(huehoc.com) Sáng ngày 28-12-2020 tôi được mời tiếp chuyện Huế với đoàn 50 thầy/cô giáo và sinh viên Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh tại Cà-phê Không gian tưởng niệm Lê Bá Đảng. Tiếp chuyện, tôi dành thời gian giải đáp những câu hỏi này sau khi đoàn tham quan Huế.
Trước khi nghe các thầy cô và sinh viên đặt câu hỏi, tôi hỏi đoàn:
- Với tâm hồn kiến trúc, các bạn đến Huế, đến Không gian tưởng niệm Lê Bá Đảng này các bạn thấy không gian ở đây khác với những địa phương khác, đặc biệt là ở TP HCM ở điểm nào?
Kỷ niệm đầu tiên tôi tặng đoàn nói về kiến trúc hài hòa với phong cảnh. Kiến trúc phong cảnh. Tiêu biểu thời xưa là lăng vua Tự Đức. Ngày nay là Không gian tưởng niệm Lê Bá Đảng.
Hỏi: Vì sao dưới thời vua Gia Long lại lập chợ Đông Ba ngoài cửa Đông Ba? Đông Ba nghĩa là gì?
- Thời Gia Long địa điểm ngoài cửa Chánh Đông (thường gọi là cửa Đông Ba) là nơi gần bến sông (Tả hộ thành) cũng gọi là sông Đông Ba – con sông đưa sản vật từ cảng Thanh Hà (Bao Vinh) và vùng nông thôn cung cấp cho dân chúng trong và ngoài Kinh thành, có cầu nối với vùng Gia Hội cũng có tên là cầu Đông Ba...là nơi thuận tiện mua sắm của dân chúng lúc ấy nên nó đã hình thành cái chợ ở đây mang tên Đông Ba. Cái tên gốc của nó là Đông Hoa. Đến năm 1841 vua Thiệu Trị nhớ mẹ là bà Hồ Thị Hoa nên tránh chữ Hoa đổi Đông Ba thành Đông Gia. Nhưng dân chúng quen gọi Đông Hoa nên đọc trại Đông Hoa thành Đông Ba tồn tại cho đến ngày nay.
Hỏi: Dấu tích lăng mộ vua Quang Trung ở đâu?
- Ở Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn, năm 1786 Nguyễn Huệ chiếm ở rồi lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu Quang Trung, cải tạo Phủ Dương Xuân thành Cung điện Đan Dương. Năm 1792 vua Quang Trung qua đời, để giữ bí mật nên táng vua ngay trong Cung điện. Năm 1800 nhà Nguyễn lấy lại Phú Xuân/Huế, phá hủy lăng mộ vua Quang Trung. Cấm không cho dân chúng ở chung quanh khu vực đã từng là vùng cung điện của thời Quang Trung. Đến đầu thế kỷ XX, dân chung được đến chôn cất người chết, địa điểm Cung điện Đan Dương xây lên chùa Vạn Phước tại số 20/120 Điện Biên Phủ, P. Trường An, TP Huế ngày nay.
Hỏi.-Trong tết Mậu thân 1968 Thành phố Huế bị bom đạn Mỹ phá hoại rất nặng nề, nhưng tại sao các lăng vua Nguyễn không thấy dấu tích bị bom đạn hủy hoại, châu báu trong các lăng không bị mất cắp?
– Chiến tranh trong Tết Mậu thân chủ yếu ở Huế, bên bờ bông Hương, đặc biệt trong Thành Nội. Các lăng vua Nguyễn ở phía Tây Nam xa thành phố nên ít bị hư hại. Hơn nữa lúc ấy nghiêm lắm: “Một cây kim sợi chỉ” cũng không được đụng tới. Khác với bây giờ…
- Cho biết nguồn gốc, tính chất văn hóa Huế như thế nào mà được ca ngợi, khác với các vùng, địa phương khác?
- Văn hóa Huế là văn hóa của Cố đô Huế nên nó khác với văn hóa những địa phương không phải là Cố đô. Huế là cái bản lề của hai nước Đại Việt và Chăm-pa từ năm 1306 nên văn hóa Huế là sự hòa quyện của văn hóa hai miền Nam Bắc. Văn hoá Huế do tầng lớp quý tộc Nguyễn tạo nên. Văn hóa Huế hình thành và phát triển trong xứ mưa. Vì mưa nên tầng lớp quý tộc sinh hoạt trong vườn nhà. Sống trong nhà nên chuyện ăn uống được chăm chút kỹ, may vá thêu thùa, ca nhạc, đọc sách, sáng tác thơ văn, tiệc tùng, cúng giỗ họ hàng.v.v. tất cả các hoạt động ấy lâu ngày thành thể thức mọi người học hỏi lẫn nhau. Trước trong các phủ phòng của các ông hoàng bà chúa, các quan lại, sau lan tỏa dần dần ra quần chúng trăm họ hình thành nên nền văn hóa Huế được dân tộc quý trọng.
[…]
Tiếp chuyện với giới kiến trúc, tôi phác đôi nét về Huế học. Một suy nghĩ về kiến trúc sư. Một người cầm bút nghiên cứu lịch sử văn hóa Huế, tôi có nhiều dịp quen thân với nhiều người trong giới kiến trúc. Tôi thấy các kiến trúc sư nổi tiếng, có công trình để đời thường là những người đa tài. Họ là hoạ sĩ, người có ý tưởng triết học, nhân học. Những kiến trúc sư được thế giới quý trong là những người có công trình mang hồn dân tộc mình. Muốn thể hiện được cái hồn đó các kiến trúc sư cũng phải là những nhà văn hóa.
Các sinh viên kiến trúc muốn học Huế - Hội Nghiên cứu và Phát triển di sản văn hóa Huế và trang web huehoc.com có thể giúp cho các bạn.
Đây không phải là lần đầu tôi tiếp chuyện những người muốn hiểu về Huế. Nhưng lại là lần đầu tôi thấy cần phải có nhiều cuộc tiếp chuyện như thế để các nhà nghiên cứu hiểu được những vấn đề mà đa số dân chúng đang cần biết rõ. Các hướng dẫn viên du lịch gặp được những câu hỏi hay xin gửi giúp cho Hội chúng tôi. Có thể gửi trực tiếp gacnhieuloc@gmail.com.
Chuyện Huế còn dài. Mong được tiếp tục trò chuyện với giới trẻ Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh và.... muốn biết.
Nguyễn Đắc Xuân