Tường thuật buổi tọa đàm/ sinh hoạt khoa học “Hàm Nghi nhà vua bị lưu đày, nghệ sĩ tạo hình Tử Xuân ở Alger”.
Câu chuyện đấu giá bức tranh “Chiều tà”, lần đầu lộ diện nghệ sĩ tạo hình Tử Xuân
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Ông Nguyễn Đắc Xuân, Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Phát triển (NC&PT) Di sản Văn hóa Huế kể lại: “Sự kiện bán đấu giá bức tranh “Chiều tà” của vua Hàm Nghi xuất hiện đúng vào năm sinh nhật lần thứ 140 (1871 - 2011) của ông. Theo tin do ông Nguyễn Ngọc Giao viết từ Paris (Pháp) được phổ biến qua Đài BBC Luân Đôn, hồi 14g15’ ngày 24/11/2010, bức tranh “Chiều tà” (Déclin du jour), sơn dầu, 35cm x 46cm của vua Hàm Nghi được bán đấu giá tại Hotel Drouot, 9 rue Drouot, 75009 Paris. Bức tranh này là quà tặng của “ông Hoàng An Nam” (tức vua Hàm Nghi) cho một gia đình người Pháp. Bên trái, góc dưới bức tranh có ghi, bằng sơn đỏ: 1915, trên đó là, từ phải sang trái, hai chữ Hán Tử Xuân (bút hiệu của Hàm Nghi, tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Lịch). Phía sau bức tranh ghi “Tặng phẩm của Hoàng thân - Chiều tà sau lâu đài An Nam (tức Biệt thự Gia Long) Hoàng đế Hàm Nghi vẽ năm 1915 tại Algérie (Don du Prince d’ Annam Déclin du jour derrière le Palais d’ Annam peint par l’ Empereur Hàm-Nghi en Algérie en 1915.
bức tranh “Chiều tà” (Déclin du jour), sơn dầu, 35cm x 46cm của vua Hàm Nghi
Đây là lần đầu tiên một tác phẩm của Hàm Nghi được đem ra bán đấu giá (điều này giải thích tại sao mức định giá ban đầu khá thấp chỉ từ 800 đến 1.200 Euro). Nhưng cuối cùng, với sự nhiệt tình hưởng ứng của đại diện Chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế và Việt Kiều tại Pháp, đại diện công ty SVV Millon & Associés gõ búa vào lúc 14g57’, ngày 24/11/2010, chấp nhận giá cuối cùng là 8.800 Euro, cao gấp 9 lần so với giá ban đầu. Người mua được bức tranh là ông Gérard Chapuis, một bác sĩ người Pháp gốc Việt, sở hữu nhiều tài sản văn hóa Huế. Gérard Chapuis có ý định mang về trưng bày ở Huế để người Việt thưởng lãm nhưng đến nay chưa thực hiện được.
Ông Nguyễn Đắc Xuân cho hay: “Sau khi bức “Chiều tà” được đem ra đấu giá đã làm rộ lên phong trào tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của vua Hàm Nghi”.
Vị cựu hoàng lặng lẽ và bí ẩn 55 năm lưu đày cần giải mã

Các nhà nghiên cứu và một số cơ quan nhà nước tham dự trong buổi tọa đàm
Thời gian vua Hàm Nghi ngồi trên ngai vàng (1884 - 1885) cũng như thời kháng chiến chống Pháp (phong trào Cần vương 1885 - 1889) đã được sử sách, các hội nghị khoa học trong nước viết tương đối đầy đủ. Tuy nhiên kể từ chiều Chủ nhật ngày 13/01/1889, từ lúc vua Hàm Nghi rời tàu Biên Hòa bước lên cảng Alger cho đến khi nhà vua qua đời tại một nước Bắc Phi xa xôi vẫn còn là một ẩn số. Lý do, có thể do thông tin liên lạc từ Alger đến Việt Nam bị Pháp kiểm soát, ngăn chặn. Ngoài ra còn vì vua Hàm Nghi sống khép kín, xa lánh chính trị trong thời gian lưu vong. Vì thiếu tài liệu, ít người quan tâm nghiên cứu nên người Việt Nam chưa thể hiểu được hết về quãng thời gian vua Hàm Nghi bị lưu lại và mất ở Alger. Đặc biệt chưa hiểu rõ quá trình từ ông vua mất nước đã trở thành nghệ sĩ tạo hình, cùng với họa sĩ Lê Văn Miến mở đầu cho nền hội họa Việt Nam theo phong cách phương Tây.
Theo dòng lịch sử, Toàn quyền Richaud từng bí mật yêu cầu Bộ thuộc địa lệnh cho Algérie phải đối xử tử tế với Hàm Nghi, vì có thể đưa Hàm Nghi về làm vua khi Đồng Khánh qua đời. Mười ngày đầu khi đến Algérie, vua Hàm Nghi tạm trú tại L’hôtel de la Régence (Tòa Nhiếp chính). Sau đó, ông được giao một ngôi nhà khá tiện nghi, trước có một khoảng sân rộng, chung quanh là vườn hoa, thuộc làng El-Biar, trên dãy đồi Mustapha Supéreur, cách Alger chừng vài cây số. Lối đi từ trong nhà ra có hai rặng thông, trên hàng rào chấn song sắt treo tấm biển mang ba chữ Villa des Pins (tạm dịch: Biệt thự Ngàn Thông). Toàn quyền Algérie cử bà Marie Jeanne Delorme (1852-1941) lớn hơn vua Hàm Nghi gần 20 tuổi làm quản gia cho ông. Và, có lẽ bà cũng được giao kiêm nhiệm luôn việc theo dõi “người tù chính trị” Hàm Nghi.
Gần mười tháng tiếp đó, vua Hàm Nghi không chịu học tiếng Pháp. Ông cho rằng tiếng Pháp là thứ tiếng của dân tộc đã cướp nước An Nam, không học làm gì. Mọi việc giao thiệp đều qua thông ngôn Trần Bình Thanh. Sống ở Alger một thời gian, nhà vua thấy người Pháp ở Algérie không giống như người Pháp thực dân ở xứ An Nam, không những họ không thù hận mà trái lại còn quý mến và giúp đỡ ông. Đến tháng 11-1889, ông chịu học tiếng Pháp với Sư huynh Néopol. Trải qua 10 năm (1899) ở Biệt thự Ngàn Thông trên đất Alger, vua Hàm Nghi đã học giỏi tiếng Pháp và văn minh văn hóa Pháp. Ông nói và viết tiếng Pháp giống như người Pháp. Tuy nhiên, ông luôn nói tiếng Việt và ăn cơm Việt Nam với những người bên Việt Nam cử qua.

Vua Hàm Nghi những năm đầu ở Algérie
Không thể một mình sống mãi nơi đất khách quê người. Ở Alger lúc đó cũng không có một người phụ nữ Việt nào để ông làm bạn. Vì thế vào năm 1904, vua Hàm Nghi quyết định đính hôn với cô Marcelle Laloe (sinh năm 1884) - con gái của ông Francis Laloe - Chánh án Toà Thượng thẩm Alger (Président à la Cour d’Appel d’Alger). Gia đình Laloe mới từ Pháp sang Alger hồi đầu thế kỷ. Đám cưới của Hoàng thân An Nam và cô con gái cưng của Chánh án Tòa Thượng thẩm, là một sự kiện văn hóa chưa từng có ở Thủ đô Alger.
Vua Hàm Nghi sống rất bao dung. Ông để cho bà vợ đầm được duy trì nếp sống theo Thiên Chúa giáo cố hữu của bà, còn ông thì vẫn giữ nếp sống của người Việt Nam, phục sức, ăn uống theo lối Việt Nam. Không theo Thiên chúa giáo nhưng thỉnh thoảng ông vẫn đi nhà thờ với vợ.
Sau ngày cưới vợ một năm (1905), vua Hàm Nghi viết thư về Huế, báo tin vui ông mới có con gái đầu lòng và đặt tên là Như Mai. Nhân thể, ông nhờ mua một số thổ sản của Huế như thuốc lá, cau trầu gởi sang. Ba năm sau nữa (1908), ông có thêm Như Lý, và qua năm 1910, thêm một người con trai là Minh Đức.
Qua nghiên cứu và tiếp xúc với các quan chức Pháp, vua Hàm Nghi nghĩ rằng thực dân Pháp còn lâu mới cho phép ông trở lại quê hương, cho nên ông phải tính đến chuyện ăn ở lâu dài ở Algérie. Ông cho sửa sang Biệt thự ngàn thông (Villa des Pins), xây dựng thêm một cái gác hai tầng có bộ mái giống như Phu Văn Lâu trước Kinh thành Huế dành để thờ vua Gia Long. Ông đổi tên Villa des Pins (Biệt thự Ngàn Thông) thành Villa de Gia Long (Biệt thự Gia Long). Tại Biệt thự Gia Long, hằng năm vua Hàm Nghi tổ chức cúng giỗ Liệt thánh dòng họ Nguyễn Phước.
Suốt 40 năm chung sống (1904-1944), vua Hàm Nghi và bà vợ đầm Marcelle Laloe không hề mâu thuẫn nhau. Chuyện tình Việt Pháp êm ấm ấy có một tác dụng tích cực đến các con của hai ông bà. Dù phải sống xa quê, cách biệt với những tin tức từ Việt Nam, vua Hàm Nghi vẫn giữ được tiếng thơm cho gia đình, dòng họ và đất nước của ông.
Các con vua Hàm Nghi đều học giỏi nên vào năm 1929, Toàn quyền Pasquier bắt đầu đặc cách cho các con Cựu hoàng học bổng 10.000 francs/năm. Ngày 1-1-1931, Toàn quyền Pasquier còn tăng lương hàng năm của Cựu hoàng lên 200.000 francs (khoảng 20.000 đồng).
Ngoài 3 người con với bà Vương phi Marcelle Laloe, trước khi bị bắt và lưu đày sang Alger, vua Hàm Nghi từng có vợ là bà Phan Thị Hòa và một người con trai là Bửu Trắc. Sau này, nhà vua còn có một mối tình với cô giáo Gabrielle, sinh ra Jean Capek - người con trai ngoài giá thú của vua Hàm Nghi.
Cách sống và cách dạy con dựa trên tinh thần Việt của nhà vua đã tác động tích cực nên các con ông đều trở thành người rất có tư cách. Vua Hàm Nghi từng dặn dò con mình: “Các con chưa thể được làm những người Việt Nam tốt thì hãy là những người Pháp tốt” (Vous ne pouvez pas être de bon Vietnamien, soyez de bien Francais). Và cũng từng nhã nhặn trả lời những người bạn: “Lịch sử nước Pháp rất hấp dẫn tôi, nhưng lịch sử của nước tôi cũng hấp dẫn tôi không kém!” (L’Histoire de France me charme; mais celle de mon pays est bien belle aussi).
Vua Hàm Nghi mất ngày 14/01/1944, an táng ngay trong khuôn viên biệt thự Gia Long trên đồi El Biar nhìn ra vịnh Alger. Năm 1965, được các con cải táng qua làng Thonac thuộc vùng hành chính Aquitaine khu vực Dordogne (phía tây miền Trung nước Pháp, sát với biên giới phía tây nam tỉnh Corrèze), do Công chúa Thạc sĩ Nông học Như Mai tạo lập từ nhiều thập niên trước đó.
Nghệ sĩ tạo hình Tử Xuân, người Việt đầu tiên đi vào hội họa sơn dầu theo phong cách phương tây và di sản
Người Pháp theo dõi, giám sát vua Hàm Nghi trong suốt cuộc đời của ngài. Do đó nhà vua chỉ có thể quan tâm đến nghệ thuật.
Họa sĩ Đặng Mậu Tựu cho biết: “Vì muốn Pháp hóa vua Hàm Nghi, chính phủ Pháp nhận ra những thiên hướng của ngài đối với hội họa và đã đề xuất Marius Raynaud, họa sĩ theo trường phái Á Đông, đào tạo vua. Qua trung gian của De Vialar, viên sĩ quan người Pháp được giao phó quản thúc, Ngài bắt đầu học vẽ với họa sĩ Marius Reynaud, đồng thời cũng theo dõi lớp giảng dạy ở Trường Mỹ thuật. Năm 1899, vua Hàm Nghi được qua thăm Pháp. Trong những ngày tham quan Thủ đô Paris, ông được xem triển lãm tranh của Paul Gauguin (1848-1903) và rất thích tranh Gauguin cho nên tranh của ông chịu ảnh hưởng của phong cách Gauguin.

Họa sĩ Đặng Mậu Tựu - Phó Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Phát triển di sản văn hóa Huế phát biểu tại buổi tọa đàm
Họa sĩ Đặng Mậu Tựu nhận xét: “Lịch sử Á Đông ghi nhận hầu hết các ông vua đều biết làm thơ hay, còn vua làm họa sĩ có thể kể tới Tống Hy Tông (Trung Quốc). Phương Tây có Thủ tướng Churchill (Anh) hay Hitle (Đức). Đôi khi tôi cũng tự hỏi, nếu vua Hàm Nghi còn tại vị thì ông có làm họa sĩ không? Chắc chắn là không vì vua sẽ rất bận rộn với công việc triều chính, và cả kháng Pháp nữa. Đây là khoảng thời gian cùng cực nhất về mặt tinh thần của nhà vua. Hội họa giúp ông giải tỏa sự uất ức”.
Có thể xem vua Hàm Nghi cùng với họa sĩ Lê Văn Miến (1873-1943) là hai người Việt đầu tiên đi vào hội họa sơn dầu theo phong cách phương tây. Vua Hàm Nghi đã ký vào một số bức tranh của ông với nghệ danh là "Tû Xuan" (Xuân Tử: 春子 tên gia đình gọi lúc nhỏ của Ưng Lịch, tức vua Hàm Nghi) để người Pháp dễ phát âm. Cách viết "Tû Xuan" cũng xuất hiện trên danh mục của cuộc triển lãm năm 1926: Triển lãm của Hoàng tử Tû-Xuan (Hoàng tử An Nam), từ ngày 15 đến ngày 27 tháng 11 năm 1926.
Từ năm 1904, vua Hàm Nghi tham dự các khóa học điêu khắc với Auguste Rodin. Ngài tạc tượng phụ nữ và tượng bán thân nữ và nam. Một trong những tượng phụ nữ, sáng tác năm 1925, đúc bằng đồng là "Eve", có chiều 52cm, thể hiện một người phụ nữ khỏa thân, tư thế đứng, tựa đầu vào cánh tay phải uốn cong, tay trái cầm một quả táo, tóc buông xõa đằng sau. Sự quan tâm của vua Hàm Nghi và việc chọn các chủ đề điêu khắc trái ngược việc ông vẽ tranh vì hầu hết các bức tranh sơn dầu không có nhân vật
Ngoài việc thực hiện các hoạt động hội họa, điêu khắc ra, ngài còn giao du với nhiều nhà trí thức, nghệ sĩ Pháp như Léon Fourquet, Pierre Loti, Louis Massignon, Marius Reynaud, Pierre Roche, Georges Rochegrosse, Auguste Rodin, Camille Saint-Saëns và có 3 lần triển lãm tác phẩm của mình vào các năm 1904, 1909 và 1926.
Họa sĩ Léonard Tsuguharu Foujita, nghệ sĩ Nhật Bản quan trọng nhất làm việc ở phương Tây trong thế kỉ 20 từng nhận xét: “Vua Hàm Nghi là một họa sĩ thực thụ với nhạy cảm tuyệt vời".
Tư liệu gia đình hiện còn lưu trữ được 2.450 lá thư, bản nháp thư từ và giấy tờ cá nhân; khoảng 100 hình vẽ, tranh màu, tranh sơn, tác phẩm điêu khắc, đóng góp vào việc hình thành một tiểu sử đầy đủ vua Hàm Nghi.
Nhà văn Bửu Ý bày tỏ: “Tôi rất lấy làm lạ và vui mừng. Không ngờ trên bước đường gian truân mà nhà vua lại học được về Hội họa và lại còn là một người Việt Nam có triển lãm từ rất sớm tại Pháp”.
Họa sĩ Phan Thanh Bình, Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Nghệ thuật Huế nhận định: “Nghệ sĩ Tử Xuân lựa chọn đi sâu vào Hội họa, chủ yếu sáng tác tranh phong cảnh. Muốn xem hình người, nét người dưới tay nhà vua thì phải xem tượng. Tuy nhiên các tác phẩm điêu khắc đã công bố của nhà vua đều chỉ là tác phẩm đang học”.
Những thông tin sai lệch cần đính chính liên quan vua Hàm Nghi
Liên quan đến một số thông tin sai lệch về cuộc đời, sự nghiêp và gia đình của vua Hàm Nghi, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm cho hay: “Thú thật tôi đã bồn chồn, mất ngủ trước cuộc tọa đàm này. Xưa nay, chúng ta bàn nhiều về Cần vương, về sự kiện thất thủ kinh đô nhưng chưa bàn cụ thể về việc vua Hàm Nghi đã sống và làm việc như thế nào khi bị lưu đày. Tôi rất hoan nghênh Hội NC&PT Di sản Văn hóa Huế cùng Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế đã cố gắng tổ chức hội thảo trong bối cảnh căng thẳng hiện nay.

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - Nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng khóa IX, Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương đưa ra một số quan điểm đính chính về vua Hàm Nghi
Hàm Nghi là ông vua đã hiến thân cho đất nước Việt Nam. Cuộc đời nhà vua có hai lần hiến thân. Lần hiến thân thứ nhất trong phong trào Cần Vương, tuy ban đầu là bị động nhưng dần về sau đã chủ động trở thành lá cờ đầu. Cuộc dấn thân thứ hai vào nghệ thuật cũng rất sáng giá và còn dư âm lại cho mãi về sau. Hiện những gì chúng ta biết về vua Hàm Nghi chưa thực sự sâu sắc cho nên buổi tọa đàm hôm nay có giá trị rất lớn nhằm đặt đúng vị trí của vua Hàm Nghi trong tiến trình lịch sử, đồng thời bảo vệ vua Hàm Nghi để tránh những oan ức còn đang bao quanh cuộc đời của ông. Ông khởi xướng phong trao Cần Vương nhưng lại bị phản bội. Và trên bước đường lưu đày, tòa nhà lưu trữ các bút tích, tác phẩm nghệ thuật của ông lại bị cháy”.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trăn trở: “Hiện nay nhiều tư liệu còn nhầm lẫn về bút hiệu của ông, nơi viết Xuân Tử, nơi nói Tử Xuân, thậm chí còn cảm thấy nói thế nào cũng được. Nhưng vua Hàm Nghi là một người kiên định đến tuyệt đối. Ông là Tử Xuân và tên ký trên các bức tranh cũng là Tử Xuân. Tử Xuân là tên hiệu của nhà vua được đặt từ khi còn đi học, tên hiệu nhắc nhở nhà vua là học trò của Tử Cống, luôn trung thành với “Tam cương ngũ thường”, không thể lơ là. Và nhà vua đã trung thành với tên Tử Xuân đến trọn đời. Do đó chúng ta phải tôn trọng và viết đúng là Tử Xuân. Nhiều người cho rằng ông là một họa sĩ sớm, có triển lãm sớm nhưng xin nhớ rằng Trường Mỹ thuật Đông Dương thành lập năm 1925 vẽ theo trường phái Lãng mạn, còn vua Hàm Nghi là vẽ theo trường phái Ấn tượng lúc đó đang thịnh hành tại Pháp, cũng như triết lý hiện sinh của Albert Camus chắc chắn không xa lạ với nhà vua. Cho nên có thể nói vua Hàm Nghi tiếp cận sớm với nghệ thuật hiện đại của phương Tây đồng thời thể hiện một tư tưởng canh tân rất mạnh mẽ.
Câu chuyện đấu giá bức tranh “Chiều tà” cho thấy chúng ta luôn chạy sau sự kiện nên bị hụt hơi khiến tác phẩm của một nhà vua nổi tiếng thế giới rơi vào cảnh éo le. Chúng ta cần can đảm để vượt qua các chướng ngại, đừng phân vân lưỡng lự để dành cho vua Hàm Nghi một vị trí xứng đáng trong lịch sử và nền nghệ thuật Việt Nam”.
Ngoài làm rõ bút hiệu vua Hàm Nghi, các nhà nghiên cứu còn cung cấp tư liệu để đính chính một số thông tin khác như:
- Vua Hàm Nghi sinh ngày 3/8/1871 và mất ngày 14/1/1944 tại biệt thự Gia Long. Ông là con trai của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Phan Thị Nhàn
- Tên con gái đầu lòng của vua là Như Mai (không phải Nhữ Mây như một số tài liệu lưu hành).
- Nhấn mạnh những thông tin ông Hải Âu đề cập trong cuốn sách“Vua Hàm Nghi” do NXB Văn Nghệ TP.HCM ấn hành năm 2000 có nhiều chi tiết là hư cấu, sai sự thật.
GS.TS Triết học Thái Kim Lan bày tỏ: “Hàm Nghi là một vị vua cao quý. Mặc dù phải đi lưu đày, bị quản thúc cả phần đời còn lại ở một đất nước xa lạ nhưng ông không lẫn lộn, không bị pha trộn, luôn giữ mình là một người Việt Nam. Ông còn là một người sáng tạo, dù ở hoàn cảnh nào cũng vẫn tìm ra cho mình lối thoát một cách mạnh mẽ, tự chủ”.
GS.TS Triết học Thái Kim Lan bày tỏ cảm nghĩ trong tọa đàm "Hàm Nghi - Nhà vua bị lưu đày, nghệ sĩ tạo hình Tử Xuân ở Alger"
Những dự định còn để ngỏ
Chủ tịch Hội đồng Nguyễn Phúc tộc, TS. Bửu Nam, chia sẻ nguyện vọng: “Nguyễn Phúc tộc rất mong muốn được đưa lăng mộ vua Hàm Nghi về Huế, đồng thời thành lập một bảo tàng trưng bày, giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp của nhà vua đến mọi người dân Việt Nam, rất mong được tỉnh và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế ủng hộ”.
Ông Phan Tấn Tô, đại diện Hội cựu học sinh tường trung học Hàm Nghi đề đạt mở rộng trường THCS Hàm Nghi hiện tại lên thành trường cấp 2,3 Hàm Nghi. Nếu được chính quyền tỉnh cho phép, Hội cựu học sinh Hàm Nghi sẵn sàng cùng nhà nước đầu tư theo hướng xã hội hóa giáo dục nhằm hỗ trợ hoạt động cho nhà trường.
Khi được mời chia sẻ tại tọa đàm, ông Hoàng Việt Trung, GĐ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiết lộ: “Sắp tới Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch sẽ tài trợ 20 tỷ đồng để sản xuất một bộ phim về vua Hàm Nghi, biên kịch Đinh Thiên Phúc đã tập trung viết kịch bản gần hai năm nay. Sắp tới sẽ rất cần sự hỗ trợ của các nhà nghiên cứu cùng tham gia góp ý hoàn thiện.
Phát huy giá trị các giá trị di sản vua Hàm Nghi, một số ý kiến đề nghị các hãng lữ hành mở tour du lịch qua Pháp thăm lăng mộ vua Hàm Nghi. Tại Huế, nhà báo Thanh Tùng đề xuất có thể nghiên cứu khai thác tour tham quan các di tích liên quan đến Kiên Thái Vương – ông hoàng sinh ra 3 vị vua, như tour “Con đường vương phủ” theo tuyến đường Phan Đình Phùng; tour “Khám phá nếp sống Hoàng gia, vương phủ”; Liên kết lăng vua Tự Đức, lăng vua Đồng Khánh và lăng Kiên Thái Vương thành một sản mới.
Trước khi kết thúc buổi tọa đàm, TS. Trần Đình Hằng kiến nghị: “Hàm Nghi là vị vua có thân phận đặc biệt. Ông trở thành hoàng đế khi còn trẻ, trở thành thủ lĩnh kháng chiến và rồi bị lưu đày biệt xứ. Hoàn cảnh này khiến cho con người dễ trở nên “trầm cảm” nhưng nhà vua đã kiểm soát được hoàn cảnh, giữ được khí chất lẫn phong thái một đức vua của mình. Sau tọa đàm này, các tư liệu nghiên cứu sẽ được tập hợp thành sách phát hành rộng rãi. Tôi đề xuất, nếu trước mắt chưa đủ điều kiện tiến hành di dời lăng mộ của vua Hàm Nghi về Huế thì con cháu có thể qua Pháp làm nghi lễ thỉnh chân hương, nắm đất về xây mộ. Việc này vừa dễ làm làm, lại phù hợp với phong tục tập quán của người Việt Nam. Chúng ta rất cần định vị lại dấu ấn vua Hàm Nghi trong lịch sử nhà Nguyễn, ghi nhận giá trị, dữ liệu hóa và di sản hóa tư liệu thành sách, phim ảnh!”.
Diễm Châu (lược ghi)