Huế từng nổi tiếng là một trung tâm tư liệu lịch sử văn hóa Việt Nam

Nói đến chuyện nghiên cứu văn hóa lịch sử là nói đến tư liệu. Không có tư liệu thì không có chuyện nghiên cứu. Huế là cố đô của triều đại quân chủ cuối cùng ở Việt Nam, từng nổi tiếng là một trung tâm tư liệu lịch sử được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm. Để mở đầu bài viết này, tôi xin kể một câu chuyện đã xảy ra sau ngày thống nhất đất nước chừng mươi năm.
1. Nhà Đông phương học Boris Riptin đến Huế tìm sách
Vào một buổi trưa nắng gắt, lãnh đạo tỉnh Bình Trị Thiên gọi tôi đến khách sạn Hương Giang để hướng dẫn cho một vị khách nước ngoài thực hiện một việc quan trọng. Tôi đến nơi thì gặp một người Nga râu tóc bạc phơ nhưng còn khỏe mạnh. Mặt mày ông nhăn nhó như đang bực tức một điều gì. Thấy tôi, vị lãnh đạo tỉnh Bình Trị Thiên nói:
- Đây là nhà Đông phương học Boris Riptin thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xô-viết. Đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh giới thiệu ông vào đây để đi tìm sách cũ về truyện Hán-Nôm, nhưng hai ngày qua ông tìm trong các thư viện nhân dân ở tỉnh không có. Vậy đồng chí có thể giúp gì cho ông được không?
Đột ngột quá nên tôi không dám trả lời được hay không. Nhà thơ Bằng Việt (phiên dịch tiếng Nga) ngồi bên cạnh ông Boris Riptin, thấy tôi là người quen nên nói thêm vào:
- Nếu được thì anh cố gắng giúp ông ta, mất hai ngày ở đây mà không tìm được gì ông bạn cáu lắm.
Không thể từ chối được, tôi trả lời vị lãnh đạo tỉnh:
- Các thư viện nhân dân chắc chắn là không có sách Hán Nôm rồi, tôi có thể giúp ông ta đến các tủ sách tư nhân, nhưng với điều kiện ...
- Điều kiện gì? Tiền à? - Vị lãnh đạo nói với thái độ sẵn sàng chi tiền.
- Không phải. Với điều kiện tôi đưa ông đến nhà dân mà không có công an đi theo. Dân không muốn công an vô cớ đến nhà họ.
Vị lãnh đạo tỉnh hiểu ra vấn đề và đồng ý ngay. Nhà thơ Bằng Việt dịch sang tiếng Nga cho Boris nghe và ông đứng dậy đi ngay. Không phải chờ bố trí ô-tô, Boris và Bằng Việt leo lên một chiếc xích-lô đậu trước khách sạn, tôi đạp xe đi trước dẫn đường.
Ngay buổi trưa hôm đó tôi đưa Boris đến nhiều nhà, nhà nào ông cũng ghi chép được một số đầu sách ông cần tìm, nhưng nơi để lại trong ông một cảm tình đặc biệt là nhà thầy Phan Văn Dật trên đường Nguyễn Chí Diểu trong Thành nội Huế. Hôm ấy không có điện, buổi trưa nóng bức, mặt mày nhễ nhại mồ hôi và mồ hóng, thầy Phan Văn Dật tay cầm cây đèn dầu, tay lật từng chồng sách cũ xếp trong nhà bếp để tìm sách cho người bạn Nga. Cuối cùng thầy chọn được một ôm đem ra cho Boris. Boris rất giỏi Hán Nôm, từng nghiên cứu bên Bắc Kinh nhiều năm, nên mới liếc qua chồng sách ông đã thích thú kêu lên bằng tiếng Nga và anh Bằng Việt dịch lại:
- Đây rồi ! Đây rồi ! Những gì tôi muốn tìm đây rồi. Cám ơn lắm lắm.
Ông lấy sổ tay ghi lia lịa. Ông chọn những cuốn ông thích nhất để qua một bên. Cuối cùng ông hỏi:
- Ông có thể nhượng lại cho tôi những cuốn sách này được không?
Thầy Phan Văn Dật vốn là một nhà thơ, dù rất nghèo nhưng thầy không thể nói chuyện mua bán sách với một vị đại trí thức của Nga như thế nên thầy đáp:
- Đây là những thứ tôi quí nhất, tôi không thể bán. Nhưng nếu Ngài cần tôi xin biếu Ngài.
Boris hết sức ngạc nhiên và ông nói nhỏ với Bằng Việt một chuyện riêng gì đó mà Bằng Việt không dịch cho chúng tôi nghe. Hình như ông ân hận về chuyện hỏi mua sách của một người trí thức. Cuối cùng ông quay qua nói với thầy Dật:
- Tôi xin cám ơn ông. May gặp được ông tôi mới khỏi phí cái công đến Huế và tránh được một sự thất vọng não nề về Huế trong tôi. Tôi xin hứa sẽ dành riêng một ngăn tủ trong gia đình tôi ở Mát-khơ-va để tàng trữ lâu dài những cuốn sách quí này.
- Như thế thì hân hạnh cho tôi quá ! Cám ơn Ngài ! - Thầy Dật đáp.
Sáng hôm sau Boris rời Huế. Bẵng đi một thời gian rồi tôi nhận được một gói quà và một lá thư bằng tiếng Nga kèm theo bản dịch tiếng Việt. Gói quà gồm một chai rượu Vốt-ka, hai con cá khô và mấy gói bột canh. Lá thư viết đại ý là nhờ tôi chuyển cho thầy Dật gói quà với lời giải thích rằng: “Ở nước Nga, người ta chỉ tặng rượu và cá khô cho những người họ quí trọng nhất. Và, khi tôi vào trong nhà bếp nhà ông trí thức, tôi nhìn vào tủ để thức ăn thấy trống trơn. Chỗ nào cũng thấy sách với sách. Tôi gởi tặng ông mấy gói bột canh Nga”. Trong lá thư ấy ông cũng cảm ơn tôi đã giúp ông và ông bảo tôi: “Sách, tài liệu văn hóa lịch sử là những thứ mà giới nghiên cứu rất cần. Tại sao Huế không tổ chức đưa những thứ ấy vào một cơ quan để cho mọi người được sử dụng và người chủ tài liệu cũng có được một chút thù lao? Sách, tài liệu quí cũng là một nội dung thu hút khách du lịch đấy chứ !”.
Lần đó, tôi được làm việc với Boris Riptin trong một thời gian rất ngắn, nhưng tôi đã được ông dạy cho nhiều điều bổ ích. Riêng bài học về sách và tài liệu lịch sử thì tôi nhớ đời.


2. Thời oanh liệt nay còn đâu
Không riêng gì Boris Riptin nghĩ Huế vẫn còn là trung tâm tư liệu văn hóa lịch sử Việt Nam, nhiều học giả trong và ngoài nước đang theo đuổi sự nghiệp Việt Nam học cũng nghĩ thế và không ít người đã hết sức thất vọng. Người ta nhắc nhiều đến các tủ sách của Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương, Cao Xuân Dục (thế kỷ XIX), Quốc sử quán, Tân thơ viện, Thư viện Bảo Đại, Tủ sách gia đình cụ Đào Duy Anh, gia đình cụ Võ Bá Hạp, Hội Quảng Tri (Huế), Hội Đô Thành hiếu cổ (Association des Amis du Vieux Hué), Nhà thờ Thiên An... nổi tiếng một thời nhưng bây giờ chỉ còn nhắc lại trên giấy. Tài liệu sách vở Huế đã trải qua quá nhiều tai ương. Sau khi chiếm Kinh thành Huế tháng 7-1885, một đại đội thủy quân lục chiến của Pháp phải để hai tháng mới mang hết các “chiến lợi phẩm” quí giá trong Nội xuống tàu đậu trên sông Hương để chở về Pháp. Trong số chiến lợi phẩm ấy có vô số các tác phẩm sử và văn học cổ Việt Nam. Sau đó, để có đủ sách vở cho học trò học, các triều vua sau Đồng Khánh đã cho lượm lặt sao chép lại sử sách từ các tư gia, phục hồi lại những gì đã mất(1). Đến cuối triều Nguyễn, năm 1947, vỡ Mặt trận, toàn bộ sử sách trong thư viện Hoàng gia, trong Quốc sử quán, trong Lầu Tàng thơ lại đội nón ra đi. Vô số sách quí ra chợ Đông Ba biến thành giấy hút thuốc; một số được chuyên chở ra đình làng Hiền Lương (huyện Phong Điền) và nát tan với ngọn lửa chiến tranh. Năm 1968, không quân Mỹ giã nát 90 % nhà cửa ở Bắc sông Hương, những sách vở còn tàng trữ trong các tư gia đã trở thành giấy vụn, một số làm nhiên liệu nấu ăn. Toàn bộ tư liệu vô giá của Linh mục L.Cadière sưu tầm hơn nửa thế kỷ để ở nhà thờ Thiên An đã bị bom Mỹ thiêu rụi. Và, cũng không thể nhắc đến sự kiện “chống văn hóa nô dịch” đầu năm 1976, trong số hàng triệu bản sách đem nộp để hủy và giam vào kho cấm, có không ít tài liệu văn hóa lịch sử Việt Nam. Đó là chuyện do con người gây ra. Bên cạnh các thủ phạm là chiến tranh, sự nghèo khó, sự hẹp hòi dốt nát còn có thêm thủ phạm là ông trời làm nên lũ lụt hằng năm, gây ra những tháng ẩm ướt tàn phá không biết bao nhiêu tài liệu sách vở của Huế. Nhiều cuốn sách, nhiều bản thảo chữ Hán hiếm hoi còn lại dính đầy bùn đất của Bão năm Thìn 1904, của Lụt 53 và đặc biệt trong cơn đại hồng thủy cuối năm 1999 vừa rồi.
Nhưng dù sao mỗi khi nghĩ tới ngành sử học Việt Nam, người ta không thể không nhắc đến một sự thật: Chính tại mảnh đất đầy tai ương và bất hạnh của Huế này từng sản sinh ra những bộ sách thuộc loại quý giá nhất của dân tộc. Đó là các bộ sử Nam triều Khai quốc Công nghiệp diễn chí (Nguyễn Khoa Chiêm), Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn), Đại Nam thực lục tiền biên và chính biên gồm 560 quyển, biên niên từ thời chúa Nguyễn Hoàng mới vào trấn thủ Thuận Quảng cho đến cuối triều Đồng Khánh; bộ Khâm định Đại nam Việt sử Thông giám Cương mục, 53 quyển, biên niên từ đời Hùng Vương đến đời Lê Chiêu Thống (1789), bộ Khâm định Đại nam Hội điển Sự lệ 262 quyển, chép tất cả những chỉ dụ, sắc lệnh, chiếu chỉ đã đem thi hành kể từ năm Gia Long thứ nhất (1802) đến năm Tự Đức thứ tư (1851); Đại Nam liệt truyện tiền biên và Chính biên 85 quyển, chép tiểu sử của nhân vật triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí 28 cuốn, chép lịch sử đất nước và con người từng tỉnh và hàng trăm các bộ sách văn sử khác như Hoàng Việt luật lệ, Quốc triều Đăng khoa lục, Quốc triều Hương khoa lục, Minh Mệnh chính yếu, Tự Đức thánh chế v.v... Ngoài những tác phẩm do triều Nguyễn biên soạn còn có biết bao sách sử của người phương Tây đã viết về Huế, về Việt Nam từ các thế kỷ trước cho đến đầu Thế kỷ XX như Souvenirs de Hué của Đức Chaigneau, Souvenirs de l’Indochine của Toàn quyền Paul Doumer... Ngay nửa đầu thế kỷ này những cuốn Tự phán (Phan Bội Châu), Việt Nam văn hóa sử cương (Đào Duy Anh), Thi nhân Việt Nam (Hoài Thanh, Hoài Chân), báo Tiếng Dân (Huỳnh Thúc Kháng) có ảnh hưởng lớn trong lịch sử văn hóa Việt Nam cũng được ra đời tại Huế. Cách đây không lâu, ngay trước thế hệ của chúng ta, bên cạnh tạp chí Đại học, Ủy ban phiên dịch Sử liệu Việt Nam của Đại học Huế đã sưu tập và phiên dịch được nhiều tác phẩm vô giá như An Nam chí lược (Lê Tắc), Hải Ngoại kỷ sự (Thích Đại Sán), Mục lục Châu bản triều Nguyễn (triều Gia Long và triều Minh Mạng) v.v. Đáng lẽ khi Di tích văn hóa lịch sử Huế được công nhận là Di sản thế giới thì những sử sách trên cũng được sưu tập, sao chép, phục chế để phục vụ các cơ quan nghiên cứu và khách tham quan. Nhưng không hiểu vì sao cho đến ngày nay không mấy người còn biết di tích Quốc sử quán nằm ở đâu, Lầu Tàng thư vẫn còn làm doanh trại quân đội, Thái Bình Ngự lãm thư lâu (nơi vua đọc sách ngày xưa) được sơn thếp vàng son để giới thiệu với khách là một kiến trúc Huế chứ hoàn toàn không phải là nơi tàng trữ sách quý. Các bậc thức giả muốn đến Huế nghiên cứu không biết liên hệ ở đâu. Sau chiến tranh với Phong trào Tây Sơn hai mươi năm, vua Minh Mạng đã hạ chiếu sưu tầm sách sử của dân tộc. Thời đại chúng ta, sau chiến tranh (5-1975) có cuộc thu nộp sách báo “văn hóa đồi trụy” tháng 3-1976 rồi mãi đến nay tôi chưa tìm đâu được một quyết định sưu tầm tài liệu sách cũ để tương xứng với Huế là Trung tâm văn hóa du lịch, trung tâm đào tạo Đại học, có Di sản văn hóa của nhân loại.


3. Cũng là lời chung
Nói đến sách cổ ai cũng thấy quý. Sách cũ là một trong ba thứ quý của con người có văn hóa: sách cũ, rượu cũ và bạn cũ. Nhưng người ta có không biết bao nhiêu sách lược để bảo vệ đồng tiền, vàng trên thế giới nhưng ngay cả cơ quan UNESCO cũng không có mấy chính sách bảo vệ tài liệu khoa học, sách cũ của các dân tộc. Do đó nhân loại đã xảy ra không biết bao nhiêu chuyện rơi nước mắt đối với những người quý sách cũ. Có lần trên báo Lao Động tôi đã kể chuyện ông Bửu Kỉnh - một nhà nghiên cứu Hoàng tộc Việt Nam, có thời làm đại sứ của chính quyền cũ tại Pháp, đã từng diễn thuyết trước Viện Hàn lâm Pháp về đề tài Mối quan hệ giữa cựu hoàng Duy Tân và tướng Đờ Gôn. Ông có một kho sách văn hóa lịch sử lớn. Nhưng tiếc thay mới đây ông qua đời, không có người thừa kế, các ông bạn ác nghiệt đã đến xẻ thịt kho sách của ông phát tán đi hết. Một người yêu sách ở Pháp kể lại cho tôi câu chuyện ấy với hai hàng lệ rơi. Cách đây bốn năm, tôi được đến thăm bà Phạm Thị Ngoạn (con gái của cụ Phạm Quỳnh, quả phụ của nhà văn Nguyễn Tiến Lãng) tại Pháp nhìn hàng ngàn cuốn sách quí về lịch sử văn hóa Việt Nam đã được đóng bìa da mạ chữ vàng của bà, tôi hỏi: “Thưa bà, cái gia tài vô giá này sẽ về đâu khi bà trăm tuổi?”. Bà nhẹ nhàng đáp bằng một câu hỏi: “Theo anh thì nó nên đi về đâu là phải nhất?”. Bị hỏi bất ngờ tôi lúng túng mãi mới thưa được: “Nghe bà Phạm Thị Hoàn - em bà, vừa dẹp cái quán ăn Sông Hương ở tầng trệt nhà mình để làm phòng đọc sách dành cho người Việt Nam sang Pháp ở lại nghiên cứu viết luận án. Nên chăng bà đưa về đó !”. Bà Ngoạn làm thinh. Tự nhiên tôi cảm thấy mình nông nổi. Bởi vì rồi một ngày nào đó bà Hoàn cũng phải ra đi, còn chuyện sách thì vĩnh viễn kia mà ! Đầu năm 1999, trở lại Paris, tôi được biết bà đã lẩn (toqué) không còn đọc sách được nữa và đang chờ đi về thế giới bên kia. Kho sách của bà trở thành một gánh nặng cho những người ở lại. Và, như chúng ta đọc báo đã biết, ông Hồ Tấn Phan - một giáo viên mê sách và tài liệu cũ ở đường Cao Bá Quát phường Phú Hiệp (Huế) vừa qua đã bị lũ lụt hồi đầu tháng 11-1999 nhận chìm trong nước bùn hàng vạn cuốn sách quý. Trong số đó có hàng trăm đầu sách chữ Pháp, chữ Hán, chữ Nôm ra đời cách đây mấy thế kỷ và chỉ còn mỗi thứ một bản trong gia đình ông Phan. Ông Phan may mắn không bị trôi cuốn sách nào, nhưng những gì còn lại ông phải mất vài ba năm nữa mới có thể ép cho ráo nước và xông phơi xong. Hàng ngàn trang sách chữ Hán đã đóng thành cục không thể gỡ ra được nữa, những hình ảnh in trong các sách Pháp dính vào nhau như một thỏi bột. Trận lũ lụt đã đi qua hai ba tháng mà ông Phan vẫn chưa thoát khỏi cơn ác mộng. Chưa nói đến những gì ông Phan đã và sắp viết từ việc khai thác kho tư liệu vô giá của ông, riêng chuyện ông hy sinh thắt lưng buột bụng hơn nửa đời người để giữ lại cho Huế chừng ấy tư liệu, công đức của ông Phan cũng đã đáng tôn vinh rồi. Tiền bạc, nhà cửa, phương tiện có thể thuộc công hữu hay tư hữu, nhưng sản phẩm trí tuệ, sách vở tư liệu thông tin khoa học lịch sử không bao giờ thuộc của riêng ai. Có thể hôm nay ông Phan chưa khai thác hết những thông tin khoa học trong tủ sách ông, ngày mai ông sẽ làm việc ấy để phục vụ cho con người. Nhưng nếu đời ông Phan chưa khai thác được gì thì những tư liệu ấy còn lại đời sau sẽ khai thác tiếp. Ngày mai nhân dân Thành phố Huế sẽ giàu hơn, thông minh hơn, có nhiều phương tiện làm việc hiện đại hơn gấp trăm nghìn lần hôm nay, nhưng nếu không có tài liệu sách vở thông tin của chúng ta để lại thì cái tương lai xán lạn đó chỉ là một loại tương lai không có quá khứ, một tương lai sinh ra từ một ống nghiệm. Những ý kiến, nhận định này của tôi không có gì mới lạ, ai cũng có thể nói như thế. Nhưng tiếc thay, cho đến nay tôi chưa được nghe có một ý kiến gì, một chủ trương gì, một số tiền mọn nào giúp cho ông Phan cứu vãn kho sách vô giá của ông ta.
Tôi dẫn chứng trường hợp của ông Phan để nói lên một sự thật: Trung tâm văn hóa du lịch Huế đang thiếu một chiến lược về văn hóa.
4. Không phải chỉ các nhà nghiên cứu mới cần đến tư liệu
Không có tài liệu văn hóa lịch sử thì không thực hiện được việc nghiên cứu văn hóa lịch sử. Dĩ nhiên. Nhưng không phải chỉ các nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử mới cần đến tài liệu văn hóa lịch sử. Đem tinh thần nghị quyết V vào đời sống xã hội, tích cực xây dựng bản lãnh văn hóa dân tộc, nếu không có tư liệu văn hóa lịch sử của dân tộc thì lấy gì xây dựng bản lãnh dân tộc? Đặc biệt, Thừa Thiên Huế có Di sản văn hóa của nhân loại. Cái di sản đó là gì nếu không phải là truyền thống lịch sử văn hóa của Huế, của triều Nguyễn đóng đô trên đất Huế? Nếu không có tư liệu thì làm sao cụ thể hóa được cái truyền thống đó để cho năm châu bốn bể đến xem? Và, như tôi đã dẫn lời của Boris Riptin, chính tư liệu sách vở thuộc về quá khứ của Huế, của Việt Nam cũng là một nội dung thu hút khách du lịch. Hơn thế nữa, sách vở tư liệu là những đúc kết sự hiểu biết, trí khôn, của nhiều thế hệ cha ông của chúng ta. Nếu những ai đã đọc qua những thông tin về Cửa Eo trong Phủ Biên tạp lục, trong Đại Nam nhất thống chí thì sẽ không ngạc nhiên khi thấy ông Trời khép lại cửa Thuận An và mở lại cửa Hoà Duân, nếu biết từ thế kỷ thứ tư đã có “bến Ôn Công” thì không ai lại bảo rằng cảng Chân Mây là một khám phá trong những năm đầu của thập niên chín mươi. Và, nếu đã đọc Đại Nam nhất thống chí đời Duy Tân thì chắc không ai dám đổi tên cầu Trường Tiến thành cầu Tràng Tiền. Trong những năm gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô muốn phục chế lại điện Cần Chánh nhưng ngặt vì thiếu tư liệu. Tiền xây dựng có thể được tài trợ, nhưng không có tư liệu cũ cũng phải bó tay. Không những cần phải có tư liệu để phục chế lại những cái đã có, mà muốn làm nên những cái mới nếu không có tư liệu cũng không thể làm được. Tỉnh Thừa Thiên Huế và Thành phố Huế cho đến nay chưa có một cuốn Thông sử, chưa có Địa chí, chưa có một cuốn phim Lịch sử, chưa có Lịch sử các ngành như Văn học, Mỹ thuật, Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Giáo dục, Du lịch, các Lễ hội truyền thống, chưa có Lịch sử các nghề như Chạm khắc, thợ Rèn, thợ Vàng.v.v. Đất nước thống nhất đã ngót một phần tư thế kỷ rồi. Nhân loại cũng đã qua thiên niên kỷ mới. Vậy đợi đến bao giờ thì người dân ở cái trung tâm văn hóa của cả nước và nhân loại này mới được đọc những công trình văn hóa ấy?
5. Xin đừng để lỡ mất cơ hội nữa
Lúc sinh thời, Thầy Hoàng Xuân Hãn rất ưu tư về việc đưa kho tàng sách tài liệu Hán Nôm của Thầy về Huế. Chính quyền ở Huế không thoả mãn được những yêu cầu về phòng ốc, cơ sở kỹ thuật để tiếp nhận và lưu giữ tài sản vô giá ấy. Nghệ sĩ Điềm Phùng Thị biết thế nên khi thiết kế Trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị (định làm ở cánh đồng đối diện với cung An Định) bà đã gắn vào Trung tâm một cái thư viện nhỏ dành cho Thầy Hoàng. Tiếc là sau đó bà được cấp ngôi nhà cũ ở số 1 Phan Bội Châu làm nhà Trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị, không xây dựng Trung tâm nữa. Việc xây dựng thư viện Hoàng Xuân Hãn chỉ còn là một kỷ niệm. Cho đến lúc sắp mất Thầy Hoàng vẫn còn nhắc lại nỗi ưu tư của mình với Phóng viên đài RFI. Hiện nay tất cả sách vở tài liệu của Thầy đã được lưu giữ trong Trung tâm nghiên cứu văn hóa khoa học Cam Tuyền do ông bà Nghiêm Xuân Hải và Hoàng Xuân An đảm trách. Thầy ở hiền nên đã gặp được con nuôi và con rể lành. Trường hợp Bác sĩ A. Sallet thì còn may mắn hơn cả nhà bác học họ Hoàng nữa. Bác sĩ A.Sallet là rể ông chủ khách sạn Morin hồi đầu thế kỷ, ông là nhân vật quan trọng thứ hai (sau L.Cadière) trong việc sáng lập và điều hành Hội và Tập san Những người bạn Huế xưa (Association et Bulletin des Amis du Vieux Hué, AAVH & BAVH) tồn tại đến 30 năm (1914-1944), đóng góp với Huế một khối lượng tư liệu văn hóa lịch sử vô tiền khoán hậu (Nhà Thuận Hoá vừa dịch và in được sáu năm đầu). Khoản đầu những năm ba mươi, A.Sallet bị thực dân trục xuất về Pháp. Ông không bỏ cuộc, về nước, ông làm đại diện cho BAVH tại Pháp cho đến ngày BAVH ngưng xuất bản vì chiến tranh (1944). Ông không có con trai, sau khi ông mất toàn thể kho tư liệu vô giá của ông chia cho các bà con gái. Các bà cháu ngoại của Morin giữ số tư liệu đó làm kỷ niệm của người cha tận tình với văn hóa lịch sử Việt Nam. Tưởng chuyện đời chỉ đến thế. Không ngờ A.Sallet có một người cháu ngoại là Jean Cousso rất kính phục sự nghiệp của ông ngoại. Jean đã bỏ ra hàng chục năm đi sưu tập, qui tụ toàn bộ sách vở tài liệu của A.Sallet và do Sallet trước tác về nhà mình. Anh đã sắp xếp theo đề mục, tóm tắt tất cả sách vở tài liệu của ông ngoại để lại gồm sách, báo chí, brochure, bản đồ, hướng dẫn và đặc biệt là những tài liệu đánh máy, chép tay của các làng xã điều tra theo yêu cầu của BAVH mà BAVH chưa có dịp dùng đến. Anh vừa tặng tôi một bản sao Catalogue về kho sách của A.Sallet. Một đề mục chỉ viết từ 1 đến 4 dòng, riêng phần I đã có đến một ngàn đề mục, chứa đầy 130 trang giấy A4. Do sự vận động nhiệt tình của anh, nay Hội những người bạn Huế xưa (AAVH) đã phục hồi ở Pháp, nhiều tổ chức văn hóa ở Pháp đã ra sức giúp anh. Anh đã ghi toàn bộ kho sách, hình ảnh văn hóa lịch sử của ông ngoại vào đĩa CD-ROM. Mấy năm nay anh không ngừng vận động chính quyền Thừa Thiên Huế giúp anh một cơ sở tại Huế để anh đem toàn bộ những gì của A.Sallet về lưu giữ và phục vụ bạn đọc Việt Nam. Nhưng có lẽ vì địa phương chưa có đủ điều kiện về vật chất và kỹ thuật (!) để tiếp nhận nên nguyện vọng của người cháu ngoại A.Sallet vẫn chưa thành sự thật.
Ngoài tư liệu sách vở, báo chí, hình ảnh, công văn giấy tờ, gia phả, tộc phả, hồi ký, hồi ức, tài liệu lưu trữ, đặc biệt tài liệu của ngành an ninh... còn có một nguồn tư liệu khác cũng vô cùng quan trọng. Đó là những nhân vật lịch sử, những nhân chứng lịch sử, những trí thức đã từng am hiểu quá khứ. Nếu không gặp được các cụ Lê Thiện, Lê Xuyến, Nguyễn Phú Phu, Lê Thanh Cảnh... thì làm sao chúng ta có thể biết được Thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế; nếu không gặp được Công chúa Như Lý thì làm sao có thể biết được những năm tháng vua Hàm Nghi bị đày ở nước ngoài, nếu không có nhà thơ Cù Huy Cận thì làm sao biết được cụ thể việc vua Bảo Đại xin thoái vị và trao ấn kiếm ở Huế... Và còn có biết bao người đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, tham gia các Phong trào đấu tranh yêu nước của sinh viên học sinh chưa được chúng ta hỏi chuyện, chụp ảnh quay phim để làm tư liệu tham khảo cho đời sau. Những tư liệu thành văn, đặc biệt những tư liệu đã in và phát hành, nếu ở Việt Nam không còn thì có thể tìm được ở nước ngoài. Nhưng những tư liệu sống, những nhân chứng lịch sử thì dù muốn dù không họ cũng chỉ hiện hữu có một thời. Sống để dạ, nếu không được khai thác, khi chết họ sẽ mang đi và chúng ta có bao nhiêu tiền của cũng không thế tìm lại được.
Vì vấn đề khẩn thiết như vậy, chúng tôi tha thiết cầu mong lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên hãy có một chủ trương chính sách thỏa đáng cho việc sưu tầm, bảo quản, sử dụng tư liệu văn hóa lịch sử tại tỉnh nhà. Nếu có thể cho phép lập Ngân hàng sách như tôi đã đề nghị trên báo Lao Động. Trước mắt chấp nhận ngay cho Hội Những người bạn của Huế xưa vừa tái thành lập thực hiện kế hoạch tổ chức tại Huế một trung tâm tư liệu mà ông Jean Cousso đã ngược xuôi lo thủ tục trong ba bốn năm qua.
Được phát biểu ý kiến trong Đại hội Sử học Thừa Thiên Huế hồi cuối thu năm 1999, tôi đã mạo muội có một số nhận định và nay tôi xin nhắc lại rằng:
Trong thời gian qua vì thiếu tư liệu nên chúng ta đã không biết hết được những gì người trước đã làm; không có tư liệu nên ít có những khám phá mới; khi cần nghiên cứu một vấn đề gì thì làm chậm và hết sức tốn kém; không có trung tâm tư liệu nên không kịp thời cứu vãn nhiều tư liệu đã bị hủy hoại, thất lạc hoặc bị đem ra khỏi Thừa Thiên Huế.
Huế - nói như Unesco - “Luôn luôn phải bắt đầu trở lại” (toujours recom -mencé), luôn luôn còn nhiều điều bất cập. Muốn bắt đầu trở lại tốt, giải quyết được những bất cập đó cần phải có tư liệu lịch sử nhiều và quý hơn nữa.
Nguyễn Đắc Xuân
________________________________________
(1) Hai người có công lớn trong việc lập lại tài liệu sách vở trong giai đoạn này là các cụ Nguyễn Trọng Hợp, Cao Xuân Dục, về sau có thêm cụ Trần Thanh Đạt (theo Phan Văn Dật).

 

Bình luận


Chưa có bình luận!


Bài viết trước đó
Bài viết kế tiếp

Trở lại đầu trang