Nhà Đông phương học Boris Riptin đến Huế tìm sách
Vào một buổi trưa nắng gắt,ông Vũ Thắng – Bí thư tỉnh Bình Trị Thiên gọi tôi đến khách sạn Hương Giang để hướng dẫn cho một vị khách nước ngoài thực hiện một việc quan trọng. Tôi đến nơi thì gặp một người Nga râu tóc bạc phơ nhưng còn khỏe mạnh. Mặt mày ông nhăn nhó như đang bực tức một điều gì. Thấy tôi, ông Vu Thắng nói:
- Đây là nhà Đông phương học Boris Riftin thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xô-viết. Đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh giới thiệu ông vào đây để đi tìm sách cũ về truyện Hán-Nôm, nhưng hai ngày qua ông tìm trong các thư viện nhân dân ở tỉnh không có. Vậy đồng chí có thể giúp gì cho ông được không?
Đột ngột quá nên tôi không dám trả lời được hay không. Nhà thơ Bằng Việt (phiên dịch tiếng Nga) ngồi bên cạnh ông Boris Riftin, thấy tôi là người quen nên nói thêm vào:
- Nếu được thì anh cố gắng giúp ông ta, mất hai ngày ở đây mà không tìm được gì ông bạn cáu lắm.
Không thể từ chối được, tôi trả lời vị lãnh đạo tỉnh:
- Các thư viện nhân dân chắc chắn là không có sách Hán Nôm rồi, tôi có thể giúp ông ta đến các tủ sách tư nhân, nhưng với điều kiện ...
- Điều kiện gì? Tiền à? - Vị lãnh đạo tỉnh Vũ Thắng nói với thái độ sẵn sàng chi tiền.
- Không phải. Với điều kiện tôi đưa ông đến nhà dân mà không có công an đi theo. Dân không muốn công an vô cớ đến nhà họ.
Vị lãnh đạo tỉnh hiểu ra vấn đề và đồng ý ngay. Nhà thơ Bằng Việt dịch sang tiếng Nga cho Boris nghe và ông đứng dậy đi ngay. Không phải chờ bố trí ô-tô, Boris và Bằng Việt leo lên một chiếc xích-lô đậu trước khách sạn, tôi đạp xe đi trước dẫn đường.
Ngay buổi trưa hôm đó tôi đưa Boris đến nhiều nhà, nhà nào ông cũng ghi chép được một số đầu sách ông cần tìm, những nơi để lại trong ông một cảm tình đặc biệt là nhà thầy Phan Văn Dật trên đường Nguyễn Chí Diểu trong Thành nội Huế. Hôm ấy không có điện, buổi trưa nóng bức, mặt mày nhễ nhại mồ hôi và mồ hóng, thầy Phan Văn Dật tay cầm cây đèn dầu, tay lật từng chồng sách cũ xếp trong nhà bếp để tìm sách cho người bạn Nga. Cuối cùng thầy chọn được một ôm đem ra cho Boris. Boris rất giỏi Hán Nôm, từng nghiên cứu bên Bắc Kinh nhiều năm, nên mới liếc qua chồng sách ông đã thích thú kêu lên bằng tiếng Nga và anh Bằng Việt dịch lại:
- Đây rồi ! Đây rồi ! Những gì tôi muốn tìm đây rồi. Cám ơn lắm lắm.
Ông lấy sổ tay ghi lia lịa. Ông chọn những cuốn ông thích nhất để qua một bên. Cuối cùng ông hỏi:
- Ông có thể nhượng lại cho tôi những cuốn sách này được không?
Thầy Phan Văn Dật vốn là một nhà thơ, dù rất nghèo nhưng thầy không thể nói chuyện mua bán sách với một vị đại trí thức của Nga như thế nên thầy đáp:
- Đây là những thứ tôi quý nhất, tôi không thể bán. Nhưng nếu Ngài cần tôi xin biếu Ngài.
Boris hết sức ngạc nhiên và ông nói nhỏ với Bằng Việt một chuyện riêng gì đó mà Bằng Việt không dịch cho chúng tôi nghe. Hình như ông ân hận về chuyện hỏi mua sách của một người trí thức. Cuối cùng ông quay qua nói với thầy Dật:
- Tôi xin cám ơn ông. May gặp được ông tôi mới khỏi phí cái công đến Huế và tránh được một sự thất vọng não nề về Huế trong tôi. Tôi xin hứa sẽ dành riêng một ngăn tủ trong gia đình tôi ở Mát-khơ-va để tàng trữ lâu dài những cuốn sách quý này.
- Như thế thì hân hạnh cho tôi quá ! Cám ơn Ngài ! - Thầy Dật đáp.
Sáng hôm sau Boris rời Huế. Bẵng đi một thời gian rồi tôi nhận được một gói quà và một lá thư bằng tiếng Nga kèm theo bản dịch tiếng Việt. Gói quà gồm một chai rượu Vốt-ka, hai con cá khô và mấy gói bột canh. Lá thư viết đại ý là nhờ tôi chuyển cho thầy Dật gói quà với lời giải thích rằng: “Ở nước Nga, người ta chỉ tặng rượu và cá khô cho những người họ quý trọng nhất. Và, khi tôi vào trong nhà bếp nhà ông trí thức, tôi nhìn vào tủ để thức ăn thấy trống trơn. Chỗ nào cũng thấy sách với sách. Tôi gửi tặng ông mấy gói bột canh Nga”. Trong lá thư ấy ông cũng cảm ơn tôi đã giúp ông và ông bảo tôi: “Sách, tài liệu văn hóa lịch sử là những thứ mà giới nghiên cứu rất cần. Tại sao Huế không tổ chức đưa những thứ ấy vào một cơ quan để cho mọi người được sử dụng và người chủ tài liệu cũng có được một chút thù lao? Sách, tài liệu quí cũng là một nội dung thu hút khách du lịch đấy chứ !”.
Lần đó, tôi được làm việc với Boris Riptin trong một thời gian rất ngắn, nhưng tôi đã được ông dạy cho nhiều điều bổ ích. Riêng bài học về sách và tài liệu lịch sử thì tôi nhớ đời.
Tại KS Hương Giang (1981), nhà Đông phương học Boris Riptin và nhà văn Rề-vát (Liên-xô cũ) gặp một số văn nghệ sĩ BTT trao đổi về việc tìm tài liệu văn học cổ ở Huế .