Kính thưa quý vị đại biểu, quý vị khách quý!
Hôm nay, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Nhạc sĩ Phạm Duy (05/10/1921 – 05/10/2021), Học viện Âm nhạc Huế và Hội NC&PT Di sản văn hóa Huế phối hợp tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu với công chúng, những người yêu âm nhạc. Chúng tôi vô cùng hân hạnh được tiếp đón các vị khách quý dù bận nhiều công việc nhưng vẫn dành thời gian đến tham dự và chúng tôi cũng rất vinh dự khi được đón những vị khách là các bác sĩ của tỉnh Thừa Thiên Huế đã tham gia công tác nơi tuyến đầu, hỗ trợ cho thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua.
Xin được thay mặt tập thể CBGV, HSSV Học viện Âm nhạc Huế gửi tới các bác sĩ lòng biết ơn và những tình cảm chân thành nhất vì những hy sinh thầm lặng to lớn mà các anh đã không quản ngại cho sự bình yên của cả cộng đồng.
Phạm Duy là một tên tuổi lớn, có nhiều đóng góp cho nền Tân nhạc Việt Nam. Ông để lại cho chúng ta một số lượng tác phẩm âm nhạc đồ sộ, có giá trị nghệ thuật, đã đi vào lòng nhiều thế hệ người Việt Nam. Nhân dịp 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Phạm Duy, Học viện Âm nhạc Huế và Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản Văn hóa Huế cùng phối hợp tổ chức sự kiện này nhằm tưởng nhớ một nhạc sĩ tài ba của đất nước.
Trong các hoạt động âm nhạc của mình, bên cạnh vai trò là ca sĩ, thầy giáo dạy nhạc, Phạm Duy nổi bật với vai trò nhạc sĩ sáng tác ca khúc với khoảng 1.000 tác phẩm, được chia thành nhiều thể loại: nhạc thiếu nhi, nhạc kháng chiến, nhạc quê hương, nhạc phản chiến, nhạc tình ca, đạo ca, thiền ca, rong ca, tâm ca, tục ca, … Bên cạnh các ca khúc có kết cấu ngắn gọn, ông đã đầu tư công sức vào thể loại trường ca - một thể loại thanh nhạc có quy mô lớn, yêu cầu cao về tư duy và kỹ thuật sáng tác.

GĐ Hà Mai Hương phát biểu giới thiệu trong buổi sinh hoạt "Phạm Duy với Huế" nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhạc sĩ Phạm Duy
Nhạc sĩ Phạm Duy là một trong những người tiên phong và rất điêu luyện trong việc vận dụng chất liệu âm nhạc dân gian Việt Nam vào trong sáng tác của mình. Rất nhiều ca khúc như Tình ca, Tình hoài hương, Về miền Trung, Gánh lúa, Bà mẹ quê… mang hơi thở của dân ca miền Bắc và miền Trung. Trong trường ca Con đường cái quan, nhạc sĩ Phạm Duy đã khéo léo vận dụng chất liệu của dân ca 3 miền để thể hiện hành trình lịch sử người Việt đi từ ải Nam Quan theo chân Công chúa Huyền Trân vào Huế rồi hùng dũng tiến vào vùng sông nước phương Nam theo tiến trình Nam tiến của dân tộc. Với nỗ lực tự học, tự nghiên cứu và từng được tu nghiệp 2 năm ở Pháp về nhạc học, Phạm Duy có bút pháp sáng tác điêu luyện, có giá trị nghệ thuật cao. Những tác phẩm như Chiều về trên sông, Mẹ trùng dương, Màu thời gian… mang dáng dấp của những tác phẩm âm nhạc cổ điển châu Âu; các bản trường ca Con đường cái quan, Mẹ Việt Nam…lại mang đậm hồn cốt của dân ca Việt Nam, làm nên sự thành công cho tác phẩm.
Đề tài về tình yêu chiếm một vị trí đáng kể trong ca khúc của Phạm Duy. Các thế hệ yêu nhạc người Việt Nam từng say đắm với Kiếp nào có yêu nhau, Mùa thu chết, Phượng yêu, … thổn thức với Nghìn trùng xa cách, Còn gì nữa đâu, Chiếc lá cuối cùng, Chuyện tình buồn, Tôi còn yêu tôi cứ yêu, Ngày xưa hoàng thị, Đừng xa nhau, Trả lại em yêu, … hay thăng hoa trong Bài ca sao, Xuân ca… Ai cũng có thể bắt gặp một phần của bản thân mình trong các bản tình ca của Phạm Duy, chính vì thế mà các tác phẩm ấy đi sâu vào lòng người và có sức sống lâu bền trong nền âm nhạc nước nhà.
Nhạc sĩ Phạm Duy có biệt tài về phổ thơ. Nhiều bài thơ, kể cả ca dao, sau khi qua tay ông phổ nhạc đã trở nên nổi tiếng, như các bài Ngày xưa Hoàng thị (thơ Phạm Thiên Thư), Thà như giọt mưa (thơ Nguyễn Tất Nhiên), Tiếng sáo Thiên Thai (thơ Thế Lữ), Ngậm ngùi (thơ Huy Cận), Kiếp nào có yêu nhau (thơ Minh Đức Hoài Trinh), Hoa rụng ven sông (thơ Lưu Trọng Lư), Đưa em tìm động hoa vàng (thơ Phạm Thiên Thư)…Cũng vì yêu thơ và có cảm nhận sâu sắc với thơ nên phần lời ca trong các ca khúc do ông sáng tác cũng đầy chất thơ.
Công lao của Phạm Duy còn được ghi nhận ở việc dịch lời Việt cho các ca khúc nước ngoài với khoảng 300 bài, bao gồm nhiều thể loại: nhạc cổ điển, nhạc phim, nhạc Pop Âu, Mỹ. Các bản Dạ khúc (Serenade – F. Schubert, nhạc Áo), Trở về mái nhà xưa (Toma a Surriento – nhạc Ý)), Ánh đèn màu (Limelight – Charlie Chaplin, nhạc Anh), Chủ nhật buồn (Gloomy Sunday – Seress Resso, nhạc Hunggary), Giàn thiên lý đã xa (Scarborough Fair – Simon & Garfunkel, nhạc Mỹ)… cùng hàng trăm ca khúc nước ngoài nổi tiếng khác đã được Phạm Duy đưa đến với thính giả Việt Nam qua biệt tài dịch lời Việt của ông. Phạm Duy đã chuyển ngữ tài tình khiến cho phần lời Việt vừa sát với ý tứ của nguyên bản, lại vừa được chuyển ý, lựa lời sao cho gần gũi với tâm hồn của người Việt Nam. Có thể nói Phạm Duy không chỉ dịch lời mà còn “Việt hóa” các ca khúc nước ngoài khiến chúng gần gũi, dễ cảm nhận đối với người Việt Nam.

Các khách mời lắng nghe bài phát biểu
Với tài năng nổi trội, trái tim nhạy cảm, bút lực dồi dào, đam mê bất tận, lại được cọ xát với thực tế xã hội, được trải nghiệm cuộc sống ở nhiều nơi từ những vùng quê khói lửa chiến tranh đến nơi phồn hoa đô thị và cả viễn du qua xứ Âu – Mỹ, nhạc sĩ Phạm Duy đã sống và viết hết mình.
Lúc sinh thời, Phạm Duy đã từng xem Huế là cái nôi của nghệ thuật, đặc biệt ở lĩnh vực âm nhạc. Ông đã dành nhiều sự quan tâm, tìm hiểu các làn điệu âm nhạc truyền thống Huế (Nhã nhạc cung đình, các điệu Hò, điệu Lý…), nhiều tác phẩm của ông đã sử dụng chất liệu âm nhạc truyền thống Huế như Về miền Trung, Ai vô xứ Huế thì vô, Nước non ngàn dặm ra đi… Các tác phẩm của ông đi vào lòng người bởi sự kết hợp nhuần nhị giữa tính truyền thống và sự sáng tạo độc đáo. Ông ra đi ở tuổi 92, để lại cho chúng ta một di sản âm nhạc đồ sộ, có giá trị. Ông là nhạc sĩ có đóng góp to lớn cho nền Tân nhạc Việt Nam.
Hôm nay, nhân ngày Nhạc sĩ Phạm Duy tròn 100 tuổi (05/10/1921 – 05/10/2021), Học viện Âm nhạc Huế và Hội NC&PT Di sản văn hóa Huế tổ chức cuộc gặp mặt này với mong muốn giới thiệu các tác phẩm âm nhạc của Phạm Duy cũng như giới thiệu tập sách NS Phạm Duy biết ái tình ở dòng sông Hương bao gồm những bài viết về người nhạc sĩ tài ba này do NNC Nguyễn Đắc Xuân biên soạn đến với công chúng và bạn yêu nhạc.
Xin được cảm ơn quý vị đại biểu, quý vị khách quý đã đến tham dự, xin cảm ơn Hội NC&PT Di sản văn hóa Huế đã rất tâm huyết trong việc tổ chức chương trình này để tưởng nhớ một tài năng âm nhạc lớn cùng công lao đóng góp của ông cho nền nghệ thuật nước nhà. Đặc biệt xin được gửi lời cảm ơn tới các nghệ sĩ trong ban nhạc, các ca sĩ và bộ phận kỹ thuật, bộ phận phục vụ trong điều kiện khó khăn lúc này đã rất nhiệt tình phối hợp cùng với Ban tổ chức để thực hiện thành công chương trình này.
Chúc quý vị đại biểu, quý vị khách quý sức khỏe và sẽ có những giây phút thưởng thức âm nhạc đầy cảm xúc.
TS. Hà Mai Hương