VIỆC ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN MỘT SỐ ĐƯỜNG PHỐ VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG NÊN ĐƯA RA LẤY Ý KIẾN QUẦN CHÚNG.

Theo ông, việc đặt tên mới, và lấy lại một số tên cũ như nguyện vọng của lớp người “cũ”, cần thực hiện như thế nào?
Nguyễn Đắc Xuân: Với tinh thần tôn vinh di sản Cố đô Huế, nên trả lại tên những con đường của Cố đô Huế. Như trả lại tên Nam Giao thay cho đường Điện Biên Phủ, tên Lục Bộ thay cho đường Nguyễn Chí Diễu .v.v. Nếu trở ngại không đổi được thì dưới bảng tên Điện Biên Phủ ghi thêm trong ngoặc (Nam Giao cũ), dưới bảng tên Nguyễn Chí Diễu ghi thêm (Lục Bộ cũ).
Ông có thể cho biết suy nghĩ của mình về tên đường phố ở Huế hiện nay?
Nguyễn Đắc Xuân: Tôi chưa có dịp đi khắp thành phố nên chưa có một nhận xét chung. Tôi chỉ có mấy ý kiến rất nhỏ sau đây: 1.Tùy tiện. Ví dụ: Nguyễn Chí Diễu là một nhà cách mạng thế kỷ XX mà đặt vào khu phố cổ của triều đình Huế. 2. Không quan tâm đến Cố đô Huế, không quan tâm đến sự đóng góp của văn hóa Pháp trên đất Huế, không quan tâm đến Huế là thành phố di sản văn hóa du lịch.v.v.
Khi sử dụng những địa danh cũ, danh nhân, nhân vật lịch sử để đặt tên đường cần dựa vào những nguồn tài liệu nào?
Nguyễn Đắc Xuân: Đại Nam nhất thống chí, ĐN Liệt truyện, Từ điển Nhà Nguyễn của Võ Hương An, Danh nhân Từ Điển của Nguyễn Huyền Anh, 700 Năm Thuận Hóa - Phú Xuân Huế của Nguyễn Đắc Xuân, Địa chí Thừa Thiên Huế, Gia phả các Đại tộc như: Nguyễn Khoa, Hoàng Trọng, Thân Trọng, Hà Thúc, Nguyễn Phúc tộc, .v.v.
Ông có ý kiến gì về việc đang tranh cải nên hay không nên đặt tên đường các vua Gia Long, Đồng Khánh, Khải Định?
Nguyễn Đắc Xuân: Với quan điểm dân tộc và khoa học, viết lịch sử nhân vật, họ đã sống như thế nào phải viết như thế ấy. Di sản văn hóa làm nên văn hiến của dân tộc. Người dân được sử dụng, được hưởng giá trị của di sản thì phải biết ơn người đã tạo tác nên di sản bất cứ họ ở đâu, họ làm gì, ngay cả của địch mà ta lấy được cũng thế. Hằng ngày ta bán vé cho khách du lịch tham quan Kinh thành Huế, thăm các lăng Gia Long, Đồng Khánh, Khải Định, thuyết minh về giá trị các công trình ấy lẽ nào lại không dành ba con đường mang tên ba vị ấy? Huế thành phố văn hóa di sản chứ không phải lãnh địa của một già làng.
Việc đặt tên đường ở các phường thuộc các huyện, thị xã vừa được nhập vào thành phố nên như thế nào?
Nguyễn Đắc Xuân: Trước khi thành phố Huế ra đời dân trăm họ TTH đều ở làng quê. Người có tên tuổi cấp quốc gia, cấp tỉnh có thể đã được chọn, nhưng cấp huyện, cấp làng/ xã trong lòng dân thì xưa nay chưa mấy nơi được quan tâm. Do đó ngày nay làng đã trở thành tổ dân phố thì đường phố phải có tên những người mà dân làng/ tổ dân phố quý trọng bao đời nay. Ví dụ như làng Dã Lê Chánh, phường Thủy Vân, có cụ Nguyễn Viết Song (Thông) đỗ Tiến sĩ cùng khoa Tân Sửu với cụ Nguyễn Sinh Huy (thân sinh của Bác Hồ), cụ làm quan triều Nguyễn, mở trường học, xây dựng nhiều cầu đường cho dân đi. Dân Dã Lê Chánh rất tự hào về cụ. Có cụ Nguyễn Đắc Tiêu – Chánh đội Nhạc chánh Nam Triều (Nhã nhạc)- một trong những người thầy của Nhã nhạc/ ca nhạc truyền thống Huế được ngành nhã nhạc tôn quý. Có Sư bà Diệu Hương (họ Nguyễn Công), nguyên là vợ vua Thành Thái, năm 1907 vua Thành Thái bị đày, bà xuất gia và trở thành sư bà trú trì chùa Diệu Đức - ngôi chùa nữ đầu tiên ở Huế. Không rõ tổ dân phố Dã Lê Chánh có con đường nào mang tên ba người ấy chưa? Theo tôi Hội đồng đặt tên đường nên khảo sát thực tế các tổ dân phố mới để tìm người có tên tuổi được dân phố quý trọng, đặt cho những con đường trên quê hương họ.
Để tránh những sai sót ông có đề nghị gì với Hội đồng đặt tên đường và cấp có thẩm quyền?
Nguyễn Đắc Xuân: Tên đường không chỉ để phục vụ quản lý đô thị, địa chỉ của các gia đình, cơ sở xã hội mà còn có ý nghĩa phát huy truyền thống văn hóa lịch sử, giáo dục công dân. Đối với Thừa Thiên Huế còn phải phản ảnh Cố đô Huế, thành phố văn hóa du lịch. Vì thế các tên người, tên đất, tên sông núi, sản vật phải đúng chuẩn theo tiêu chí của nhà nước đã quy định mà còn phải đặt ở đâu. Nếu sai thì rất khó sửa. Vì thế trước khi quyết định chọn các tên đường nên đưa bản tên đường đã chọn lên báo chí để lấy ý kiến của quần chúng. Tôi tin là Hội đồng đặt tên đường phố TTH sẽ nhận được nhiều ý kiến hay.
Huế, 10 tháng 11 năm 2021.
Trả lời phỏng vấn một nhà báo chưa tiện nêu tên.

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang