;

- Vận động chính quyền xây dựng Vườn thi nhân (Jardin des Poètes) trên đồi Vọng Cảnh với sự tài trợ của người Huế ở Pháp;

Giới thiệu Nhóm đại diện Hội tại khu vực phía Nam gồm các thành viên sau:

- NNC Trần Đình Sơn, Phó Chủ tịch Hội, nhà nghiên cứu Phật học và cổ vật

- KTS Hồ Viết Vinh, chuyên gia quy hoạch đô thị, Tổng thư ký Hội;

- Luật sư Ngô Tiến Nhân, NNC Phật học, thành viên

- Bà Lê Ngọc Hân, thư ký.

Buổi gặp mặt kết thúc lúc 11g30. Mọi người ra về với nhiều hứa hẹn tích cực.

Cảnh quan KDL Happy Land Long An

Rời khỏi Tòa soạn báo Giác Ngộ, Nhóm đại diện Hội tại khu vực phía Nam được mời về khu du lịch Happyland Long An. Đây là khu du lịch rộng 338 héc-ta tọa lạc bên bờ sông Vàm Cỏ Đông. Chủ đầu tư muốn tạo dựng sinh hoạt văn hóa cả ba miền Trung Nam Bắc ở đây. Vì đất Phương Nam là công nghiệp khai mở của các chúa Nguyễn nên Hội được mời bổ sung một phần có ý nghĩa lịch sử này.

Thực hiện nhiệm vụ truyền giảng lịch sử văn hóa Huế với tuổi trẻ, vào 9g00 sáng thứ hai 11/01/2021, NNC Nguyễn Đắc Xuân đã có buổi truyền lửa năng lượng yêu di sản văn hóa Việt Nam tại không gian Viet Guide Supply Company. Đến tham dự chương trình có TS Hồ Văn Tường, Ths Huỳnh Công Hiếu, Nguyễn Cưng-Giám đốc TSES, Ngọc Anh giảng viên ĐH Hutech, An Đoàn – Giảng viên, Giám đốc Anhouse Coffee, Võ Tuyết PGĐ của Trung tâm HDV Vietravel, Doãn Tiến Đạt – Chủ nhiệm CLB Đồng Hành Việt, Trương Thị Anh Mỹ-Trưởng phòng HDV nội địa Saigontourist, Mr. Bình GĐ landtour Cambodia,.. và các bạn trẻ đang quan tâm lịch sử triều Nguyễn và Huế xưa.

Hàng loạt những câu hỏi thắc mắc của các bạn đặt ra đã được NNC Nguyễn Đắc Xuân giải đáp đầy đủ.

Những câu hỏi của các bạn hướng dẫn viên gửi đến NNC Nguyễn Đắc Xuân nhiều năm qua, cũng chính là thắc mắc của du khách khi đến Huế, tất cả đã được chọn lọc, trả lời chi tiết và tập trung vào bộ sách"Huế - Triều Nguyễn: Hỏi và Đáp" sẽ được Viet Guide ra mắt trong 1-2 tháng sắp tới. Người tham dự được trao truyền những những đặc điểm, tính cách văn hóa Huế như văn hóa Huế tích hợp tinh hoa của văn hóa hai miền Nam Bắc. Văn hóa Huế do tầng lớp quý tộc tạo nên. Văn hóa Huế là sản phẩm của vùng đất mưa.

Năm 2021 nhà dân tộc nhạc học Trần Văn Khê đầy tuổi 100, Hội chuẩn bị biên soạn cuốn sách GS Trần Văn Khê với Huế, NNC Nguyễn Đắc Xuân cùng với thành viên tán trợ BS Phạm Phi Long và thư ký Lê Ngọc Hân đã về Tiền Giang thắp hương ở Nhà thờ Nguyễn Tri – nhà thờ họ ngoại của GS Trần Văn Khê. Được ông thủ từ Nguyễn Tri Triết cho tham khảo Gia phả phái Nhì hệ Nguyễn Tri (hệ Trung Hiếu). Gia phả ghi: bà Nguyễn Thị Dành (1899-1930) thân mẫu của GS Trần Văn Khê là con gái ông Nguyễn Tri Túc (1858-1912), cháu nội Đại thần Nguyễn Tri Phương (1800-1873). May mắn hơn nữa, được sao chép bản thảo tuồng Cải lương Giọt Lệ Chung Tình của cụ Nguyễn Tri Khương (1890-1962) –cậu ruột của GS Trần Văn Khê. Hội sẽ liên kết cùng nhóm thân hữu Trần Văn Khê nghiên cứu để phục dựng vở tuồng trên sân khấu.

Khuôn viên tu viện Quảng Hương Già Lam (số 498/11 đường Lê Quang Định, phường 1, Q. Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh)

Ngoài những hoạt động chính, đại diện của Hội đến chùa Già Lam dự lễ cầu siêu cho Quán Như Phạm Văn Minh (1943 - 2021) vừa qua đời ở Sydney. Quán Như là một chuyên gia Anh Ngữ, phụ trách trang Chuyển Luân ở Úc, tác giả sách Vietnamese Engaged Buddhism The Struggle Movement of 1963-1966) xuất bản ở Mỹ.

Minh Tran Garden - Vườn Ươm Giấc Mơ Việt Nam

Đến vườn Minh Trân 51 Cống Lở. P.15 Tân Bình thăm thành viên tán trợ TS Nguyễn Sĩ Dũng. Được đi dạo khu  vườn theo phong cách Nhật Việt, ăn món Nhật, nói chuyện nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa, kinh nghiệm của Nhật. Hoan nghinh việc chuẩn bị tạc tượng NS Trịnh Công Sơn.

Tình yêu Huế của thân hữu ở TP HCM tạo cho mọi người có cảm giác như ở  “Huế mình”. Tin tưởng vào ngày mai.

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang