VÌ SAO CHỌN PHÁT TRIỂN MÀ KHÔNG PHẢI PHÁT HUY ?

Vấn đề này vào hồi cuối năm 2020 chúng tôi đã trình bày với sở Nội vụ và Sở Văn hóa Thể thao TTH khi xin phép thành lập Hội Nghiên cứu và Phát triển di sản văn hóa Huế. Hội đã được cấp phép hoạt động. Sau một năm hoạt động, có nhiều thức giả đã hỏi chúng tôi: Vì sao không chọn Nghiên cứu và phát huy mà lại chọn nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa Huế ? Nhân đây chúng tôi xin trình bày như sau:

          Di sản văn hóa là tài sản tinh thần và vật chất quý giá của dân tộc.  Thời gian không thể xóa được di sản. Nhưng do xã hội luôn tiến hóa, nên con người không thể thích hợp với những gì đã và đang có mà phải vượt lên phát triển (Développer) từ những cái đã có, sáng tạo nên cái mới cho thích hợp với thời đại. Có lẽ vì thế mà UNESCO đã cho Huế cái slogan “Huế luôn mới”. Cái mới đó đã được chắt lọc từ cái cũ, thử thách, quên bớt những cái mới không thích hợp, Những cái mới được ưa chuộng nhất là những cái đã phát triển từ những cái đã có trong truyền thống.

          Trong hoàn cảnh khai thác nguồn di sản để phục vụ đất nước, chúng ta thường gặp hai hướng:

         - Phát huy (發揮,faire valoir, rendre plus éclatant ) và

          - Phát triển (發 展, développer)

          Chúng tôi hiểu phát huy di sản là làm cho di sản có giá trị hơn, sáng lên nét đã có sẵn trong truyền thống như trau chuốt, gọn gàng, đơn giản, nói lên cái tinh tuý cái giá trị của di sản. Hiện nay Huế đang phát huy di sản với việc phục hồi nhà rường, tái hiện lễ Ban Sóc của triều Nguyễn, tổ chức các hội ẩm thực, vận động đàn ông mặc áo dài khăn xếp, đóng thuyền rồng.v.v.

         Còn phát triển là tân tiến hoá, mở rộng thêm, biến hóa ra cái mới. Chúng tôi nghiên cứu và học tập các trải nghiệm phát triển di sản sau đây:

       1.Thiền sư Thích Nhất Hạnh tu tập thực hành đạo Phật dòng Lâm Tế ở chùa Từ Hiếu Huế. Sau nhiều năm du học và truyền bá Đạo Phật ở các nước Âu Mỹ, Thiền sư đã phát triển di sản Đạo Phật truyền thống ở Huế thành Thiền Chánh niệm (để sống có hạnh phúc) được nhiều nước trên thế giới đón nhận. Tôi đã được tham dự một cuộc đón tiếp 8 Thượng nghị sĩ Mỹ về Huế bái tạ Thiền sư Nhất Hạnh  và cảm ơn Thiền Chánh niệm đã giúp cho họ làm việc trong Thượng viện Mỹ với tinh thần Chánh niệm rất hiệu quả. Tôi cũng đã được đến các tu viện Làng Mai ở Pháp, Lộc Uyển ở Mỹ, Pak Choong ở Thái Lan. Tôi thấy Đạo Phật VN/văn hóa VN chưa bao giờ được phát triển ra thế giới sâu sắc, rộng lớn đến như thế;

Tám Thượng nghị sĩ Mỹ và gia đình qua chùa Từ Hiếu bái tạ Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tám Thượng nghị sĩ Mỹ và gia đình qua chùa Từ Hiếu bái tạ Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

           2. Âm nhạc của đà ca Huế thuộc âm giai ngũ cung lơ lớ (phát hiện của Phạm Duy). Các nhạc sĩ Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Dương Thiệu Tước sáng tác âm nhạc theo phong cách Tây Phương, nhưng không sử dụng âm giai thất cung của Tây Phương mà phát triển từ âm giai ngũ cung lơ lớ của Huế sáng tác nên những bản tân nhạc Về Miền Trung, Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi, Tiếng Sông Hương, Đêm Tàn Bến Ngự.v.v. rất mới, sang trọng mà vẫn đậm đà chất Huế. Nhưng chưa dừng lại ở đó, nhà soạn nhạc (compositeur) Tôn Thất Tiết, dùng hình thức và kỹ thuật âm nhạc Tây Phương pha lẫn thang âm Huế/Việt trong hình thức âm nhạc bác học Tây Phương (nhạc không lời, cho nhạc khí). Nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết đã soạn khoảng 50 nhạc phẩm đủ loại, trong đó có 12 bản cho dàn nhạc như Tứ Đại Cảnh (1968), Hy Vọng 1971), Ngũ Hành (1973), Vô Vi (1974) Ấn Tượng (1974–75), Những Truyền Thuyết Đất Phương Nam (1996); 16 bản cho nhạc phòng, trong ấy có Niệm (1974), Chu Kỳ I, II (1976), III, IV (1977), Phong Vũ (1991), Xuân Vũ (1993); năm bản nhạc hát, trong ấy có Vang Bóng Thời Xưa (1969), Kiêm Ái (1978), Chu Kỳ VI (1993). Người sành điệu cho biết: Nhạc không lời Tây Phương của Tôn Thất Tiết mà tấu lên nghe được cái hồn Huế/phương Đông trong ấy.

         

Nhạc bản Về Miền Trung NS Phạm Duy sáng tác với thang âm ngũ cung lơ lớ của đàn ca Huế.

Nhạc bản Về Miền Trung NS Phạm Duy sáng tác với thang âm ngũ cung lơ lớ của đàn ca Huế.

Chân dung của con người và mối liên hệ của nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết  với hai dòng sông trong cuộc đời ông: Sông Hương tại Huế và sông Marne nơi ông ở gần Paris. Ảnh Laurence Bancaud

Chân dung của con người và mối liên hệ của nhà soạn nhạc Tôn Thất Tiết với hai dòng sông trong cuộc đời ông: Sông Hương tại Huế và sông Marne nơi ông ở gần Paris. Ảnh Laurence Bancaud

           3. Họa sĩ Phạm Đăng Trí, họa sĩ Bửu Chỉ ở Huế nghiên cứu màu sắc trên di tích cung đình Huế và trên đồ cổ Pháp Lam tìm được những màu sắc tiêu biểu của Huế. Họa sĩ Phạm Đăng Trí còn tìm được cặp màu chàm/vàng thể hiện cho đặc điểm văn hóa Huế (Việt + Chăm). Các họa sĩ Phạm Đăng Trí và Bửu Chỉ đã vận dụng những sắc màu tiêu biểu của Huế vào tranh của mình nên tranh của hai họa sĩ dù rất mới mà rất Huế, rất được ngưỡng mộ, hiện nay có giá rất cao;

Tranh của Phạm Đăng Trí với sắc màu học được trên kiến trúc cung đình và Pháp Lam ở Huế;

Tranh của Phạm Đăng Trí với sắc màu học được trên kiến trúc cung đình và Pháp Lam ở Huế;

          4. Do hoạt động với Hội Người Yêu Huế tại Pháp nên tôi sớm quen thân với Họa sĩ Lê Bá Đảng-một họa sĩ lớn ở Pháp. Ông rất yêu Huế/VN. Ông đã tặng cho Huế trên 500 tranh, tượng. Từ đó Huế có một bảo tàng mỹ thuật rất uy nghi trên đường Lê Lợi mang tên Không gian Lê Bá Đảng. Cô Lê Thị Cẩm Tế được cử làm giám đốc bảo tàng nầy. Do sự làm việc tận tụy, có công với họa sĩ Lê Bá Đảng nên cô được Lê Bá Đảng tặng riêng cho cô một số tranh tượng không bằng 1/10 so với số tranh Lê Bá Đảng đã tặng cho Huế. Sau ngày cô về hưu, được KTS Hồ Viết Vinh giúp nghiên cứu cái bản sắc, cái hồn trong nghệ thuật Lê Bá Đảng đã chuyển thể sáng tạo ý tưởng không gian của Lê Bá Đảng thành không gian 3 chiều trên 16.000 m2 ở Kim Sơn thuộc phường Thủy Bằng TP Huế. Không gian có rừng, có đồi, có suối, có hoa cỏ bốn mùa, có âm (đường hầm), có dương (phòng trưng bày lộng lẫy). Những tranh tượng ít ỏi của Lê Bá Đảng tặng Lê Cẩm Tế được tôn vinh trong Không Gian Tưởng Niệm, những giá trị của các tranh tượng được nâng lên gấp nhiều lần. Công trình mới ra đời đã được người trong và ngoài nước tán thưởng. Có người nhận định: Huế xưa có di sản Triều Nguyễn – Huế, nay có Không Gian Tưởng Niệm Lê Bá Đảng. Nhiều nhà sưu tầm nghệ thuật, nhà văn hóa trong và ngoài nước đã tặng hay nhượng lại cho Không Gian Tưởng Niệm nhiều tranh, tượng, phim ảnh, tư liệu quý về Lê Bá Đảng. Họ cho rằng Không Gian Tưởng Niệm Lê Bá Đảng ở Huế là nơi xứng đáng nhất để trưng bày, lưu giữ những hiện vật nghệ thuật lịch sử quý giá của họ. Hiệu quả của sự phát triển sáng giá đến như thế.

Kiến trúc chính trong Không gian tưởng niệm Lê Bá Đảng ở Kim Sơn/Thủy Bằng TP Huế.

Kiến trúc chính trong Không gian tưởng niệm Lê Bá Đảng ở Kim Sơn/Thủy Bằng TP Huế.

         Di sản phải được phát triển mới làm giàu cho kho tàng di sản của Huế. Di sản có được phát triển mới cập nhật được với thời đại, mới xứng đáng với Slogan “Huế luôn luôn mới” mà UNESCO đã tuyên bố về Huế.

        Học tập tinh thần phát triển di sản xưa và nay ở Huế, Hội chúng tôi lấy tên là Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản văn hóa Huế (L'Association de recherche et de développement du patrimoine culturel de Hue - ARDPCH) Hội của xã hội, Hội chọn lựa những di sản của xã hội để nghiên cứu và phát triển trong khả năng vận động của mình. Những đề tài vượt khả năng phát triển của mình, Hội nghiên cứu và Phát triển di sản văn hóa Huế dành cho người trong xã hội phát triển. Đời này chưa phát triển được thì xin gửi lại cho đời sau. Chỉ có thế.

                                                                                                                                                       Huế, đầu Xuân 2022.

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang