Sau bao nhiêu trăn trở, nỗ lực kêu gọi, vận động thành lập, vào lúc 08h30’ ngày 27/11/2020, Đại hội thành lập Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản Văn hóa Huế đã được tổ chức tại Đại học Phú Xuân (176 Trần Phú, P. Phước Vĩnh, Tp. Huế). Tham dự có Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND Tỉnh TT- Huế; Ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế; Đại diện các Sở ban ngành, Hiệp hội, tổ chức xã hội; Ông Trần Đình Hằng – Trưởng Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam; Hội viên chính thức; Nhà tài trợ và khách mời.
Đã từng nặng lòng trước những mai một của Di sản Văn hóa Huế
Phát biểu bế mạc Đại hội, Ông Nguyễn Đắc Xuân – Trưởng ban vận động thành lập Hội Nghiên cứu & Phát triển Di sản Văn hóa Huế xúc động: “Đây là thời khắc lịch sử - Cố đô Huế có một tổ chức của quần chúng hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa Huế. Sự ra đời của Hội được chính quyền địa phương hoan nghênh, ủng hộ. Được tin, người yêu Huế trong và ngoài nước rất vui mừng. Chờ đợi đã bao năm đến nay mới thấy sự thực”.
Chia sẻ lý do vận động thành lập Hội Nghiên cứu & Phát triển Di sản Văn hóa Huế, Ông Nguyễn Đắc Xuân cho biết: “Trải qua lịch sử hơn 700 năm, các triều đại đã để lại cho con cháu Thuận Hóa - Phú Xuân một gia tài di sản văn hóa vô cùng to lớn, đứng đầu nước Việt Nam. Ngày nay gọi là Di sản văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế gọi tắt là Di sản văn hóa Huế”. Theo các nhà nghiên cứu, Di sản văn hóa Huế có thể phân làm ba mảng:
Mảng thứ nhất về vua chúa các thời đại, đứng đầu quan trọng nhất thuộc nhà Nguyễn gồm thành quách, đền đài, cung điện, lăng mộ, sử sách, các di sản phi vật chất của các triều đại; trong đó có 5 di sản vật chất và phi vật chất đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới.
Mảng thứ hai về cơ sở chùa chiền, truyền thống chấn hưng Phật giáo của thủ phủ Phật giáo xứ Đàng Trong với hàng chục ngôi chùa vua, chùa sắc tứ, các tổ đình không nơi nào có được.
Mảng thứ ba là di sản của con người thuộc bá tánh – nơi hội tụ trí tuệ của người tài trong cả nước về giáo dục, văn học, nghệ thuật, kiến trúc, âm nhạc, kịch nghệ, trang phục, ẩm thực, lễ nghi, lễ hội, các dòng họ, các ngành nghề, ..v..v..
Tuy nhiên, dù các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng đã hết sức nỗ lực nghiên cứu phát triển văn hóa Huế nhưng kết quả đạt được trong mảng thứ
ba của bá tánh xưa và nay trong xã hội chưa đáng kể. Di sản văn hóa Huế tuy được đánh giá là “vô cùng to lớn” nhưng vẫn chưa có công trình nào khảo sát thống kê. Di sản văn hóa trong xã hội gồm có những gì, những gì còn lại và những gì đã mất. Vì vậy trong đầu tư xây dựng phát triển ở Huế sợ vi phạm di tích nên loay hoay không dám mạnh tay. Một số chủ đầu tư không thể chờ quy hoạch “chạy” xây dựng bừa trên di sản dẫn đến sai lầm gây hậu quả nghiêm trọng.
Nghiên cứu & Phát triển Di sản Văn hóa Huế, liệu có khả thi?!
Nghiên cứu và Phát triển trong tiếng Anh là Research and Development, viết tắt là R&D. Mục tiêu của R&D thường là đưa các sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường và làm tăng lợi nhuận của công ty. Các công ty dược phẩm, chất bán dẫn và phần mềm, công nghệ có xu hướng chi tiêu nhiều nhất cho R&D. Gần đây, thuật ngữ R&D gắn với sự đổi mới cả trong thế giới doanh nghiệp và chính phủ hoặc khu vực công và tư nhân. R&D giữ cho một công ty ở vị trí đứng đầu trong cuộc cạnh tranh.
Vậy còn R & D trong văn hóa sẽ triển khai như thế nào?
Như tên gọi, mục tiêu hoạt động của Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản Văn hóa Huế nhằm góp phần cùng hệ thống chính quyền trong việc nghiên cứu, giữ gìn và phát huy tốt nhất những giá trị di sản văn hóa Huế. Hội là nơi tập hợp những người yêu Huế, yêu di sản văn hóa Huế và các chuyên gia hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, bảo vệ, phát triển di sản thành tài sản, tham gia phản biện khoa học, góp phần làm cho Huế ngày càng đẹp hơn và luôn giữ được những giá trị văn hóa đặc trưng vốn có trong lòng Nhân dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế.
Kỳ vọng của xã hội
Phát biểu chúc mừng tại Đại hội thành lập Hội, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND Tỉnh TT- Huế chia sẻ: “Tôi gửi lời cảm ơn nỗ lực của Ông Nguyễn Đắc Xuân và Ban vận động để thành lập một hội xã hội hoạt động tự chủ, đã đương đầu với Covid- 19 và những ngổn ngang của thiên tai để hoàn thiện mọi thủ tục xin phép thành lập. Và tôi đồng tình với những định hướng hoạt động của Hội trong thời gian tới khi đã tiếp cận và cập nhật phù hợp với các định hướng phát triển của tỉnh. Quá trình xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đặt ra nhiều vấn đề cho lãnh đạo các thời kỳ. Ai cũng trăn trở tìm hướng để phát triển đô thị di sản. 700 năm hình thành và phát triển, Huế đã trải qua rất nhiều những thăng trầm lịch sử và để lại những dấu ấn khiến chúng ta tự hào. Nhưng đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ, đánh giá lại những bất cập, hạn chế cũng như các rào cản trong quá khứ, khách quan nhìn nhận và tìm cách phát triển Huế xứng đáng với vai trò, vị trí. Cùng nhau hành động để nâng cao giá trị vùng đất và con người Huế. Cùng nhau
hành động để những người yêu Huế, yêu giá trị văn hóa di sản của Huế được cùng chung tay góp sức xây dựng phát triển Huế trong tương lai”.
Bà Trương Thị Minh Hương đến từ Công ty TNHH Việt Đức Minh bày tỏ: “Thành lập Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản Văn hóa Huế có ý nghĩa và giá trị rất to lớn. Đến Việt Nam mà chưa đến Huế tức là chưa biết hết về Việt Nam. Tôi rất yêu thích ẩm thực Huế vì có những món ăn mà thế giới không có, nhất là những món gói bằng lá chuối (trong khi thế giới phải dùng các loại bao bì mất hàng trăm năm để phân hủy) cần được đưa vào nghiên cứu và phát triển ngay vì hợp với xu thế sống Xanh của công dân toàn cầu”. Bà Hương cho biết, bà từng đưa 10 ngàn chiếc nón Huế sang Đức và bán hết vèo trong mấy ngày. Thời gian tới bà sẽ hoàn thành các thủ tục cần thiết để chuyển nguồn tài trợ trị giá 300 ngàn euro của Chính phủ Đức về cho Huế.
Chia sẻ kinh phí tổ chức Đại hội, Nhóm nghiên cứu Huế do TS. Trần Đình Hằng phụ trách trích quỹ do ông Đào Hồng Tuyển tài trợ tặng cho Hội NC&PT Di sản Văn hóa Huế 20 triệu đồng. Đại diện Công ty Cổ phần Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế (Waco) tài trợ chi phí thuê máy chủ, tên miền hoạt động website www.huehoc.com năm đầu tiên, trị giá 10 triệu đồng. Nhóm Bạn Cố đô Huế ở Hà Nội tặng Đại hội 5 triệu đồng. Công ty Phần mềm 3S trao tặng phần mềm website www.huehoc.com; Đại học Phú Xuân tài trợ địa điểm tổ chức Đại hội. Đặc biệt Hội viên Bùi Thị Kim Đa và Nhóm bạn đã đóng góp một chương trình phụ diễn ca nhạc đậm nét Huế cho cuộc gặp mặt Người Yêu Huế giới thiệu tác giả Nguyễn Thị Xuân Phượng và hồi ký Gánh Gánh Gồng Gồng (26-11) và Đại hội thành lập Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản Văn hóa Huế (27-11-2020).
Hội sẽ làm gì trong thời gian tới?
Ban Chấp hành của Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản Văn hóa Huế nhiệm kỳ 1 năm 2020 – 2025 gồm: Ông Nguyễn Đắc Xuân (nhà nghiên cứu); Ông Đặng Mậu Tựu (Họa sĩ); Ông Trần Đình Sơn (Nhà nghiên cứu cổ vật) ; Bà Hồ Thị Hạnh Tiên (Hiệu trưởng Trường Đại học Phú Xuân), Ông Hồ Viết Vinh (KTS, chuyên gia quy hoạch đô thị, Đại học Kiến trúc TP HCM); Ông Phan Tấn Tô (Nhà nghiên cứu Y dược học dân tộc); Bà Mai Thị Trà (Chuyên gia ẩm thực); Ông Trần Nguyên Vấn (Chủ nhiệm CLB Văn hóa Huế tại Hà Nội) và Ông Lê Đắc Nguyên Lộc (doanh nghiệp hoạt động Văn hóa Nghệ thuật).
Những việc mà Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản Văn hóa Huế sẽ phấn đấu thực hiện trong nhiệm kỳ đầu tiên (2020-2025):
Liên kết Viện Nghiên cứu Phát triển TT - Huế (HUEIDS) thực hiện tủ sách Huế
Thiết kế giáo trình Huế học cho khoa Du lịch Đại học Phú Xuân.
Tổ chức các cuộc giao lưu về di sản văn hóa Huế tại Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới Sáng tạo Đại học Huế.
Trưng bày, triển lãm các công trình của hội viên về Di sản văn hóa Huế....
Cùng với gia đình NS Trịnh Công Sơn, những người yêu nhạc Trịnh Công Sơn vận động tạc tượng Trịnh Công Sơn ở Huế;
Cùng các thân hữu nhóm Người yêu Huế tại Pháp tổ chức xây dựng “Vườn thi nhân” (Jardin des Poètes) bên bờ sông Hương.
Và những đề tài khác phát sinh trong quá trình hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ.
Làm sao để liên hệ với Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản Văn hóa Huế?
Hội đã sẵn sàng để hợp tác cùng thực hiện, triển khai các công trình nghiên cứu về Di sản Văn hóa Huế. Một trong những hoạt động mà Hội chú trọng nhất chính là tư vấn, cố vấn cho các dự án/doanh nghiệp/ tổ chức có kế hoạch hoạt động hoặc cung cấp Sản phẩm – Dịch vụ tại Huế, liên quan đến văn hóa Huế nhằm có cách thức phát huy, khai thác, kinh doanh bài bản tạo ra giá trị và lợi nhuận mà vẫn đảm bảo được việc giữ gìn Di sản Văn hóa Huế. Bạn có thể truy cập website www.huehoc.com hoặc fanpage https://www.facebook.com/huenghiencuuphattrien để đọc các bài viết về Di sản văn hóa Huế.
Diễm Châu